Nghịch lý cung – cầu nhân lực với ngành Lâm nghiệp

GD&TĐ - Nhiều sinh viên năm thứ 4, nhóm ngành lâm nghiệp được doanh nghiệp “săn đón”. Sau khi ra trường, việc làm “đắt như tôm tươi”; nhưng nghịch lý ở chỗ, tỷ lệ thí sinh đăng ký học ngành này rất ít.

Ngành lâm nghiệp vẫn khát nhân lực. Ảnh minh hoạ/TG
Ngành lâm nghiệp vẫn khát nhân lực. Ảnh minh hoạ/TG

Khát nhân lực

PGS.TS Bùi Thế Đồi – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp (Hà Nội) cho biết: Trong những năm gần đây, đóng góp của ngành gỗ xuất khẩu cho ngành lâm nghiệp nói riêng và kinh tế cả nước nói chung là rất lớn. Nhân lực cho ngành này đang rất thiếu.

“Sinh viên học ngành lâm sinh – ngành cốt lõi của lĩnh vực lâm nghiệp có cơ hội việc làm rất lớn. Nhiều doanh nghiệp vào trường “săn đón” sinh viên năm cuối, ra trường là các em đi làm ngay với mức thu nhập tương đối tốt. Nhu cầu nhân lực rất cần và rất thiếu, nhưng lại không có nguồn tuyển cho doanh nghiệp. Đó là nghịch lý” - PGS.TS Bùi Thế Đồi trao đổi.

Theo PGS.TS Bùi Thế Đồi, thực tế nhiều năm gần đây, thí sinh không mặn mà với lĩnh vực lâm nghiệp. Trong khoảng 4- 5 năm gần đây, hầu như năm nào ngành lâm sinh cũng tuyển sinh không đủ chỉ tiêu. “Năm nay, Trường ĐH Lâm nghiệp đã thông báo tuyển sinh bổ sung” - PGS.TS Bùi Thế Đồi thông tin.

Đã đến lúc, các cơ quan Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần có chính sách thu hút người học, thu hút nhân lực cho ngành này, từng bước rút ngắn khoảng cách cung – cầu.

Tại Trường ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, trong khi các ngành thuộc nhóm nông nghiệp, công nghệ có mức điểm chuẩn khá cao, thì một số ngành như: lâm học, quản lý tài nguyên rừng, lâm nghiệp đô thị… vẫn khó tuyển sinh trong nhiều năm qua.

TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng nhà trường – cho hay, nhu cầu nhân lực ở lĩnh vực này khá cao, công việc và thu nhập sau tốt nghiệp khá tốt. Tuy nhiên có thể do cách nhìn nhận, sự thấu hiểu về lĩnh vực nghề nghiệp, đặc thù công việc khiến nhiều thí sinh chưa “mặn mà” với những ngành này.

Thực tế cho thấy, có những ngành nghề rất được ưa chuộng nhưng cũng nhiều ngành nghề mặc dù đầu ra khá tốt nhưng thí sinh ít lựa chọn. Điều này, làm gia tăng nghịch lý cung - cầu và thiếu nguồn nhân lực ở một số lĩnh vực nghề nghiệp như lâm nghiệp.

Ảnh minh hoạ/internet
Ảnh minh hoạ/internet

Nhiều cơ hội việc làm

Hiện, số lượng sinh viên của trường tốt nghiệp không đáp ứng đủ nhu cầu từ các doanh nghiệp. Nhưng thực tế xu hướng thí sinh lại không thích vào những ngành mang tính chất đơn ngành hoặc đặc thù như lâm nghiệp, nông nghiệp… mà chủ yếu đi theo những ngành đang là xu thế “hot” của xã hội…

GS.TS Phạm Hồng Quang – Giám đốc ĐH Thái Nguyên nhìn nhận, những ngành xã hội rất khát nhân lực nhưng lại khó tuyển sinh, một phần là do ảnh hưởng tâm lý chọn ngành của thí sinh.

Có nhiều ngành “hot” thí sinh đăng ký xét tuyển nhiều, nhưng ra trường chưa chắc đã có việc làm ổn định. Nhưng những ngành nghiên cứu cơ bản, ít người vào nhưng chưa chắc là thị trường không có nhu cầu đâu.

GS.TS Phạm Hồng Quang đề xuất, rất cần có sự dự báo của Nhà nước về nhu cầu thị trường sắp tới cần những gì; từ đó khuyến khích xã hội tham gia. Nhà nước cũng cần đầu tư cho những ngành xã hội cần nhưng khó tuyển sinh.

Nguyễn Xuân Giáp - cựu sinh viên khóa 47 Lâm sinh, Trường ĐH Lâm Nghiệp chia sẻ, sinh viên lâm nghiệp sẽ có nhiều hơn cơ hội việc làm như: Làm việc tại các Viện nghiên cứu, Viện điều tra, Sở Nông Nghiệp, Trung tâm Khuyến Nông, Công ty lâm nghiệp, Vườn Quốc gia, Ban quản lý rừng; bên cạnh đó là cơ hội làm việc ở các công ty chế biến và xuất khẩu lâm sản…

Một mảng khác rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao là: chuyên gia tầm quốc gia, quốc tế, cán bộ quản lý các dự án (project officer) lớn về quản lý rừng bền vững, dự án phát triển, dự án về giảm tác động biến đổi khí hậu; Hoặc là chuyên gia kỹ thuật (technical specialist) trong các tổ chức quốc tế lớn như: Ngân hàng thế giới (world Bank); Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB); các tổ chức liên hợp quốc như: Nông Lương (FAO), Phát triển (UNDP); Môi trường (UNEP); Đại sứ quán với các dự án tài chợ song phương như: Mỹ (USAID), Úc (AUSAID), Na Uy, Thụy Điển…

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2020 tổng chỉ chỉ tiêu của nhóm ngành nông lâm nghiệp và thủy sản là trên 9.400; nhưng tổng số thí sinh nhập học đạt hơn 4.100, bằng 43,91%. Đây là một trong những ngành đang rất cần nguồn nhân lực để phát triển kinh tế xã hội. Dù mấy năm nay nhóm ngành này đã có tỉ lệ tăng trưởng tốt hơn nhưng vẫn thấp so với các ngành khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.