Nghiêm trị với hành vi xuất bản lậu, ăn cắp bản quyền

Nghiêm trị với hành vi xuất bản lậu, ăn cắp bản quyền

(GD&TĐ)-Trong phiên họp toàn thể sáng nay (18-6) tại hội trường, Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi).

Đ
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) nhận định: Nhiều nhà xuất bản đã và đang tiếp tay cho các đối tác lách luật.

Đa số các đại biểu đều nhất trí với việc cần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong hoạt động xuất bản. Theo các đại biểu, dự án Luật cần thể hiện quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý hoạt động xuất bản, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, thực hiện phân công, phân cấp trách nhiệm, quyền hạn rõ ràng giữa trung ương, địa phương và cơ sở; trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các chủ thể tham gia hoạt động xuất bản; cơ quan quản lý nhà nước chuyển vai trò từ kiểm soát sang giám sát hoạt động của các nhà xuất bản, cơ sở in và phát hành và tập trung vào trách nhiệm chính là hoạch định chính sách, giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý ở cơ sở, cải cách hành chính

Theo đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) đưa ra nhiều kiến nghị rất cụ thể về mô hình, hoạt động của các nhà xuất bản. Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy đề nghị bổ sung tiêu chuẩn chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên; Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản do đây là những người có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về nội dung, hình thức của các xuất bản phẩm.

Lưu ý đến tình trạng vi phạm khá phổ biến trong hoạt động liên kết xuất bản hiện nay, đại biểu Diệu Thúy nhận định, nhiều nhà xuất bản đã và đang tiếp tay cho các đối tác lách luật, ra xuất bản phẩm hàng tháng với tính chất như tạp chí nhưng lại không phải xin phép và chịu sự quản lý của cơ quan quản lý báo chí (chỉ cần một tờ giấy phép mỗi tháng của NXB). Cần có chế tài nghiêm khắc để ngăn chặn hành vi lách luật này cũng như các dạng vi phạm khác của đối tác liên kết xuất bản.

Đ
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên): dự luật cần bổ sung hành vi xuất bản lậu, ăn cắp bản quyền vào mục “các hành vi bị cấm”

Quy định không quảng cáo trên bìa sách cũng được đại biểu Diệu Thúy coi là cần điều chỉnh, đề nghị cho phép quảng cáo cả trên bìa sách truyền thống và sách điện tử, theo những quy chuẩn rõ ràng.

Theo đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, để đối phó hiệu quả hơn đối với tệ nạn xuất bản lậu đang “áp đảo”, thậm chí “giết chết” các sản phẩm chính thức, dự luật cần bổ sung hành vi xuất bản lậu, ăn cắp bản quyền vào mục “các hành vi bị cấm” và quy định chế tài xử lý nghiêm khắc hơn nữa với các đối tượng có hành vi này.

Các đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang); Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa – Vũng Tàu) quan tâm đến hàng ngàn cơ sở “in khác” đang hoạt động trên cả nước.

Với công nghệ hiện nay thì các cơ sở này đều có thể in được cả xuất bản phẩm, bằng giả, chứng chỉ giả, thậm chí tài liệu tuyên truyền phản động. Luật Xuất bản không quản lý thì quản lý bằng Luật nào? Tôi thấy không yên tâm, đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TPHCM) tán thành quan điểm này và đề nghị xây dựng luật riêng cho hoạt động in không phải xuất bản phẩm.

Nhấn mạnh đến tính chất “công nghệ” của các dạng xuất bản phẩm hiện nay, đại biểu Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) nhận định, phương pháp kiểm duyệt truyền thống sẽ khó đáp ứng được yêu cầu. Theo bà, cần “số hóa” khâu kiểm duyệt các xuất bản phẩm, từ đó, cơ quan chức năng có thể dễ dàng, nhanh chóng theo dõi, kiểm tra nội dung xuất bản phẩm dưới mọi hình thức.

Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Minh (TPHCM) góp ý: Xuất bản phẩm điện tử hiện nay quá phổ biến. Một chiếc iPad có thể sao chép cả nghìn cuốn sách, thậm chí là truyện tranh. Theo ông, dự Luật chỉ dành ba điều đề cập đến xuất bản phẩm điện tử  là quá đơn giản, cần phải có chương riêng để chế định về vấn đề này.

Thống nhất cho rằng việc xuất bản, sử dụng sách điện tử là xu hướng mạnh mẽ và tất yếu mà Luật cần chế định, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cung cấp thêm thông tin: Theo số liệu của Thư viện quốc gia, trung bình một ngày có 6.500 lượt truy cập sách điện tử, trong khi chỉ có 2.500 đọc sách truyền thống.

Luật Xuất bản được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 3 tháng 12 năm 2004, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2005.

Ngày 3/6/2008, Luật Xuất bản đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 3 thông qua việc sửa đổi, bổ sung nội dung của 8/46 điều để thực thi cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới.
 
Qua 6 năm thi hành, Luật Xuất bản bên cạnh những mặt ưu điểm, tích cực cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề mới trong thực tiễn cần phải sửa đổi đáp ứng yêu cầu mới.

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và tại Hội trường  về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi).

Tại kỳ họp lần này, dự án Luật Xuất bản (sửa đổi) tiếp tục được các đại biểu thảo luận, cho ý kiến

Theo Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, dự án Luật Xuất bản (sửa đổi) sẽ được Quốc hội tiếp tục cho ý kiến và biểu quyết thông qua tại kỳ họp tới - kỳ họp cuối năm 2012.

Nguyễn Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ