Đào tạo gắn với cơ cấu lao động
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, phải đến chương trình xây dựng nông thôn mới nhưng ít ai biết được xuất phát điểm của chương trình này bắt đầu từ đâu. Năm 2007, sau khi đi nghiên cứu chương trình của Hàn Quốc về đã bàn 3 vấn đề. Đó là xây dựng hạ tầng, canh tác và đào tạo nguồn nhân lực. Năm 2008 bắt đầu đưa chương trình này vào.
Đến Quốc hội khóa X, XI, quyết định chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong nội dung đó đã bàn rất kỹ vấn đề đào tạo nghề và đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp. Chúng ta xác định nông dân vừa là chủ thể, vừa là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp và đòi hỏi phải nâng cao trình độ, năng lực và khả năng làm chủ của nông dân theo tinh thần Hội nghị Trung ương 5 vừa bàn là toàn diện và văn minh.
“Đổi mới đào tạo nghề theo hướng nào, trước hết cần chú trọng đến tuyên truyền. Tôi rất tiếc, chúng ta đã bỏ chương trình bàn về giới thiệu kinh nghiệm làm giàu sau chương trình Thời sự buổi sáng. Thời gian tới, trước hết cần hình thành thói quen người lao động tự đào tạo, tự nâng cao kiến thức cho mình”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Về đổi mới tuyên truyền tư vấn hướng nghiệp, định hướng cho nông nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, đối với từng vùng, cách thức phải khác nhau. Cụ thể, năm 2010, ở Trạm Tấu (Yên Bái) chưa biết trồng ngô, vì vậy phải sử dụng lực lượng sinh viên nông nghiệp hướng dẫn trồng. Sau 1 vụ, 2 vụ thành công thì bà con mới có thể làm theo được.
Qua đó cho thấy, đối với nông dân trình độ thấp, phải cầm tay chỉ việc, tạo được lực lượng có hướng dẫn dắt. Vì vậy, việc đổi mới chương trình, giáo trình học việc phải làm sao đào tạo gắn với cơ cấu lao động, tạo sinh kế việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Cũng theo ông Đào Ngọc Dung, trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay, bố trí rất nhiều nguồn lực kinh phí cho đào tạo nghề. Qua kiểm tra khi về địa phương, lại cắt xén đi, đưa sang công việc khác. Vì vậy, thời gian tới cần tăng cường kiểm tra, giám sát để phân bổ nguồn kinh phí đào tạo cho chính xác.
“Toàn bộ lĩnh vực đào tạo nghề ở lĩnh vực nông nghiệp là trách nhiệm của Bộ NN&PTNT và địa phương. Toàn bộ đào tạo nghề ở lĩnh vực phi nông nghiệp là trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH. Chúng ta có 55 triệu lao động, trong đó 70% đã được đào tạo, nhưng chỉ 24,5% được đào tạo có chứng chỉ nghề nghiệp và cấp ASEAN. Vì vậy, phải coi đây là một trong những đột phát trong xây dựng nông thôn”, ông Dung nêu.
Chú trọng quy hoạch nguồn nhân lực
Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, để phát triển nông nghiệp theo Chiến lược phát triển nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, qua các giải pháp về vốn, cơ sở vật chất, đào tạo… thì một trong những vấn đề căn cơ cốt lõi là nguồn nhân lực và khoa học công nghệ.
Về nguồn nhân lực, ở các địa phương, để phát triển bền vững theo hướng sản xuất nông nghiệp xanh, cần phải quan tâm đến quy hoạch, trong đó có quy hoạch nguồn nhân lực. Nếu như không làm tốt quy hoạch nguồn nhân lực thì chúng ta sẽ không có hướng để đào tạo nguồn nhân lực tốt. Khi quy hoạch, nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương cần gì chúng ta sẽ có định hướng, kế hoạch để thực hiện.
Đồng thời, cần có quy hoạch về cơ sở đào tạo, ai đào tạo và đào tạo như thế nào. Từ đó, chúng ta xây dựng một chuẩn cho vị trí công việc ở địa phương và cho người nông dân. Với bối cảnh thách thức mới, cần thế hệ nông dân mới. Đó là một thế hệ nông dân có kiến thức về thị trường, kiến thức hội nhập, kiến thức về chuyển đổi số...
“Chúng tôi cũng thấy rằng, kiến thức về quản trị, cách tiếp cận theo cách thức để làm các khâu đầu vào thành chuỗi để có thể có đầu ra, có thị trường nếu chúng ta không làm tốt thì sẽ không hiệu quả cao. Đối với KHCN, với mỗi địa phương cần quy hoạch tốt. Thực tế, địa phương cần nhu cầu gì thì xây dựng kế hoạch, với những nơi có thể chuyển giao tiếp nhận công nghệ cụ thể như thế nào”, bà Lan nhấn mạnh.
Giải pháp ly nông bất ly hương
Về vấn đề di cư do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa ký thống nhất với tuyên bố ASEAN về thế giới việc làm và quyền của lao động di cư. Theo đó, di cư là quyền của lao động và là điều bình thường trong kinh tế thị trường.
Nhưng thời gian vừa qua do dịch Covid-19 nên cũng có yếu tố bất bình thường. Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có những chính sách đặc biệt, chưa bao giờ có tiền lệ. Chúng ta đã dành 89.000 tỷ và đã hỗ trợ trên 55 triệu lượt người để phục hồi sản xuất.
Gần đây, Thủ tướng mới ký Nghị quyết 108 tiếp tục sử dụng 6,6 nghìn tỷ trong Chương trình phục hồi để hỗ trợ cho lao động, nhà ở cho công nhân, nhà ở… Trong chương trình đó, cố gắng thực hiện ly nông bất ly hương, xây dựng nông thôn mới đi liền với đó là đô thị hóa.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cần phát triển mạnh hệ thống công nghiệp phụ trợ, công nghiệp hiện đại. “Chúng ta có 2,7 triệu lao động khu vực dệt may, tuyệt đại bộ phận nằm ở khu vực nông thôn. Vừa rồi dịch Covid-19 thì dệt may ít bị ảnh hưởng, đây là một lợi thế. Nông dân của chúng ta làm công nhân, ăn cơm nhà, nghỉ ở nhà, hưởng lương công nhân, vừa không phải rời xa quê hương, vừa sản xuất được”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh.
Cũng theo ông Đào Ngọc Dung, cần quan tâm đến sinh kế, đời sống của người lao động, khi phát triển công nghiệp. Khu đô thị nhất thiết phải có hệ thống về an sinh xã hội. Đó là nhà ở, các thiết chế cho trẻ em, nuôi dạy… bảo đảm quyền an sinh tối thiểu của người lao động.