Nghịch lý cung cầu

GD&TĐ - Thông tin sinh viên nông nghiệp, đặc biệt hệ chất lượng cao chưa ra trường đã có doanh nghiệp “chốt đơn” hoàn toàn không phải là chiêu PR.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đó là thực tế có thật trong những năm gần đây, không chỉ ở ba trường đại học chuyên ngành như Học viện Nông nghiệp Hà Nội, Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Huế), Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, mà còn ở các trường đa ngành khác có đào tạo nhóm ngành nông nghiệp.

Theo Học viện Nông nghiệp Việt Nam, gần 100% sinh viên tốt nghiệp ngành nông nghiệp sau khi ra trường đều có việc làm với mức thu nhập cao, phổ biến trong khoảng 8 - 11 triệu đồng/tháng. Một số người có kinh nghiệm làm việc, mức lương có thể lên đến 13 - 18 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, các thị trường nước ngoài như Nhật, các nước Trung Đông (UAE, Qatar, Kuwait…) cũng có nhu cầu lớn về kỹ sư nông nghiệp, sẵn sàng tiếp nhận lao động Việt với mức lương từ 40 - 50 triệu đồng/tháng. Ở Trường ĐH Tân Trào, ĐH Nông Lâm Thái Nguyên…, nhiều doanh nghiệp thậm chí còn đặt hàng tuyển dụng sinh viên của trường ngay từ khi chưa tốt nghiệp.

Nhu cầu rất lớn, nhưng nghịch lý đáng buồn hiện nay là tuyển sinh vào nhóm ngành nông nghiệp của các trường đại học đều khó khăn. Lượng sinh viên lựa chọn và tốt nghiệp các ngành liên quan đến nông nghiệp không nhiều, dù điểm chuẩn đa phần ở mức thấp. Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), trong số lĩnh vực có tỷ lệ thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học thấp năm 2021, có nhóm ngành nông lâm nghiệp và thủy sản. Đây cũng là một trong những lĩnh vực có tỷ lệ thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học thấp nhất năm 2020.

Nông nghiệp là ngành kinh tế có vị trí quan trọng của nước ta. Sự phát triển của nguồn nhân lực chất lượng cao ngành nông nghiệp góp phần tích cực vào sự chuyển dịch cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa, thực hiện tốt vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế đất nước. Vì thế, đáp ứng số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cao cho ngành là yêu cầu cấp thiết.

Để hạn chế nghịch lý trong cung và cầu nhân lực ngành nông nghiệp, thời gian qua các trường đại học, cao đẳng đã và đang tích cực xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ và thu hút sinh viên. Song song đó, nhà trường cũng tăng cường đánh giá, tham khảo chương trình đào tạo của các nước có nền nông nghiệp tiên tiến, tăng thêm tính hấp dẫn, thuyết phục trong bài học, tăng số lượng các môn tự chọn. Cơ chế đào tạo đặt hàng cũng được phát huy. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn còn có chương trình hỗ trợ sinh viên ngành nông, lâm, thủy sản như miễn giảm học phí và thực hành, thực tập, tìm kiếm việc làm…

Nỗ lực của Bộ, ngành và các trường rất đáng ghi nhận. Thế nhưng, tình trạng thị trường lao động khát nhưng thí sinh chê chưa khắc phục được nhiều, mà rào cản lớn nhất vẫn là yếu tố tâm lý xã hội. Nhiều người vẫn cho rằng, học nông nghiệp ra chỉ có làm việc với ruộng vườn, vất vả nắng mưa, trong lúc hiện nay nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng sản xuất. “Giới trẻ Việt Nam thường nghĩ rằng, học ngành nông nghiệp thì tương lai sẽ trở thành nông dân, lam lũ và lạc hậu. Đó là quan điểm sai lầm, bởi tôi dám khẳng định trong một vài năm nữa, khối ngành nông nghiệp sẽ trở thành ngành “hot” nhất tại Việt Nam”, ông Juan Ferreira – Phó Chủ tịch phụ trách kinh doanh toàn cầu Tập đoàn Monsanto - khẳng định.

Truyền thông tốt về ngành nghề để học sinh hiểu đúng và đến với ngành nông nghiệp là yêu cầu cấp thiết. Bên cạnh việc đổi mới chương trình đào tạo, tăng chính sách thu hút sinh viên theo học bằng hình thức hỗ trợ học phí, phụ cấp lương cho đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật làm việc trực tiếp tại nông thôn, cần đổi mới và đẩy mạnh tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp nhóm ngành nông nghiệp đến học sinh, phụ huynh, nhất là học sinh khu vực nông thôn, miền núi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.