(GD&TĐ) - Nằm dưới chân núi Bà Đen huyền bí, Cực Lạc Thái Bình (xã Bàu Năng, Dương Minh Châu, Tây Ninh) từ lâu được nhiều người biết, đến thăm thú, chiêm ngưỡng với bao câu chuyện vừa hư vừa thực. Không phải nơi đây là một danh lam thắng cảnh hay khu du lịch gì mà chỉ đơn giản là một… Nghĩa trang với hàng ngàn ngôi mộ nằm chi chít cạnh nhau. Điều đặc biệt, những ngôi mộ này đều có… thơ khắc bên trên, thể hiện tình cảm với người đã khuất.
Cổng vào nghĩa trang |
Người chết còn… thơ!
Phải nói rằng, tôi rất bất ngờ khi đọc những câu thơ khắc trên các tấm bia mộ trong Cực Lạc Thái Bình. Không phải vì chúng hay mà bởi quá xúc động, thể hiện được tình cảm người ở và người ra đi. Từ hoàn cảnh những người con khóc cha, người em khóc anh, người bạn tri kỷ khóc nhau… đều như bật ra từ chính nỗi đau chia lìa âm dương cách trở một cách chân thực nhất. Hãy đọc những câu thơ người vợ khóc chồng sau đây: “Tình nghĩa vợ chồng mấy mươi năm/Ông đi, tôi ở lệ tuôn dầm/Năm canh thương nhớ lòng quặn thắt/Vĩnh biệt từ đây nghĩa vợ chồng”.
Không hàm ý, đa ngôn, không bóng bẩy con chữ, những câu thơ chỉ như lời nói, nghẹn ngào mà thấm tận cõi lòng người đi, kẻ ở. Đó là tình cảnh éo le của một người cha khóc con, được biểu hiện qua những câu thơ chan chứa của kẻ đầu bạc thương nhớ người tóc xanh: “Tre già chịu cảnh khóc măng non/Tiếng nói con thơ chẳng có còn/Một phút rủi ro do mạng số/Chỉ còn rơi lệ để tiễn con/Nhìn lên di ảnh lệ dòng châu/Tất cả chị anh nhỏ giọt sầu/Đỗ quyên khóc bạn người bạc số/Anh chị còn đây em ở đâu?”.
Theo ông Phạm Văn Lộc, người có thâm niên gần 40 năm làm quản trang nơi đây thì, đa phần những câu thơ khắc trên bia mộ ở Cực Lạc Thái Bình là lấy từ ca dao, hò vè, truyện Kiều, Lục Vân Tiên, thơ Nguyễn Khuyến… sau đó chắp vá, cải biên cho phù hợp với hoàn cảnh, tâm trạng người trong cuộc. Ngoài những tình cảm cùng huyết thống như cha mẹ, con cái, vợ chồng, anh chị em, ông bà, họ hàng, ở Cực Lạc Thái Bình còn có những bài thơ xúc động của người còn sống gửi tới người đã khuất, thấm đẫm một cảnh đời. Đó là câu chuyện của một chàng trai và cô gái trẻ yêu nhau. Do chàng trai phải lên phố đi thi nên trong đêm chia tay, cô đã trao cho anh tất cả đời con gái của mình. Chẳng may, khi lên phố chàng trai mắc bệnh và qua đời. Còn cô gái, sau đêm ấy cô mới biết mình đã mang trong mình giọt máu của người yêu. Bị làng xóm dè bỉu, cha mẹ anh chị em khinh thường xa lánh vì cô chưa chồng mà chửa. Buồn chán, không biết đi đâu, cô tìm đến ngôi mộ của chàng trai, rồi khóc: “Gió đưa cây cải về trời/Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”.Và như để anh hiểu được nỗi khổ của hai mẹ con nơi trần thế, cô đã khắc lên mộ người yêu câu thơ đó. Hay ngang trái và đau thương hơn là câu chuyện một người đàn ông đã hẹn ước với cô thôn nữ mình yêu nơi quê nhà, để mình lên đường đi làm giàu, khi nhiều tiền sẽ về cưới cô. Ai ngờ, mấy năm sau về lại quê với niềm hạnh phúc giàu sang cũng là lúc mộ người yêu xanh cỏ. Quá đau lòng, chàng bèn khắc mấy dòng thơ thể hiện nỗi tiếc thương vô hạn của lòng mình: “Một mảnh hồng nhan gió bụi vùi/Đường tiên lỡ bước chạnh thương người/Trăm năm âu cũng duyên tiền định/Kiếp khác tìm nhau bắc nhịp cầu”.
Cầu nối nhân gian
Với diện tích khoảng hơn 60 ha với hàng ngàn ngôi mộ, theo các cụ bô lão quanh vùng, Cực Lạc Thái Bình có từ rất lâu rồi. Ban đầu, nơi đây chỉ là vùng rừng núi hoang vu, dưới chân dãy Bà Đen, ít người lui tới, sơ sài vài ngôi mộ. Tuy nhiên, đến năm 1972, nơi đây được quy hoạch, xây dựng thành nghĩa trang chôn cất những linh hồn của các tín đồ theo đạo Cao Đài - Hòa Hảo ở Tây Ninh. Dần dà, do “nhu cầu” nên “dân số” của khu nghĩa trang này ngày càng tăng lên. Nay, nơi đây còn là chốn an nghỉ vĩnh hằng của những người dân đã chết quanh vùng, ngoài đạo Thánh Cao Đài.
Một góc nghĩa trang thơ |
Chị Phạm Thị Hiền, một người bán hàng nước ngay trước cổng nghĩa trang này cười bảo, không như nhiều khu nghĩa trang khác, Cực Lạc Thái Bình luôn có vẻ… thái bình hơn. Có lẽ, nguyên nhân chính là ở những vần thơ xúc động lòng người trên những bia mộ này. Có nhiều ngôi mộ được khắc tới 7 - 8 bài thơ. Thôi thì đủ cả, tất cả các cảnh đời, các éo le ngang trái, các tiếc thương vô hạn cũng đều gửi gắm vào thơ hết. Hình như, vì thế mà nơi đây thường có nhiều người lui tới hơn.
Có lẽ, sau tất cả những bon chen, được mất của một kiếp người, không có gì an bình, thanh thản và nhẹ nhõm bằng việc được an nghỉ giữa một vùng quê êm ả, ngay dưới chân núi Bà Đen huyền thoại, bên những câu thơ tài hoa.
Như để tăng thêm phần thi vị, nhẹ nhàng giữa nơi nghĩa trang chết chóc, mỗi bài thơ đều kèm theo một bức tranh về phong cảnh rất đẹp. Tác giả của những câu thơ và cả những người khắc chữ những bia mộ nơi đây chia sẻ cùng chúng tôi, giờ, mỗi tấm bia kèm một bài thơ có giá 100.000 đồng. Tiền này hoàn toàn không phải là… “nhuận bút” thơ mà chỉ là tiền công để các thợ xếp chữ, in lên đá và trang trí. Bởi Cực Lạc Thái Bình đã quá nổi tiếng về những vần thơ nên các thợ làm việc ở nghĩa trang đã sưu tập hẳn một tập thơ hơn… 300 bài có chủ đề nói về sự thương nhớ. Khi khổ chủ cần hoàn cảnh nào, quan hệ với người quá cố ra sao, người ta sẽ chọn ngay hoặc chỉnh sửa một bài để làm bia mộ. Có lẽ, cả người ở lại và người phiêu bồng chốn tiên cảnh cũng sẽ đều mỉm cười khi có một bài thơ, như chiếc cầu nối gắn kết bằng thứ tình cảm thiêng liêng, giữa hai thế giới với nhau.
Khánh Hòa