Nghịch lý 'học giỏi'

GD&TĐ - Nhiều sinh viên có kết quả học tập tốt ở đại học lại không phải là những em được tuyển thẳng hay có thành tích học tập cao ở trường phổ thông.

Một lớp học của Trường THPT Hạ Hòa (Phú Thọ).
Một lớp học của Trường THPT Hạ Hòa (Phú Thọ).

Không còn “dạy kèm dỗ”

Dù không phải là học sinh xuất sắc khi học phổ thông nhưng Vũ Phương Thảo, quê huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) luôn có kết quả học tập tốt khi học tập tại Trường ĐH Mở Hà Nội. Phương Thảo được học bổng của trường và là lớp trưởng 4 năm học đại học. Phương Thảo quan niệm, học đại học khác với học phổ thông nên không phải có thành tích “khủng” khi học phổ thông đều trở thành sinh viên giỏi. “Nhờ vào nỗ lực học tập và khả năng tự học nên nhiều bạn dù không có thành tích nổi trội ở bậc phổ thông nhưng lại có kết quả học tập khá tốt khi học đại học” – Phương Thảo nhìn nhận.

Dù được tuyển thẳng vào Học viện Bưu chính Viễn thông (Hà Nội) nhưng Trần Hữu Phúc - sinh viên năm thứ 2 thừa nhận, năm học đầu tiên khá chật vật. Em chưa bắt nhịp được với guồng học tập mới ở bậc đại học. Một phần cũng do chủ quan, thứ nữa chưa tìm ra phương pháp tự học nên thời gian đầu có phần chệch hướng; nay em đã ổn định và dần lấy lại phong độ trong học tập.

Trao đổi tại Hội thảo “Thành tích học tập bậc phổ thông dưới góc nhìn đổi mới tuyển sinh đại học”, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay, nhiều em có kết quả học tập tốt ở THPT nhưng gặp khó khăn trong giai đoạn đầu của đại học. Nguyên nhân do, ở bậc THPT, nhất là với khối trường công và một số trường tư, khả năng tự học của học sinh không tốt. Nhiều em có suy nghĩ, “thi gì học nấy”, nên chủ yếu ôn luyện để đạt điểm cao trong các kỳ thi.

Bên cạnh đó, một số em tập trung nhiều vào kiến thức, năng lực chuyên môn… không tập trung tự học nên dần mất đi kỹ năng này. Thứ nữa, nhiều sinh viên vẫn quen với cách “dạy kèm dỗ” ở bậc THPT. Tuy nhiên, khi lên đại học, phần “dỗ” không còn nữa, chỉ có “dạy”; tức là giảng bài và giao bài. Khi thầy, cô giáo giảng bài xong, sinh viên lĩnh hội được trên lớp thì tốt, nếu không các em phải tự tìm kiếm thông tin để bù lấp.

“Sẽ không còn “dỗ” như thời phổ thông nên sinh viên nào chưa quen với hình thức này sẽ bị điểm thấp ngay trong kỳ học đầu tiên. Nhiều sinh viên sang đến học kỳ II, III thì kết quả học mới được cải thiện theo hướng tốt lên. Bởi khi đó các em đã bắt nhịp với được cách dạy và học ở bậc đại học” - GS.TS Nguyễn Tiến Thảo trao đổi.

Cán bộ, giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) tư vấn học tập cho sinh viên báo chí.

Cán bộ, giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) tư vấn học tập cho sinh viên báo chí.


Vẫn còn độ vênh

Dưới góc độ cá nhân, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) rất thích dạy sinh viên năm thứ nhất để cảm nhận được sự tươi mới của lớp trẻ, nhất là ở kỳ học đầu tiên. Các em trúng tuyển vào trường với điểm đầu vào rất cao, nên thường tự hào và có những ảo tưởng: Mình là người giỏi.

“Tuy nhiên, đến khi có kết quả thi học kỳ I, có em nhìn tôi bằng ánh mắt thất vọng và buồn bực, như thể mình bị oan. Tôi hỏi các em cảm nhận như thế nào về học kỳ đầu tiên thời sinh viên? Các em có hài lòng hay không? Phần lớn trả lời là thất vọng. Các em chia sẻ, khi học ở phổ thông là học sinh giỏi; thậm chí còn được tuyển thẳng vào đại học, vậy mà điểm thi bây giờ lại thấp thế này” - PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền chia sẻ.

Từ câu chuyện trên, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền cho rằng, đâu đó vẫn còn độ vênh giữa giáo dục phổ thông với đầu vào của giáo dục đại học. Nhiều sinh viên chưa có văn hóa học ở bậc đại học; chưa hiểu hình thức đánh giá của đại học là như thế nào. Có một điều bất ngờ là, những em có kết quả tốt của đại học không phải diện được tuyển thẳng hay điểm cao chót vót ở bậc phổ thông. Trong số này, hầu hết các em biết mình muốn gì, thích gì, có niềm đam mê và dấn thân.

Rất may, sau thất bại ở học kỳ đầu, nhiều sinh viên nhận ra, học đại học không phải vì thành tích, chỉ có mình đối diện với chính mình, với sự đầu tư của bố mẹ và bản thân để đạt được mục đích và thay đổi cuộc đời. “Các em phải trả lời câu hỏi, sự đầu tư của cha mẹ, bản thân có xứng đáng hay không và mình phải nỗ lực như thế nào? Chúng tôi quan sát tiếp thì thấy, năm học tiếp theo, sinh viên thành công nhiều hơn trong học tập, vì đã thích nghi được cách dạy và học ở bậc đại học” - PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền kể.

Cho rằng, năng lực tự học và làm việc nhóm là điều mà học sinh phổ thông cần được phát triển ngay từ sớm, bà Hồ Thu Lê - đồng sáng lập kiêm Giám đốc tài chính Tomochain Lab nhấn mạnh, những thứ liên quan đến kiến thức và kinh nghiệm, các em phải tích lũy. Chúng ta có thể chuẩn bị các kỹ năng ngay từ bây giờ để thuận lợi khi đi làm.

Bà Lê Tuệ Minh - Chủ tịch Hội đồng Trường Phổ thông liên cấp Edison (Văn Giang, Hưng Yên) nhìn nhận, học sinh chuyên rõ ràng là những bạn xuất sắc, tỷ lệ thành công ở những em này cao hơn so với bình thường. Tuy nhiên, nếu như trước đây chỉ đề cao khái niệm trí thông minh về mặt trí tuệ (IQ), thì bây giờ có nhiều trí thông minh khác được đưa ra đánh giá như trí thông minh về mặt cảm xúc (EQ).

Càng ngày xã hội càng đánh giá đúng thực lực của mỗi người chứ không đánh giá thông qua một nền tảng, hoặc mác trường THPT, đại học nào cả. Không có sự phân định rạch ròi, cứng nhắc giữa kiến thức và năng lực. Điều quan trọng nhất trong giáo dục, hay đích đến cuối cùng của giáo dục là phát triển con người, phát triển một cá nhân trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình, ngày hôm nay tốt hơn hôm qua, ngày mai tốt hơn hôm nay.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo khuyến nghị, năng lực tự học nên được tập trung ngay từ bậc trung học để học sinh không gặp khó khăn, bỡ ngỡ khi học lên bậc học cao hơn. Trường THPT cần dạy trò kỹ năng tự học nhiều hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ