Thực hiện Chương trình Khoa học Giáo dục cấp quốc gia, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được giao chủ trì thực hiện Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng tác phẩm mĩ thuật trong giáo dục giá trị truyền thống Việt Nam cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học”, mã số KHGD/16-20.ĐT.030, do TS Phạm Văn Tuyến làm chủ nhiệm.
Đề tài đã đề xuất một số nội dung liên quan đến chính sách giáo dục, giáo dục giá trị truyền thống, giáo dục thẩm mĩ và định hướng công tác giáo dục nghệ thuật nói chung, đóng góp vào việc thực hiện thắng lợi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc và hội nhập quốc tế.
Đề tài cũng góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về các giá trị truyền thống, giáo dục giá trị đạo đức, giá trị văn hóa, giáo dục thẩm mĩ cho trẻ em. Trong đó đóng góp một số đề xuất, giải pháp thiết thực góp phần xây dựng chủ trương chính sách nhằm huy động các nguồn lực, tổ chức xã hội cùng tham gia giáo dục giá trị truyền thống Việt Nam (truyền thông, văn hóa, nghệ thuật, đoàn thể…).
Đề tài đã đề xuất bổ sung mới học phần giáo dục và đào tạo áp dụng tác phẩm mĩ thuật trong giáo dục giá trị truyền thống Việt Nam. Đóng góp nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, đóng góp cho mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện của ngành giáo dục. Ngoài lợi ích giáo dục giá trị truyền thống, đề tài đồng thời đạt mục tiêu giáo dục thẩm mĩ.
Các kết quả nghiên cứu có thể hỗ trợ trong chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức dạy học ở bậc học mầm non và tiểu học đối với nội dung liên quan tới giáo dục phẩm chất cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học theo mục tiêu cần đạt của Chương trình giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học.
Đối với lĩnh vực khoa học, Đề tài đã hình thành một hướng nghiên cứu mới để ứng dụng tác phẩm nghệ thuật cho lĩnh vực giáo dục. Áp dụng kết quả nghiên cứu từ các lĩnh vực khoa học vào giáo dục nghệ thuật. Đóng góp thiết thực các tài liệu, số liệu nghiên cứu và đề xuất các nghiên cứu nối tiếp, các nghiên cứu về giáo dục nghệ thuật kết hợp các mục tiêu giáo dục khác.
Ý kiến phản biện của các chuyên gia đều nhất trí Đề tài đạt yêu cầu. Tuy nhiên nhiều câu chữ chưa chính xác cần rà soát chỉnh sửa lại. Cần logic làm rõ khái niệm giá trị trong nội dung, có phần trình bày còn rối, lỗi chính tả. Hệ thống khái niệm cơ bản chưa được tường mình, khảo sát thực trạng thế nào, phụ thuộc vào khái niệm cơ bản này. Thực trạng phải rõ ràng, mục tiêu là gì, đối tượng khách thể là gì. Cần sàng lọc lại những vấn đề nhạy cảm, chuẩn hóa thuật ngữ, nhất quán, chính xác hóa sử dụng xuyên suốt.
Phát biểu ý kiến, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho rằng, Đề tài nghiên cứu ứng dụng, đối tượng là trẻ mầm non và học sinh tiểu học là rất rộng. Thứ trưởng cho rằng từng thành viên trong hội đồng góp ý rất sâu sắc, nhóm nghiên cứu cần bổ sung hoàn chỉnh. Thứ trưởng đồng tình với quan điểm của các chuyên gia phản biện, cần phân tích đánh giá thực trạng cho chính xác, sử dụng tác phẩm nghệ thuật thế nào, từng đối tượng đã đủ chưa, trong đó có 3 vấn đề nổi cộm và 7 vấn đề trọng tâm cần rút kinh nghiệm để sao cho Đề tài thực sự hoàn thiện, đảm bảo tính logic từ đầu đến cuối.