Nghi vấn về nơi an nghỉ của cha đẻ chữ Quốc ngữ

GD&TĐ - Nhà thờ công giáo Phước Kiều (xã Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam) được biết đến là chứng tích khai sinh chữ Quốc ngữ. 

Nghi vấn về nơi an nghỉ của cha đẻ chữ Quốc ngữ

Sau lưng nhà thờ có 3 nấm mộ cổ mà nhiều người tin, một trong số đó là mộ của giáo sĩ Francsisco de Pina (1585 – 1625), người được cho là đã có công đầu trong việc khai sinh chữ Quốc ngữ; trước khi chữ Quốc ngữ được giáo sĩ Alexandre de Rhodes công bố rộng rãi qua cuốn từ điển Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum và Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài (Historie du Royaume de Tunquin) tại Bồ Đào Nha, để lần đầu tiên chữ Quốc ngữ trở thành ký tự được in thành văn bản.

Những chứng cứ rõ ràng

Vào khoảng năm 1623, những giáo sĩ dòng Tên đến Đàng Trong đã lập 2 trụ sở truyền đạo, một tại Hội An, một tại Nước Mặn (Quy Nhơn).

2 năm sauhọ lập trụ sở tại Dinh trấn Thanh Chiêm (xã Điện Phương, Điện Bàn). Một số nghiên cứu cho rằng, chữ Quốc ngữ được khai sinh ở khu vực này, nhưng địa điểm cụ thể nào thì chưa rõ ràng.

Mọi tranh luận dần sáng tỏ khi nhà nghiên cứu Pháp Roland Jacques tìm ra 2 tác phẩm của Francsisco de Pina - Người mà vào năm 1617 được cử đến Hội An truyền đạo.

Đó là bức thư bằng Bồ ngữ dài 7 trang cho đức cha bề trên Jerómino Rodríduez ở Ma Cao và tiểu luận dài 22 trang mang tựa đề Manuductio ad Linguam Tunkinensem (Nhập môn tiếng Đàng Ngoài) bằng La ngữ tại Thư viện Quốc gia Bồ Đào Nha.

Căn cứ vào 2 tư liệu này cùng nhiều tư liệu thu thập được, Roland Jacques cho rằng, vì Hội An là nơi lai tạp ngôn ngữ giữa người Việt - Hoa - Nhật nên Pina đã rời Hội An đến Dinh trấn Thanh Chiêm (cách Hội An 10 km), tuyển chọn một số thanh niên Công giáo để phụ lễ, đào tạo thông dịch và giúp đỡ sáng tạo chữ Quốc ngữ.

Việc này được chính Pina xác nhận: “Con đã soạn xong một tiểu luận về chính tả và các thanh điệu của ngôn ngữ này… Con phiên âm theo chữ Bồ Đào Nha sao cho người chúng ta có thể đọc…”.

Roland khẳng định, Pina là người khai sinh ra chữ Quốc ngữ mà các giáo sĩ sau này, trong đó có sức lan tỏa nhất là từ giáo sĩ Alexandre de Rhodes, đã tiếp tục phát triển.

Bằng việc phân tích dấu ấn nói Quảng trong cuốn từ điển của Đắc Lộ, dẫn nhiều nguồn tư liệu, Roland cùng nhiều nhà nghiên cứu khẳng định: Thanh Chiêm (Điện Bàn) - Ngôi làng hiền hòa nằm bên dòng Thu Bồn, chính là nơi khai sinh chữ Quốc ngữ.

Nhiều tư liệu chép, cuối năm 1625, vì lí do nào đó mà tàu buôn Bồ Đào Nha ở Ma Cao không đến Hội An như mọi năm, chỉ có tàu buôn từ Cao Miên về, bỏ neo ngoài khơi Cửa Đại và nhắn cho các giáo sĩ Hội An biết tin để ra tàu nhận hàng tiếp tế của tòa giám mục Ma Cao.

Pina được cử ra tàu để nhận hàng và đi trên một thuyền nhỏ, khi quay vào bờ chẳng may bị một cơn gió mạnh làm lật úp thuyền, Pina vướng trong chiếc áo chùng dài nên bị chết đuối giữa biển. Đó là ngày 16/12/1625.

Đến nay, chưa thấy tài liệu nào đề cập việc Pina được chôn cất ở đâu, cũng như chưa thấy tài liệu nào nói thi hài ông được chuyển khỏi xứ Đàng Trong.

Có ý kiến cho rằng Pina đã được chôn cất tại Hội An. Nhưng, trong khu vực nhà thờ Công giáo Hội An, mộ của các giáo sĩ trong khuôn viên nhà thờ đều được xác định tên tuổi là các giáo sĩ Gulielmo Mahot, Franxico Perez và Valere Rist… mà không có ngôi mộ nào của Pina.

Điều này khiến người dân làng Thanh Chiêm, trong đó có ông Đinh Trọng Tuyên (sinh năm 1938, Thanh Chiêm 2, Điện Phương, Điện Bàn) - người có viết cuốn sách Dinh trấn Thanh Chiêm Quảng Nam, nghi ngờ rằng, Pina được chôn cất ở chính nơi mà vị giáo sĩ này đã lập trụ sở truyền đạo, dựng một tiểu giáo đường, chính là nhà thờ Công giáo Phước Kiều bây giờ.

Đã tìm ra nơi giáo sĩ Francsisco de Pina an nghỉ?

Trong thư gửi Đức cha bền trên, Pina ghi: “Thưa cha kính mến con đã mua hai cái nhà của mẹ Jeane ở Kẻ Chàm. Mỗi nhà có ba gian, một nhà làm nơi ở, nhà kia làm tiểu giáo đường”.

Tiểu giáo đường này được Pina mua vào năm 1619, đặt tên là “nhà của mẹ Jeane”, với mục đích làm chỗ trú chân ở Thanh Chiêm. Trong một tư liệu khác, giáo sĩ Cristoforo Borris có chép về tiểu giáo đường này:

“Một đại tăng, kẻ thù lớn của lòng tin thánh thiện của chúng ta thuyết phục nhà vua lưu đày các cố đạo và phá hủy ngôi nhà thờ nhưng nhà thờ vẫn sừng sững ở Kẻ Chàm với tên gọi nhà của mẹ Jeane”.

Năm 1930, trên nền đất của tiểu giáo đường, linh mục Pierre Auguste Gallioz (cố Thiết) dựng nên nhà thờ Phước Kiều. Năm 1946, nhà thờ phá hủy. Năm 2000, được trùng tu; đến năm 2007, nhà thờ được nâng cấp thành đền thánh Andre Phú Yên.

Bây giờ, sau lưng đền Thánh này (người dân vẫn quen gọi là nhà thờ Phước Kiều), gần sát hàng rào nhà dân, có 3 ngôi mộ chia thành 2 khu vực cách nhau khoảng 10 mét.

Một nấm mộ nằm riêng lẻ còn 2 cái kia thì nằm cạnh nhau, đều xây theo kiểu “mộ rùa”, phía trước có trồng cây thánh giá bằng xi măng mới làm nhưng không hề thấy ghi chú tên tuổi ai cả.

Theo những giáo dân sinh sống cạnh nhà thờ, 3 ngôi mộ này vốn bị lấp dưới lòng đất, cách chừng 30 năm trước, người dân trong vùng xới cỏ và phát hiện ra 3 ngôi mộ, mới đào đất xung quanh trũng xuống để 3 ngôi mộ lộ ra như bây giờ.

Ông Đinh Trọng Tuyên lập luận: “Kiểu mộ rùa thịnh hành vào thế kỷ XVII, XVIII, trùng với thời của Pina. Người dưới mộ không phải là người địa phương, bởi đây là đất của nhà thờ, chỉ dành cho các giáo sĩ.

Từ năm Pina mất (1625) không thấy cha đạo nào ở đây mất nữa. Nên rất có thể, một trong 3 ngôi mộ kia có mộ của Pina, sau khi Pina mất, người ta đã chôn cất ông ở nơi tiểu giáo đường do chính ông lập nên”.

Đây cũng là lập luận chung của người dân quanh vùng. Tất cả chỉ là suy đoán. Tuy nhiên, 3 ngôi mộ cổ ở nhà thờ Phước Kiều tồn tại đã rất lâu mà không nhà nghiên cứu nào đề cập, tìm hiểu.

Trao đổi với báo chí, ông Hồ Xuân Tịnh - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Quảng Nam - nói rằng để xác định đó có phải là mộ của giáo sĩ Francisco de Pina hay không cần phải có cứ liệu khoa học chứng thực.

Tháng 5/2015, Sở VH,TT&DL Quảng Nam đã lập hồ sơ đề nghị Bộ VH,TT&DL xếp hạng di tích quốc gia cho Dinh trấn Thanh Chiêm - nơi được coi là bàn đạp để các chúa Nguyễn mở cõi về phương Nam và cũng là nơi khai sinh ra chữ Quốc ngữ.

Ông Tuyên mong mỏi: “Rất mong các nhà nghiên cứu đến tìm hiểu về 3 ngôi mộ này để giải tỏa thắc mắc của người dân; và theo tôi, dù 3 ngôi mộ không phải là mộ của Pina, thì với tư cách là kiến trúc có liên quan đến dinh trấn, được người khai sinh ra chữ Quốc ngữ lập ra, nhà thờ Phước Kiều cũng cần được công nhận là di tích”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ