Nghịch lý chuyện phụ huynh phản ứng khi con được chuyển về học trường mới xây

GD&TĐ - Nhiều phụ huynh tại Trường Tiểu học Hòa Bắc, điểm trường thôn Nam Yên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng không đồng ý khi con họ chuyển về học trường mới xây.

Trường Tiểu học Hòa Bắc được xây dựng mới tại Phò Nam với kinh phí hơn 25 tỷ đồng. Ảnh: Hoàng Vinh.
Trường Tiểu học Hòa Bắc được xây dựng mới tại Phò Nam với kinh phí hơn 25 tỷ đồng. Ảnh: Hoàng Vinh.

Phụ huynh không đồng ý cho con học trường mới

Ngày 29/8, phản ánh với PV Báo GD&TĐ, hàng chục phụ huynh có con học Trường Tiểu học Hòa Bắc, điểm trường thôn Nam Yên (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cho hay, năm học mới 2023-2024, con của họ sẽ chuyển sang cơ sở mới xây xa hơn cơ sở cũ.

Cụ thể, anh Đinh Xuân V. (trú thôn Nam Yên) có con học lớp 5 chia sẻ, trước đây Trường Tiểu học Hòa Bắc có 4 điểm trường gồm, thôn Nam Yên, Phò Nam, Nam Mỹ và Tà Lang – Giàn Bí. Năm 2021, UBND huyện Hòa Vang xây dựng ngôi trường mới tại thôn Phò Nam và đưa vào sử dụng trong năm học 2023-2024.

Theo đó, tất cả học sinh tại điểm trường thôn Nam Yên, Nam Mỹ sẽ được chuyển hết về cơ sở mới xây dựng tại thôn Phò Nam.

Anh V. cho biết, việc đưa học sinh từ thôn Nam Yên sang thôn Phò Nam khiến quãng đường đưa đón con sẽ xa hơn và nguy hiểm mỗi khi đến mùa mưa lũ.

“Hầu hết dân Nam Yên là người dân làm nông và công nhân, bao lâu nay chúng tôi đưa con đi học gần và thuận tiện trong việc đón về. Năm học mới toàn bộ học sinh thôn Nam Yên đều được chuyển sang Phò Nam học, quãng đường xa hơn rất nhiều.

Tôi thấy rất vô lý, trong khi điểm trường bên thôn Nam Yên vẫn còn rất tốt thì không hoạt động nữa. Chưa kể đến mùa mưa lũ, đoạn đường con tôi đi học rất dễ ngập lụt. Như năm ngoái (năm 2022 - PV), mưa lớn chỉ trong 1 giờ đồng hồ là nước nguồn tràn về dâng cao từ 2-3m có nơi sâu đến 4m rất nguy hiểm. Nếu để các cháu học bên Phò Nam khi đi về mỗi lần mưa lũ thì không biết chuyện gì xảy ra”, anh V. nói.

Bà Phạm Thị T. (SN 1958, trú thôn Nam Yên) chia sẻ, bà có 2 đứa cháu học lớp 2 và lớp 5. Do ba mẹ các cháu làm công nhân nên việc đưa đón cháu đi học do bà phụ trách. “Tôi không biết đi xe máy, mỗi ngày đều dắt bộ hoặc chở các cháu đi học bằng xe đạp. Từ nhà đến điểm trường thôn Nam Yên thì khoảng 2km giờ chuyển sang Phò Nam thì tôi phải đi thêm 2km nữa. Chưa kể, mỗi khi có mùa mưa bão là việc đưa đón các cháu rất cực, nếu không kịp đón về thì nước lũ băng qua đường rất nhanh và nguy hiểm tính mạng”, bà T. cho hay.

Các phụ huynh có con học tại điểm trường thôn Nam Yên trình bày ý kiến của mình. Ảnh: H.Vinh.

Các phụ huynh có con học tại điểm trường thôn Nam Yên trình bày ý kiến của mình. Ảnh: H.Vinh.

Theo những lời phụ huynh khác, Trường Tiểu học Hòa Bắc điểm trường thôn Nam Yên mới được xây dựng năm 2004 và vẫn còn hoạt động rất tốt. Cạnh đó, điểm trường gần nhà nên việc các cháu đến trường hoặc phụ huynh đưa đón con sẽ rất thuận tiện mà không cần đi xa.

Bà Đặng Thị P. (SN 1952) có cháu sắp vào lớp 3 cho hay, ba mẹ cháu làm ăn xa nên gửi con lại cho bà chăm sóc. “Hằng ngày tôi đều dắt cháu đi học hơn 2km giờ nghĩ tới cảnh đưa cháu đi học xa hơn tôi thấy rất vất vả. Tôi không biết đi xe máy hay xe đạp, giờ sang điểm học mới cách nhà gần 5km nên dắt cháu đi bộ là điều không thể. Giờ chúng tôi chỉ yêu cầu cho con cháu tôi được tiếp tục học tại ngôi trường thôn Nam Yên như lâu nay”, bà P. thông tin.

Đối thoại, tuyên truyền cho phụ huynh

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Thái Văn Hoài Nam – Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho hay, thực hiện chủ trương dồn ghép các điểm trường lẻ theo Nghị quyết của Trung ương, TP Đà Nẵng và ngành giáo dục, theo lộ trình toàn bộ học sinh điểm trường thôn Nam Yên trong năm học mới sẽ được chuyển về học tập tại cơ sở mới ở thôn Phò Nam. Cơ sở trường mới được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 25 tỷ đồng.

Theo ông Nam, điểm trường thôn Nam Yên có 117 học sinh, trong đó có 34 phụ huynh học sinh không đồng ý đưa con về học tại điểm trường mới.

Ngay sau khi nhận thông tin, trong sáng 29/8, UBND xã Hòa Bắc cùng với lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang đã tổ chức gặp mặt với 34 phụ huynh học sinh để trao đổi, nắm bắt tâm tư và giải thích chủ trương đưa học sinh về cơ sở mới.

Trường Tiểu học Hòa Bắc điểm trường thôn Nam Yên. Ảnh: H.Vinh.

Trường Tiểu học Hòa Bắc điểm trường thôn Nam Yên. Ảnh: H.Vinh.

“Một điểm trường đã xuống cấp, không đủ cơ sở vật chất nhưng khi con em về học tại trường mới thì phụ huynh không đồng ý với lý do trên thì không hợp lý. Bởi Trường Tiểu học Hòa Bắc tại thôn Phò Nam được xây dựng với kinh phí hơn 25 tỷ đồng, có 14 phòng học, cùng các phòng chức năng đáp ứng điều kiện dạy học theo Chương trình GDPT 2018 sẽ tốt hơn so với điểm trường cũ”, ông Nam thông tin.

Nói về việc phụ huynh lo lắng trước mùa mưa lũ, ông Nam cho rằng, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, thiên tai cấp xã thường xuyên cập nhật tình hình mưa lũ, nếu mưa liên tục UBND xã sẽ yêu cầu các trường cho học sinh nghỉ học để về nhà tránh lũ và học bù vào thời điểm thích hợp. Với tiêu chí đảm bảo an toàn cao nhất cho học sinh.

“Hiện lãnh đạo xã Hòa Bắc và Phòng GD&ĐT huyện sẽ tiếp tục đối thoại để phụ huynh nắm chủ trương, đưa con về học tại trường mới theo đúng quy định. Về điểm trường cũ, sau khi chuyển học sinh sẽ báo cáo về huyện để tận dụng điểm trường cũ làm điểm sinh hoạt cộng đồng hoặc khu vui chơi… trên tinh thần không để bỏ hoang, lãng phí”, ông Nam chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.