Xung quanh vấn đề này, Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thị Tính – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên về những cơ hội cho các trường sư phạm khi chính sách mới đi vào cuộc sống.
Cơ hội cho các trường sư phạm
- Theo các chuyên gia, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH sẽ tạo hành lang pháp lý cho GDĐH phát triển, đặc biệt là chính sách về tự chủ ĐH. Theo PGS, đây có phải là cơ hội để các trường sư phạm bứt phá?
- Theo tôi, luật có hiệu lực, các trường sư phạm sẽ có cơ hội để bứt phá nhờ vào cơ chế tự chủ trên các phương diện như: Tài chính, chương trình, nhân sự và quyết định các vấn đề của nhà trường trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học cũng như việc bảo đảm chất lượng đào tạo…
Các trường sư phạm sẽ tự chủ về học thuật, tự chủ trong hoạt động chuyên môn bao gồm ban hành, tổ chức thực hiện tiêu chuẩn như: Chuẩn đầu ra của sinh viên; chuẩn chương trình đào tạo dựa trên chuẩn quy định của Bộ GD&ĐT; chuẩn giảng viên, cán bộ quản lý… Điều này giúp các trường sư phạm mở rộng các mối quan hệ với đối tác, khai thác thị trường đào tạo, nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước.
Quyền tự chủ trong tổ chức và nhân sự, giúp các trường tự chủ về ban hành và tổ chức thực hiện quy định nội bộ về cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động phù hợp với tình hình như: Quy định về năng lực cần có của viên chức, người lao động theo vị trí việc làm; tiêu chuẩn về đánh giá mức độ hoàn thành công việc theo vị trí việc làm; tiền lương cho cán bộ, viên chức theo mức độ hoàn thành công viêc… Tự chủ trong quyết định nhân sự quản trị, quản lý trong cơ sở giáo dục đại học phù hợp với quy định của pháp luật. Qua đó sẽ tạo động lực cho cán bộ quản lý, giảng viên, viên chức của các trường sư phạm phấn đấu hoàn thiện để thích ứng, phát triển.
- Các trường sư phạm sẽ phải đối diện với những khó khăn gì trong thời gian tới?
- Cơ hội được tự chủ mở ra cánh cửa để các trường sư phạm phát triển về đào tạo, học thuật, nghiên cứu khoa học, kết nối thị trường đào tạo, qua đó bảo đảm nguồn thu của nhà trường. Tuy nhiên, theo tôi, các trường sư phạm sẽ phải đối mặt với những khó khăn khi tự chủ về tài chính. Cụ thể, các trường sẽ phải bảo đảm nguồn quỹ lương cho cán bộ, giảng viên, viên chức, các nguồn chi hỗ trợ người học và phục vụ công tác đào tạo, NCKH.
Nhưng tôi tin rằng, khó khăn sẽ trở thành động lực để các trường sư phạm linh hoạt, sáng tạo hơn và có được chiến lược phát triển phù hợp với thực tiễn. Bởi lẽ, tự do phát triển về đào tạo, học thuật, nghiên cứu khoa học, kết nối thị trường đào tạo sẽ tạo ra sức cạnh tranh lớn, đòi hỏi các trường sư phạm phải có chiến lược phát triển phù hợp; cán bộ giảng viên, viên chức nhà trường phải có sự bứt phá về năng lực để khẳng định uy tín, thương hiệu và thu hút thị trường cũng như người học.
Động lực để các thành viên hoạt động hiệu quả
- Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên đã hình dung về những việc sẽ phải làm trong thời gian tới như thế nào, nhất là khi chính sách về tự chủ đại học được áp dụng vào thực tiễn?
- Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên đã hình dung về những việc sẽ phải làm trong năm 2019 và năm 2020 trở đi là chuyển từ đào tạo, NCKH theo chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao sang từng bước phát triển đào tạo, NCKH theo hướng dịch vụ đáp ứng nhu cầu xã hội.
Ảnh minh họa |
Để đạt được mục tiêu đó, nhà trường thực hiện điều chỉnh sứ mạng, tầm nhìn trong bối cảnh mới; xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển thị trường đào tạo, bồi dưỡng. Đẩy mạnh NCKH nhằm tăng nguồn thu cho nhà trường. Mặt khác, mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo, NCKH và các dịch vụ khác.
Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý nội bộ cho phù hợp với những quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH. Từng bước tự chủ về tài chính để bảo đảm quỹ lương của trường trong bối cảnh tự chủ đại học nhằm ổn định đời sống cho cán bộ, giảng viên.
Cùng với đó, nhà trường sẽ tập trung nâng cao năng lực đào tạo, NCKH cho giảng viên, viên chức nhằm nâng cao và bảo đảm chất lượng đào tạo của nhà trường. Nhà trường cũng sẽ chú trọng phát triển năng lực cạnh tranh nhằm không ngừng mở rộng thị trường đào tạo, bồi dưỡng, NCKH.
- Nhà trường đã có bước chuẩn bị như thế nào để Hội đồng trường phát huy thực quyền?
- Đến nay, Hội đồng trường của Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên đã thành lập trọn một nhiệm kỳ. Về cơ bản Hội đồng trường đã làm đúng chức năng tư vấn, hỗ trợ Ban Giám hiệu trong hoạt động của trường. Tuy nhiên với chức năng, nhiệm vụ mới được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH đòi hỏi năng lực của Chủ tịch và tập thể Hội đồng trường phải làm việc chuyên nghiệp hơn. Theo tôi, cũng cần có cơ chế tài chính cho hoạt động của Hội đồng trường ở các trường công lập để tạo động lực cho các thành viên tham gia hoạt động có hiệu quả.
* Xin cảm ơn PGS!