Chật vật tuyển sinh
Dù trên cả nước còn thiếu nhiều giáo viên mầm non, nhưng những năm gần đây, tuyển sinh CĐSP giáo dục mầm non vô cùng khó khăn. Thực tế này thể hiện rõ trong đề án tuyển sinh của các trường CĐSP. Đơn cử, Trường CĐSP Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2019 tuyển được 115 thí sinh/205 chỉ tiêu; năm 2020 tuyển được 164/500 chỉ tiêu. Trường CĐSP Thái Nguyên năm 2019 tuyển được 66/150 chỉ tiêu ngành Giáo dục mầm non; năm 2020 tỷ lệ này là 102/133. Trường CĐSP Thừa Thiên - Huế năm 2020 có 61 thí sinh nhập học trên tổng 139 chỉ tiêu ngành Giáo dục mầm non. Trường CĐSP Kiên Giang năm 2020 tuyển được 141/200 chỉ tiêu giáo dục mầm non…
Là một trong những cơ sở đào tạo CĐSP mầm non uy tín trong cả nước, nhưng trong vài năm trở lại đây, Trường CĐSP Trung ương đều không tuyển đủ chỉ tiêu. Thông tin từ Phó Hiệu trưởng Trịnh Thị Xim, năm nay sẽ tiếp tục một mùa tuyển sinh vất vả, bởi đến thời điểm này số học sinh đăng ký nguyện vọng vào trường còn thấp so với chỉ tiêu tuyển sinh. Chưa kể, không phải thí sinh nào đăng ký nguyện vọng vào trường cũng nhập học.
Chia sẻ về nguyên nhân, bà Trịnh Thị Xim cho rằng: Công việc của giáo viên mầm non hiện nay quá áp lực, vất vả, trong điều kiện dịch bệnh lại nhiều rủi ro. Tuy nhiên, thu nhập từ nghề còn thấp so với mặt bằng chung. Bên cạnh đó, các trường ĐHSP đều có tuyển sinh đào tạo giáo viên mầm non, do đó học sinh sẽ ưu tiên đăng ký nguyện vọng ĐH.
Tại Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội, Hiệu trưởng Nguyễn Quý Thanh cho biết: Năm 2021, nguyện vọng đăng ký vào ngành Giáo dục mầm non của trường cao hơn chỉ tiêu 3 lần, nhưng so với các ngành khác, số lượng đăng ký vẫn thấp.
Theo ông Hồ Cảnh Hạnh, Hiệu trưởng Trường CĐSP Bà Rịa - Vũng Tàu: Sinh viên ngành CĐSP hiện nay không phải đóng học phí cho đến khi tốt nghiệp, được hỗ trợ chi phí sinh hoạt, bắt đầu từ khóa tuyển sinh năm học 2021 - 2022. Đây là chính sách ưu tiên lớn nhất từ trước đến nay với sinh viên sư phạm, tạo thuận lợi cho người học, nhất là đối tượng khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, việc tuyển sinh vẫn khó khăn, nhiều trường không đủ chỉ tiêu.
Ngoài nguyên nhân áp lực công việc lớn, thu nhập thấp, theo ông Hồ Cảnh Hạnh, sinh viên ở một số nơi gặp khó khăn trong tìm việc làm do cơ chế, chính sách tuyển dụng giáo viên. Việc phải tuân thủ ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào trong khi các ngành khác (trừ khối ngành đào tạo sức khỏe) cũng là yếu tố khiến các ngành sư phạm bị thu hẹp nguồn tuyển.
Ngành Khoa học tự nhiên khó hút thí sinh
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, 5 nhóm ngành có tỷ lệ tuyển sinh thấp nhất năm 2020 là: Khoa học tự nhiên, Nông lâm nghiệp và thủy sản, Dịch vụ xã hội, Khoa học sự sống, Môi trường và bảo vệ môi trường. Theo đó, đứng đầu về khó tuyển là ngành Khoa học tự nhiên với 1.867 thí sinh nhập học trên 4.506 chỉ tiêu (41,43%). Tỷ lệ này còn thấp hơn nữa trong năm 2019 với 34,58%. Đứng thứ 2 là ngành Nông lâm nghiệp và thủy sản với 4.135 thí sinh nhập học trên tổng chỉ tiêu là 9.416 (43,91%); năm 2019 là 32,6%. Tỷ lệ này trong mùa tuyển sinh năm 2020 với ngành Dịch vụ xã hội là 49,98%, ngành Khoa học sự sống: 54,43%; ngành Môi trường và bảo vệ môi trường: 65,28%.
Năm nay, theo số liệu Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) công bố về chỉ tiêu và số lượng nguyện vọng đăng ký theo lĩnh vực, nhóm ngành có tỷ lệ thí sinh đăng ký nguyện vọng 1/chỉ tiêu thấp nhất là Khoa học sự sống và Khoa học tự nhiên với tỷ lệ tương ứng là 26,14% và 20,15%. Ngược lại, nhóm ngành Khoa học xã hội và hành vi, tỷ lệ này là gần 200%.
Ông Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác Sinh viên, cán bộ phụ trách công tác tuyển sinh, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng cho rằng: Điều này phản ánh xu hướng nghề nghiệp trong những năm vừa qua, khi mà lĩnh vực dịch vụ đang thu hút lực lượng lao động lớn, cơ hội việc làm cao. Khoa học sự sống và khoa học tự nhiên là những ngành khoa học cơ bản, yêu cầu trình độ cao và nhu cầu nhân lực hạn chế, chính vì vậy khó thu hút thí sinh lựa chọn hơn.
“Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) đào tạo cả nhóm ngành Khoa học tự nhiên, khoa học sự sống và khoa học xã hội. Chúng tôi cũng không nằm ngoài xu hướng chung đó. Các ngành xã hội luôn có tỷ lệ thí sinh đăng ký cao như nhóm ngành báo chí, Việt Nam học, Địa lý du lịch hay Tâm lý học. Các ngành khoa học tự nhiên như Hóa học (chuyên ngành Hóa dược), Công nghệ sinh học, Quản lý Tài nguyên môi trường có tỷ lệ đăng ký thấp mặc dù cơ hội nghề nghiệp, khả năng trúng tuyển cao”, ông Nguyễn Vinh San thông tin và cho biết:
Nhằm thu hút thí sinh vào các ngành khoa học tự nhiên, nhà trường chủ động điều chỉnh, cải tiến chương trình đào tạo giúp sinh viên tốt nghiệp có thể đáp ứng được phổ công việc rộng hơn. Đồng thời, đầu tư cơ sở vật chất, phòng thực hành, thí nghiệm hiện đại để nâng cao chất lượng đào tạo. Nói về giải pháp chung, theo ông Nguyễn Vinh San, các trường cần hợp tác, kết hợp với doanh nghiệp trong mở ngành, xây dựng chương trình đào tạo, thực tập và tiếp nhận sau khi tốt nghiệp. Nếu làm được như vậy, thí sinh mới yên tâm lựa chọn.