Nghiệm thu Đề tài Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện  

GD&TĐ - Sáng 13/4, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh chủ trì phiên họp Hội đồng khoa học tư vấn đánh giá, nghiệm thu cấp nhà nước kết quả thực hiện Đề tài mã số KHGD/16-20.ĐT.015 thuộc Chương trình Khoa học Giáo dục

Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì phiên họp Hội đồng khoa học tư vấn đánh giá, nghiệm thu Đề tài.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh chủ trì phiên họp Hội đồng khoa học tư vấn đánh giá, nghiệm thu Đề tài.

Thực hiện Chương trình Khoa học Giáo dục cấp quốc gia, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam được giao chủ trì thực hiện Đề tài Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện ở các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trong bối cảnh hiện nay, Mã số đề tài KHGD/16-20.ĐT.015 do PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Trinh làm chủ nhiệm. 

Đối với phát triển kinh tế - xã hội, kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ góp phần thực hiện thành công Luật trẻ em ở Việt Nam, phục vụ cho thực hiện thành công Nghị định 80 NĐ/CP về xây dựng môi trường giáo dục (GD) an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về xây dựng môi trường GD an toàn, lành mạnh, thân thiện cho GD trẻ em lứa tuổi mầm non và phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới GD nhằm giúp trẻ phát triển tốt nhất. Các kết quả đạt được cũng góp phần xây dựng một xã hội nhân văn và tiến bộ.

Đối với nơi ứng dụng kết quả nghiên cứu, có thể ứng dụng rộng rãi trên phạm vi cả nước và trực tiếp là các cơ sở GD mầm non, phổ thông công lập và ngoài công lập. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cũng được sử dụng trong quá trình đào tạo nhân lực. Đồng thời, cũng là cơ sở cho các nghiên cứu tiếp theo về phát triển toàn diện cho trẻ em Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Trinh trình bày những kết quả thực hiện đề tài.
PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Trinh trình bày những kết quả thực hiện đề tài.

Đối với việc phát triển lĩnh vực khoa học có liên quan, các lĩnh vực khoa học khác có liên quan trực tiếp đến kết quả nghiên cứu của đề tài bao gồm: y tế, bảo trợ xã hội, tâm lí học, chính sách, dân số - gia đình và trẻ em… Các lĩnh vực khoa học này cũng có thể sử dụng các kết quả nghiên cứu của đề tài làm cơ sở cho các nghiên cứu thuộc lĩnh vực của mình.

Đối với việc phát triển nền tảng tri thức khoa học của ngành:, cách tiếp cận và kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ khuyến khích việc nghiên cứu sự phát triển của trẻ em Việt Nam, xây dựng và phát triển các công cụ đo lường để đánh giá hệ thống tác động đến trẻ em Việt Nam, góp phần phát triển ngành tâm lí – GD.

Cùng với việc xác định và đề xuất đề tài, đặt ra vấn đề xây dựng học phần “Xây dựng môi trường GD an toàn, lành mạnh, thân thiện” trong các chương trình đào tạo GV các trình độ cao đẳng, đại học. Quá trình triển khai và kết quả của đề tài cũng là cơ sở cho việc đào tạo đội ngũ các nhà chuyên môn có trình độ cao GD trẻ em.

Phát biểu phản biện của chuyên gia tại phiên họp
Phát biểu phản biện của chuyên gia tại phiên họp

Phát biểu phản biện tại phiên họp, các thành viên đều đánh giá cao đóng góp của Đề tài. Nhóm nghiên cứu đã xây dựng được bộ tiêu chí, các giải pháp triển khai đáp ứng yêu cầu cam kết. Tuy nhiên để sản phẩm tốt hơn, cần hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng hệ thông tiếp cận tập trung tiếp cận quyền trẻ em, lấy trẻ làm trung tâm. Phải rõ đặc thù GD mầm non, tiểu học, THPT. Cần phải làm rõ hơn nữa để thấy quyền và năng lực thực hiện trong các cơ sở giáo dục. Cần có những bổ sung để tường minh nhiều điều mục, nội dung, có những đánh giá chung. 

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho rằng đây là đề tài khó, nhưng rất hay, có giá trị thực tiễn nếu được thực hiện tốt. Những phản biện là hết sức cần thiết, đó là vấn đề cần làm rõ an toàn trong trường học, an toàn để sinh tồn, những kỹ năng đảm bảo, cơ sở vật chất đi theo. Ảnh hưởng Đề tài rất quan trọng, cần xây dựng mô hình an toàn thân thiện trong trường mầm non, phổ thông, đây là vấn đề chính phủ quan tâm.   

Phiên họp hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước đã chính thức thông qua Đề tài đạt chất lượng nghiệm thu với 8/8 số phiếu thông qua. Phát biểu tiếp thu những ý kiến phản biện của Hội đồng, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Trinh đã tiếp thu các ý kiến phản biện và sớm hoàn thiện Đề án theo thời gian quy định.

Đây là Đề tài cấp Nhà nước, cần cố gắng cụ thể hóa các nội dung nghiên cứu để "trồng cây thấy rừng". Những thông tin từ thực tế được các phản biện đưa ra là hết sức thiết thực cần được bổ sung vào nội dung Đề án. Trong quá trình nhìn nhận các văn bản quy phạm pháp luật khi đối chiếu phải kín kẽ. “Đề tài này giúp gì cho việc sửa các thông tư liên quan. Góc nghiên cứu phải mang tính độc lập, giúp cho thực tiễn và quản lý của ngành". – Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ