Nghiêm túc lựa chọn cán bộ “làm thi”

GD&TĐ - Kỳ thi THPT quốc gia đang đến gần với nhiều giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hạn chế tối đa những tiêu cực, gian lận trong thi cử. Tuy nhiên, như các chuyên gia giáo dục phân tích, quyết định sự thành công của kỳ thi phụ thuộc chủ yếu vào sự trung thực, năng lực, trách nhiệm của những người được lựa chọn tham gia “làm thi”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia, một số địa phương từng có cách “kiểm tra nhân sự” rất sáng tạo, như một tỉnh miền núi đã tổ chức kỳ thi trắc nghiệm kiến thức với những cán bộ tham gia hội đồng thi. Được hỏi: Liệu có phải là sàng lọc “hình thức”, một vị lãnh đạo sở GD&ĐT trả lời: “Không, đã có một số người thi trượt, chúng tôi thẳng thừng thay người khác làm nhiệm vụ”.

Các thành viên tham gia kỳ thi trắc nghiệm đều là hiệu trưởng, hiệu phó trường THPT trên địa bàn. Tham gia kỳ thi vừa là trách nhiệm của cán bộ, vừa là một cách nêu gương với cấp dưới. Nếu chẳng may thi trượt thì cũng xấu hổ với lãnh đạo Sở, với anh em đồng nghiệp và HS trong trường.

Thế nên các thành viên hội đồng thi ra sức dùi mài quyển quy chế thi THPT quốc gia, thuộc nằm lòng cách xử lý những trường hợp vi phạm quy chế thi. Mưa dầm thấm lâu, học để thi đỗ, học cũng để tự răn mình, không để bản thân rơi vào “vùng cấm”. Bên cạnh đó, còn phải thuộc quy trình thực hiện cho một buổi thi: Giờ nào làm việc gì, nhiệm vụ của ai, như thế nào… do sở GD&ĐT đưa ra, tránh trường hợp làm việc chồng chéo, chỗ thừa, chỗ thiếu, không đúng quy định. Kiến thức nhiều, trách nhiệm lớn, nhiều thầy, cô căng thẳng trước đợt thi.

Vị lãnh đạo Sở GD&ĐT kể đợt thi năm đầu tiên còn có người trượt. Thầy, cô cũng xin “du di” xem xét, nhưng không được, bị thay ngay cán bộ trường khác. Thế nên lần thi sau, mọi người tự giác học nghiêm túc, thi hết mình. Năm nay, địa phương này dự định không tổ chức kỳ thi trắc nghiệm này nữa, “vì anh em đã rất thuộc quy chế rồi. Các năm tổ chức thi THPT quốc gia chúng tôi không có cán bộ, GV trông thi vi phạm quy chế thi”.

Dù vậy, theo nhiều vị lãnh đạo sở GD&ĐT, không được chủ quan công tác nhân sự trong kỳ thi THPT quốc gia. Không thể kiểu điền tên vào chỗ trống, ai cũng có thể làm cán bộ thi, tham gia “làm thi” cho oai với học trò mà phải xem xét đạo đức nhà giáo, tinh thần trách nhiệm của cán bộ trong tất cả các khâu, từ người trông thi, chấm thi, trách nhiệm của cán bộ hội đồng thi.

Bởi nếu họ không có ý định tiêu cực, mua bằng, bán điểm, quản lý chặt chẽ, làm thật tốt ngay từ đầu thì dù có bị tác động, ép buộc đến đâu đi nữa cũng không thể gây ra sai phạm. Kỳ thi THPT quốc gia là thành quả của nhiều ngành, nhiều lực lượng phối hợp, nhưng trước tiên, những nhân sự ngành giáo dục tham gia kỳ thi này cần phải được lựa chọn một cách nghiêm túc.

Theo các chuyên gia, với trách nhiệm là cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục, Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia 2019 rất chu đáo. Bên cạnh một số giải pháp kỹ thuật, vai trò của các trường ĐH tham gia sâu hơn vào kỳ thi sẽ tăng tính minh bạch, khách quan trong khâu tổ chức thi, khắc phục kẽ hở khi kỳ thi được tổ chức tại địa phương.

Điều quan trọng nhất chính là sự đồng lòng, quyết tâm, trách nhiệm của người làm thi, việc lựa chọn nhân sự cho các vị trí quan trọng, tổ chức thi sao cho đồng bộ, hiệu quả, giám sát chặt chẽ để tiêu cực không có cơ hội phát tác. Việc kiên quyết xử lý những sai phạm trong thi cử với tinh thần không có vùng cấm cũng là hồi chuông cảnh tỉnh những ai manh nha ý định gian lận trong Kỳ thi THPT quốc gia 2019 sắp tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh minh họa về Hạng A Cháng do AI tạo ra. Ảnh minh họa: TG

Hai mặt của trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.