Nghĩa cử đẹp!

GD&TĐ - Theo tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế thì y đức là phẩm chất tốt đẹp của người làm công tác y tế.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Cuối giờ chiều một ngày oi nồng của tháng 6, đang lưu thông trên đường thì đập vào mắt tôi là dòng chữ dán sau xe ô tô: “Tôi là bác sĩ, nếu bạn cần giúp đỡ xin hãy dừng xe tôi lại”!

Khỏi phải nói, mọi bức bách, bực dọc đang có đều biến mất, chỉ còn lại sự khâm phục, cái ấm áp của tình người. Tạm thời có thể hiểu, khi chiếc xe này lưu thông trên đường, tức là vị bác sĩ đã hoàn thành nhiệm vụ tại nơi công tác.

Và nếu không có yêu cầu từ bệnh viện, vị bác sĩ này hoàn toàn có thể nghỉ ngơi, không phải thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình, nhất là khi việc này lại ở ngoài bệnh viện, ngoài cơ sở khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, khi vị bác sĩ này đã chủ động công khai ở ngoài bệnh viện rằng mọi người nếu cần cứ chủ động dừng xe lại là điều hoàn toàn khác. Bởi thực tế, một bộ phận nhân viên y tế có hành vi, thói quen giao tiếp, ứng xử không phù hợp, không thân thiện và không mang bản chất nhân văn của người cán bộ y tế, nhất là những cán bộ trẻ.

Một số cán bộ y tế còn cứng nhắc trong giao tiếp, ứng xử với người bệnh. Nhận thức của một số người còn mang nặng tâm lý xin - cho, ban ơn, chưa xác định được người bệnh là trung tâm, là đối tượng phục vụ. Còn có tình trạng hách dịch, quát mắng người bệnh, thậm chí là thiếu y đức trong khi thực hiện nhiệm vụ.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được cho là do thiếu nhân lực, kể cả về lĩnh vực chuyên môn cũng như các lĩnh vực hỗ trợ khác. Do thiếu nguồn lực để triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, cải tiến quy trình khám chữa bệnh, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị…

Thực tế, nghĩa vụ của bác sĩ đối với xã hội, tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế đã được quy định rõ. Cụ thể, theo Luật Khám bệnh chữa bệnh năm 2023, nghĩa vụ của bác sĩ đối với xã hội gồm tham gia cấp cứu, bảo vệ sức khỏe và giáo dục sức khỏe tại cộng đồng. Tham gia giám sát về năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề khác.

Chấp hành quyết định luân phiên có thời hạn của cơ quan quản lý trực tiếp; quyết định huy động, điều động của cơ quan, người có thẩm quyền về việc tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh khi có thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp trừ một số trường hợp như người hành nghề đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 24 tháng tuổi, trừ trường hợp người đó tự nguyện. Người hành nghề thuộc nhóm nguy cơ cao đối với các bệnh dịch và trường hợp khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Còn theo tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế thì y đức là phẩm chất tốt đẹp của người làm công tác y tế, được biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm cao, tận tuỵ phục vụ, hết lòng thương yêu chăm sóc người bệnh, coi họ đau đớn như mình đau đớn, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy là “Lương y phải như từ mẫu"…

Khi đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ y tế phải nghiêm túc thực hiện lời dạy của Bác Hồ. Phải có lương tâm và trách nhiệm cao, hết lòng yêu nghề, luôn rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức của người thầy thuốc. Không ngừng học tập và tích cực nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn. Sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn gian khổ vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân…

Chưa rõ đã có bao nhiêu lần chiếc xe này được mọi người dừng lại, hoặc vị bác sĩ này đã chủ động dừng lại để hỗ trợ những người cần giúp đỡ. Nhưng chắc rằng, ngoài việc đã thực hiện tốt nghĩa vụ đối với xã hội và tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế, vị bác sĩ này còn có nghĩa cử đẹp, đậm tính nhân văn, sẵn sàng giúp đỡ mọi người bất cứ khi nào cần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ