Nghiên cứu KHCN trong trường đại học: Từ hô hào thành hành động thực tế

GD&TĐ - Nghiên cứu khoa học (NCKH) và công nghệ là hoạt động không thể thiếu với mỗi cơ sở giáo dục đại học.

Giảng viên và sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong phòng Lab. Ảnh: NTCC
Giảng viên và sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong phòng Lab. Ảnh: NTCC

NCKH cần trở thành nhu cầu tự thân của giảng viên, sinh viên và ứng xử có văn hóa với liêm chính khoa học.

Bắt đầu từ câu hỏi vì sao và tại sao?

Ban đầu tiếp cận NCKH dưới góc độ một cuộc thi đơn thuần, nhưng khi trực tiếp bắt tay vào nghiên cứu, sinh viên Đỗ Phương Quyên – Trường ĐH Mở Hà Nội nhận ra những lợi ích từ hoạt động này. Theo nữ sinh, không dừng lại ở thành tích hay điểm rèn luyện, NCKH giúp sinh viên được trau dồi kiến thức, biết tư duy, phản biện khoa học và phát triển kỹ năng mềm; từ đó hoàn thiện bản thân.

Dù không phải là yêu cầu bắt buộc nhưng PGS.TS Trần Hữu Hoan – Phó Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục cho rằng, NCKH có vai trò quan trọng, bổ ích trong quá trình học tập của sinh viên. Do đó, NCKH cần trở thành nhu cầu tự thân của mỗi cá nhân.

Không coi NCKH là phong trào, mà đó là hoạt động nghiêm túc, thực chất và chất lượng trong trường đại học. Qua đó, nhằm phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ học tập của sinh viên. NCKH không nhất thiết phải là vấn đề “gai góc” hay “đao to búa lớn”’; nó có thể bắt nguồn từ câu hỏi vì sao và tại sao - những vấn đề giản dị nhưng cần được “giải mã” bằng khoa học trong cuộc sống thường nhật.

Những năm gần đây, NCKH và sáng tạo công nghệ của giảng viên và sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam trở thành điểm sáng trong công tác đào tạo, nghiên cứu. GS.TS GS.TS Nguyễn Thị Lan – đại biểu Quốc hội, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam khẳng định, Học viện luôn khuyến khích sinh viên tinh thần sáng tạo, NCKH, tìm kiếm những ý tưởng mới có khả năng ứng dụng vào thực tiễn. Qua đó, tạo sân chơi khoa học, trí tuệ, góp phần thúc đẩy phong trào học tập, NCKH/ khởi nghiệp.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam luôn coi NCKH và công nghệ là sức sống, động lực, then chốt để xây dựng và phát triển uy tín thương hiệu. Vì thế, NCKH và phát triển công nghệ vừa là mục tiêu, động lực cho sự phát triển của Học viện. Trên tinh thần đó, Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện đã đổi mới công tác tổ chức, hoàn thiện quy định quản lý hoạt động khoa học công nghệ, đặt hàng các nhóm nghiên cứu.

Lãnh đạo Trường ĐH Mở Hà Nội trao giấy khen cho cán bộ, giảng viên có thành tích tiêu biểu trong nghiên cứu khoa học, sáng tạo và khởi nghiệp. Ảnh: NTCC

Lãnh đạo Trường ĐH Mở Hà Nội trao giấy khen cho cán bộ, giảng viên có thành tích tiêu biểu trong nghiên cứu khoa học, sáng tạo và khởi nghiệp. Ảnh: NTCC

Thúc đẩy liêm chính khoa học

Trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đơn vị nào có năng lực cạnh tranh cao trong đào tạo, NCKH sẽ có nhiều cơ hội để vượt lên, phát triển nhanh và bền vững. Thực tiễn này đặt ra yêu cầu, mỗi cơ sở giáo dục đại học không ngừng nỗ lực, đổi mới, sáng tạo và phát triển khoa học, công nghệ để không bị tụt hậu, PGS.TS Nguyễn Thị Nhung - Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội nhìn nhận. Do đó, từng cán bộ, giảng viên cần không ngừng cố gắng, củng cố năng lực NCKH và hoàn thiện bản thân.

Tại Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên), NCKH góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và đào tạo. GS.TS Nguyễn Thế Hùng - Chủ tịch Hội đồng trường cho hay, hoạt động này giúp cải thiện thu nhập cho cán bộ giảng viên tham gia NCKH. Đây cũng là hướng đi mà nhà trường đang đẩy mạnh trong tiến trình tự chủ nhằm thu hút và giữ chân người tài.

Dù là nhiệm vụ cơ bản của giảng viên nhưng PGS.TS Lê Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn (Hà Nội) nhận thấy, nhiều thầy, cô mới thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy, chưa chú ý đến NCKH. Tại các trường đại học ở Mỹ, để trở thành học giả, việc đầu tiên là giảng viên phải trở thành nhà nghiên cứu và công bố các bài viết khoa học.

Ở Nhật Bản, các trường đại học luôn coi trọng đào tạo đội ngũ giỏi kỹ thuật chuyên ngành, dốc sức nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ. Việc tăng cường NCKH trong giáo dục đại học cũng đóng vai trò quan trọng đối với đào tạo đội ngũ NCKH trẻ.

Đề cập một số giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu của giảng viên, PGS.TS Lê Mạnh Hùng đề xuất 2 nhóm giải pháp. Theo đó, các trường đại học cần tăng cường nguồn lực NCKH; đồng thời không ngừng hoàn thiện chính sách NCKH như: Ưu tiên bố trí nguồn lực, đặc biệt nguồn tài chính nhằm thu hút, đãi ngộ chuyên gia, nhà khoa học, tài năng khoa học và công nghệ trong nước và quốc tế về làm việc.

Chính sách tuyển dụng không chỉ chú trọng năng lực NCKH mà cần đi kèm nguồn lực và cơ chế thu hút tương xứng. Cùng đó, tăng cường sự tham gia của chuyên gia, nhà quản lý giỏi, doanh nhân thành đạt ở trong nước và quốc tế vào giảng dạy, nghiên cứu theo chế độ kiêm nhiệm hoặc chính nhiệm;

Các trường có thể tuyển chọn, bồi dưỡng, rèn luyện để tạo nguồn cán bộ khoa học trình độ cao từ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc ở trong nước và nước ngoài, cán bộ khoa học trẻ có triển vọng. Mặt khác, đầu tư nguồn lực, đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng đúng hướng và phù hợp với đối tượng giảng viên.

Ngoài ra, cần xây dựng môi trường công tác tốt để các nhà khoa học phát huy tối đa năng lực sáng tạo, gắn bó với trường đại học. Đặc biệt, cần tạo động lực hơn nữa cho giảng viên, đặc biệt đổi mới chính sách khen thưởng về NCKH ở các trường đại học.

Ứng xử với liêm chính khoa học có văn hóa, văn minh là ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo khoa học về liêm chính trong nghiên cứu. GS.TS Hoàng Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) đề nghị, cần xây dựng các quy định nhằm thúc đẩy tính liêm chính trong khoa học.

Tuy nhiên, không nên dùng quy định mới để soi chiếu lại các trường hợp trong quá khứ, vì nếu lấy góc nhìn trong bối cảnh hiện nay để soi chiếu những việc trước đây sẽ xảy ra bi kịch. Trước đây, do thiếu các quy định, hướng dẫn cụ thể nên xảy nhiều vi phạm một cách “hồn nhiên”.

Nhấn mạnh sự cần thiết có quy định nội bộ để bảo đảm căn cứ, sự tuân thủ liêm chính học thuật, PGS.TS Trương Việt Anh - Trưởng ban Khoa học - Công nghệ (Đại học Bách khoa Hà Nội) nêu ý kiến, cần tuyên truyền/ truyền thông cho cán bộ và người học, nhận thức đúng để thực hiện liêm chính học thuật. Ngoài ra, thống nhất sử dụng công cụ kiểm soát đạo văn; Có quy định khen thưởng minh bạch trong thực hiện liêm chính học thuật.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái cho biết, Bộ sẽ cùng Bộ GD&ĐT và bộ, ngành liên quan đôn đốc xây dựng các quy định pháp lý về liêm chính trong NCKH. Đồng thời, hoàn thiện cơ sở dữ liệu chung, làm cơ sở để kiểm soát việc vi phạm liêm chính khoa học. Cố gắng ứng xử với liêm chính có văn hóa, văn minh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sắc xanh xe buýt điện VinBus không ngừng nỗ lực “phủ xanh” thành phố (Ảnh: VinBus)

80 tuần Vingroup 'phủ xanh' Việt Nam

GD&TĐ -Quỹ Vì tương lai xanh và các công ty thành viên thuộc hệ sinh thái Vingroup đã triển khai những hành động “phủ xanh” trên khắp dải đất hình chữ S.