Tuyển sinh 2021: Nhiều ngành “khát” nhân lực nhưng thiếu thí sinh

GD&TĐ - Ngành “khát” nhân lực nhưng lại khó tuyển sinh diễn ra nhiều năm nay.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực ngày 28/3 tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP HCM).
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực ngày 28/3 tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP HCM).

Các chuyên gia cho rằng, thí sinh nên cân nhắc khi đăng ký xét tuyển, trong đó cần lưu tâm đến yếu tố thị trường lao động và cơ hội việc làm sau này.

Thí sinh không mặn mà

Bộ GD&ĐT cho biết: Năm 2020, 5 nhóm ngành có kết quả tuyển sinh – nhập học thấp (từ 41,43% - 65,28%) là: Khoa học tự nhiên; Nông lâm nghiệp và thủy sản; Dịch vụ xã hội; Khoa học sự sống; Môi trường và bảo vệ môi trường. Năm 2019, những ngành này có tỷ lệ tuyển sinh, nhập học từ 34,58% - 45,28%.

Theo PGS.TS Đoàn Thị Thanh Huyền - Trưởng khoa Công tác xã hội (Học viện Phụ nữ Việt Nam), sau 4 khóa đào tạo đã có 650 sinh viên tốt nghiệp ngành này. Nhà trường đang đào tạo gần 300 sinh viên hệ đại học chính quy. Sinh viên học ngành này có nhiều cơ hội việc làm và có thể đảm nhận các vị trí như: Cán bộ, chuyên viên trong các cơ quan chuyên trách Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp; có thể là chuyên viên làm việc độc lập tại các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, hoặc cán bộ hoạch định chính sách xã hội; chuyên viên, nghiên cứu viên trong các cơ quan của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội từ Trung ương đến địa phương. 

Ngoài ra, sau tốt nghiệp, sinh viên là giảng viên về công tác xã hội trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, thậm chí là kiểm huấn viên trong các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội thuộc các lĩnh vực: Y tế, giáo dục, pháp luật, phúc lợi xã hội… Tuy nhiên, thực tế cho thấy số lượng thí sinh đăng ký vào ngành này không nhiều.

Theo ThS Phùng Quán - Trưởng phòng Thông tin Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), nhiều ngành đang thiếu nhân lực nhưng số người theo học lại không nhiều, chẳng hạn như ngành: Địa chất, Hải dương, Môi trường. Sinh viên học những ngành này, sau khi ra trường có nhiều cơ hội việc làm và thu nhập ở mức khá trở lên. Về cơ hội việc làm, ThS Phùng Quán trao đổi: Cơ hội việc làm của các ngành này rất cao. Chẳng hạn học ngành Khoa học môi trường sẽ làm việc về các vấn đề về quản lý môi trường, tài nguyên đất, khí, nước, hệ thống định vị, luật môi trường, quản lý đất đai. Công nghệ kỹ thuật môi trường thì đi sâu về xử lý nước thải, rác thải, khí thải…

Học sinh Hải Phòng tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2021.
Học sinh Hải Phòng tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2021.

Nghiên cứu thị trường lao động

TS Nguyễn Quang Hưng - Phó Trưởng khoa Khí tượng thủy văn và Hải dương học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: So với mặt bằng chung, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) tuyển sinh ngành Khí tượng thủy văn tương đối ổn định, nhưng một số cơ sở đào tạo khác tuyển sinh rất khó, thậm chí là không có sinh viên theo học, hoặc nếu có thì điểm đầu vào rất thấp.

“Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy chủ yếu do hiểu biết về ngành còn giới hạn. Ngoài ra, thông tin về ngành như: Nội dung đào tạo, vị trí việc làm chưa lan tỏa đến các em học sinh cũng như phụ huynh. Do đó, cơ sở đào tạo và thí sinh chưa gặp nhau” – TS Nguyễn Quang Hưng cho hay.

Theo ông Nguyễn Quốc Cường - Phó ban Đào tạo, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh, nhiều thí sinh chọn ngành một cách thực dụng, thường chú ý đến ngành nào ra trường dễ xin việc. Nhiều thí sinh chưa tìm hiểu kỹ thông tin đã đăng ký xét tuyển theo cảm tính, phong trào… 

PGS.TS Phạm Mạnh Hà – Khoa Quản lý Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) khuyến cáo: Một trong những tiêu chí quan trọng để chọn ngành học là nghiên cứu thị trường lao động, trong đó cần dự báo 4 - 5 năm sau khi mình tốt nghiệp. Bởi nếu không dựa trên cơ sở này, sau khi ra trường, các em khó xin được việc đúng chuyên ngành, hoặc phải làm trái ngành. Đặc biệt, các em không nên “chạy” theo những ngành được cho là “hot”, với những tên gọi “mỹ miều”. Vì năm nay những ngành đó “hot” nhưng 4 - 5 năm sau, có thể nó sẽ bão hòa, do có nhiều trường đào tạo và nhiều người theo học. Khi đó cơ hội việc làm sẽ hạn chế, thậm chí các em khó có thể xin được việc làm tốt, với mức thu nhập cao. 

“Nhiều ngành truyền thống, thậm chí có những ngành không phải là “thời thượng” nhưng rất “khát” nhân lực. Tại sao các em không tìm hiểu để có thể lựa chọn theo học, vừa phù hợp với sở thích, sở trường, điều kiện gia đình, vừa có cơ hội việc làm tốt sau này” – PGS Phạm Mạnh Hà nêu vấn đề, đồng thời khuyến nghị: Những nghiên cứu và thông tin của các cơ quan chức năng về thị trường lao động, cũng như dự báo nhu cầu nguồn nhân lực sẽ là cơ sở quan trọng. Vì thế, các em cần quan tâm, nghiên cứu.

Thí sinh cần loại bỏ ngay suy nghĩ ỷ lại vào gia đình, vì trong việc chọn ngành nghề, bố mẹ không thể làm thay cho mình cả đời. Mẫu số chung của những người kiếm được việc làm là say sưa nghiên cứu và trải nghiệm công việc ngay từ khi còn là sinh viên. Qua đó, bạn trẻ tích lũy kỹ năng để thỏa mãn yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Theo ThS Phùng Quán, thực tế, ngành học và trường học không “kén” thí sinh mà thí sinh “kén” ngành học. Nhiều em không biết, hoặc không tìm hiểu kỹ về những ngành học liên quan đến môi trường nên vẫn còn tâm lý thờ ơ, thậm chí “bỏ qua”, điều đó cũng có nghĩa là bỏ qua cơ hội việc làm của mình sau này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.