Nghiên cứu tăng tuổi thọ vật liệu cấy ghép trong y học

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhận thấy những ứng dụng quan trọng của màng phủ TiN trong nhiều lĩnh vực, TS Lương Văn Đương cùng các cộng sự đã bắt tay thực hiện đề tài.

Ảnh hiển vi điện tử quét bề mặt của màng TiN tại lưu lượng khí khác nhau.
Ảnh hiển vi điện tử quét bề mặt của màng TiN tại lưu lượng khí khác nhau.

Việc cải thiện được các tính chất của màng phủ TiN bằng phương pháp xử lý siêu âm có thể làm tăng tuổi thọ cho các chi tiết cấy ghép trong chấn thương chỉnh hình.

Màng phủ chống ăn mòn và biến dạng

TS Lương Văn Đương cùng cộng sự Viện Khoa học vật liệu - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã làm chủ công nghệ chế tạo màng phủ TiN bằng phương pháp phún xạ magnetron trên nền hợp kim titan y sinh (Ti6Al4V) và ứng dụng kỹ thuật xử lý siêu âm bề mặt để nâng cao tính chất của vật liệu này.

TS Lương Văn Đương cho biết, vật liệu cấy ghép trong lĩnh vực chấn thương và chỉnh hình được sử dụng để thay thế những chi tiết của cơ thể bị hỏng hoặc mất, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cũng như kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân.

Titan (Ti), hợp kim Ti cho thấy ưu điểm rõ rệt về khả năng tương thích sinh học, tính chống ăn mòn và tính chất cơ học vượt trội. Do đó, chúng đang là vật liệu được sử dụng phổ biến nhất trong lĩnh vực y sinh.

Trong các hợp kim của Ti, Ti6Al4V là hợp kim tiêu chuẩn đầu tiên được ứng dụng làm vật liệu y sinh và đang sử dụng rộng rãi hiện nay. Tuy nhiên, việc giải phóng ra các ion nhôm (Al), Vanadi (V) hoặc chất đào thải trong quá trình mài mòn không những làm giảm tuổi thọ của vật liệu mà còn gây ra những triệu chứng viêm nhiễm và sự đổi màu các mô xung quanh của bệnh nhân.

Để giải quyết vấn đề này, việc tìm ra màng phủ cho vật liệu hợp kim Ti6Al4V đáp ứng các yêu cầu về khả năng chống mài mòn, ăn mòn và đảm bảo độ bền cơ học để không bị biến dạng khi xử lý tiệt trùng, đồng thời có sự tương thích sinh học tốt với cơ thể người là vấn đề cấp thiết.

Trong những thập kỷ qua, màng TiN là một trong các lớp phủ đầu tiên được phát triển cho các chi tiết cấy ghép, thay thế khớp và cố định xương, làm giảm hiện tượng bào mòn ở bề mặt khớp, ngăn thôi nhiễm các ion kim loại.

Ngoài ra, màng phủ TiN còn được sử dụng để tăng cường độ cứng, giúp duy trì độ sắc của các dụng cụ y tế như lưỡi dao mổ, khoan cắt xương, tăng khả năng kháng khuẩn, cải thiện điều kiện vệ sinh.

Tuy nhiên, việc sử dụng phương pháp lắng đọng pha hơi vật lý để chế tạo màng phủ thường chứa các khuyết tật và lỗ xốp. Chính điều này đã làm cho màng phủ chế tạo bị giới hạn về các tính chất cơ và hóa lý.

Nhận thấy những ứng dụng quan trọng của màng phủ TiN trong nhiều lĩnh vực, TS Lương Văn Đương cùng các cộng sự đã bắt tay thực hiện đề tài. Các mẫu màng phủ TiN đã được chế tạo bằng phương pháp phún xạ magnetron.

Trong đó, ảnh hưởng của công suất phún xạ và lưu lượng khí N2 đến cấu trúc, tính chất của màng được nghiên cứu gồm: Cấu trúc pha, hình thái học bề mặt - mặt cắt ngang, độ cứng và hệ số ma sát.

Tăng tuổi thọ cho các chi tiết cấy ghép

TS Lương Văn Đương cho biết, kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của công suất phún xạ cho thấy, màng chế tạo có cấu trúc đơn pha mạng lập phương tâm mặt. Ảnh hiển vi điện tử quét chỉ ra màng có các tinh thể dạng cột, cùng với tốc độ tạo màng tăng lên khi công suất phún xạ tăng.

Thêm vào đó, độ cứng của màng đạt giá trị cực đại tại công suất phún xạ 250W và hệ số ma sát thấp nhất (0,42) tại công suất phún xạ 150W. Các nhà khoa học đã làm sáng tỏ ảnh hưởng của lưu lượng khí Nitơ (N2) đến cấu trúc và tính chất của màng TiN.

Khi lưu lượng khí N2 tăng từ 10 đến 30 sccm, cường độ đỉnh nhiễu xạ theo mặt của màng TiN tăng dần, đồng thời hình dạng hạt phún xạ có sự thay đổi từ dạng cấu trúc nhiều mặt sang cấu trúc cầu.

Tại lưu lượng khí N2 là 25 sccm, màng TiN thu được cấu trúc hạt mịn (khoảng 60nm) cùng với giá trị độ cứng cực đại (24.8 ± 1.8 GPa). Độ bền bám dính của màng TiN tại các lưu lượng khí N2 khác nhau đều có tải tới hạn > 30N.

Ngoài ra, kết quả đo ăn mòn điện hóa cũng chỉ ra rằng, màng phún xạ tại tỉ lệ khí khác nhau có khả năng chống ăn mòn tốt hơn so với hợp kim titan y sinh Ti6Al4V. Bằng phương pháp xử lý siêu âm bề mặt màng TiN đã cải thiện được một số tính chất như độ mấp mô bề mặt, độ cứng…

TS Lương Văn Đương cho biết, việc cải thiện được các tính chất của màng phủ TiN bằng phương pháp xử lý siêu âm có thể làm tăng tuổi thọ cho các chi tiết cấy ghép. Kết quả này cũng tạo tiền đề mở rộng phạm vi ứng dụng cho màng phủ nitrua trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, cũng cần có nhiều nghiên cứu sâu hơn, đặc biệt là thực hiện các nghiên cứu thử nghiệm khả năng tương thích sinh học trong giả dịch thể người hoặc trên động vật để có thể đánh giá được mức độ tương thích nhằm định hướng ứng dụng trong thực tế. Do đó, các nhà khoa học mong muốn tiếp tục phát triển hướng nghiên cứu này trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.