Thực hiện Chương trình Khoa học Giáo dục cấp quốc gia, Viện Khoa học Giáo dục được giao chủ trì thực hiện Đề tài cấp nhà nước mã số KHGD/16-20.ĐT.041 thuộc Chương trình Khoa học Giáo dục mã số KHGD/16-20.ĐT.041, do GS.TS Lê Anh Vinh làm chủ nhiệm.
Đề tài đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu theo đăng ký tại Thuyết minh đã được phê duyệt. Kết quả nghiên cứu của Đề tài đã được công bố qua 7 bài báo, trong đó 01 bài báo trên tạp chí trong hệ thống Scopus (đã được chấp nhận), 6 bài đăng trên các tạp chí trong nước (vượt 4 bài).
Những đóng góp chủ yếu của đề tài:
Đóng góp về khoa học, thông qua các sản phẩm nghiên cứu, đề tài đã tổng kết một cách có hệ thống cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn trong việc xây dựng chiến lược phát triển giáo dục. Trong đó bổ sung và làm sáng rõ lý luận về xây dựng Khung Chiến lược phát triển giáo dục; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế của 7 nước và tổ chức quốc tế rút ra được bài học kinh nghiệm cho xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục;
Xây dựng được bộ chỉ số phát triển giáo dục và đánh giá được thực trạng phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 theo mục tiêu Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 và bộ chỉ số phát triển giáo dục;
Dự báo được quy mô học sinh, giáo viên, trường lớp, nhu cầu đào tạo nhân lực. Từ phân tích, đánh giá thực trạng đề tài đã đề xuất được Khung Chiến lược phát triển giáo dục và Khung thành phần theo các cấp học đồng thời đề xuất Dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2021-2030.
Đóng góp thực tiễn, kết quả của đề tài cung cấp cho các nhà quản lý và hoạt động giáo dục cũng như toàn xã hội những phân tích và lập luận khoa học về khung chiến lược và Chiến lược phát triển giáo dục
Kết quả nghiên cứu của đề tài làm cơ sở cho việc xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục 2021-2030 và thông tin phục vụ cho công tác quản lý ngành của Trung ương, Bộ GD&ĐT và các cấp quản lý giáo dục ở địa phương.
Đề tài góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu của tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện đề tài.
Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các lĩnh vực: Nghiên cứu hoạch định chính sách, chiến lược phát triển giáo dục trong thời gian tới; Kiến nghị sửa đổi, bổ sung các luật, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nói chung và nhà giáo nói riêng; Là tài liệu tham khảo, giảng dạy trong các Viện nghiên cứu, các cơ sở GD-ĐT.
Một số sản phẩm của Đề tài đã được Vụ Kế hoạch Tài Chính - Bộ GD&ĐT tiếp nhận, sử dụng (có xác nhận bằng văn bản về việc ứng dụng kết quả nghiên cứu) và được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận sử dụng trong việc đánh giá thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục 2011-2020 và kế hoạch phát triển giai đoạn 2021-2030 (Nhiệm vụ 19).
Với tinh thần trách nhiệm cao, các thành viên phản biện đã chỉ ra những mặt được cũng như hạn chế của Đề tài, đồng thời cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện để Đề tài đạt được giá trị thực tế hiệu quả hơn.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc yêu cầu nhóm nghiên cứu Đề tài lắng nghe và bổ sung điều chỉnh theo những ý kiến phản biện. Hội đồng đã thông qua kết quả nghiệm thu Đề tài cùng những khuyến nghị bổ sung một số nội dung cần thiết.