Nghị trường 'nóng' chuyện thiếu giáo viên

GD&TĐ - Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu đề cập đến tình trạng thiếu giáo viên, đồng thời đề xuất giải pháp tháo gỡ.

Lớp học của Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng, Nam Định). Ảnh: NTCC
Lớp học của Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng, Nam Định). Ảnh: NTCC

Vấn đề bức thiết

Theo đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (đoàn TP Hà Nội), thiếu giáo viên được các đại biểu đề cập ở những kỳ họp trước và ngay tại Kỳ họp thứ 4 này. Đây là vấn đề ngày càng bức thiết. Chúng ta đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhưng nhiều môn học mới chưa được bố trí giáo viên. Ngoài ra, số lượng nhà giáo bị thiếu hụt do nghỉ việc, chuyển việc sau đại dịch Covid-19 đã làm tăng áp lực đối với nhiều địa phương, nhất là với cấp mầm non.

Cũng theo đại biểu Dương Minh Ánh, do áp lực công việc ngày càng lớn, yêu cầu về tiêu chuẩn của nhà giáo ngày càng cao nhưng chính sách tiền lương chưa tương xứng với công sức, dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám, không giữ chân được người tài giỏi trong lĩnh vực giáo dục. Sinh viên được đào tạo bài bản nhưng ra trường không mặn mà với nghề dạy học; đặc biệt là giáo viên mầm non.

“Chúng ta cần rà soát lại những vùng di dân có thừa giáo viên hay không. Cần có điều chỉnh hợp lý nhất giữa các vùng, miền. Theo đó, khuyến khích xã hội hóa cấp học mầm non, phổ thông, nơi có điều kiện và điều chuyển giáo viên từ chỗ thừa sang chỗ thiếu” – đại biểu Nguyễn Trường Giang đề xuất.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Trường Giang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhìn nhận, có một thực trạng nữa là việc di dân không theo kế hoạch. Đặc biệt là dân số ở các vùng nông thôn lên thành phố lớn và tỉnh có nhiều khu công nghiệp. Điều này dẫn tới tăng dân số cơ học ở những khu vực này. Kèm theo đó là nhu cầu đi học của trẻ em cũng rất lớn do đó dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên.

Từ những vấn đề nêu trên, đại biểu Dương Minh Ánh đề nghị, Quốc hội chỉ đạo, nghiên cứu sớm đưa Luật Nhà giáo vào xem xét tại các kỳ họp tới của Quốc hội. Thực hiện đúng chủ trương Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục xem xét để bổ sung thêm chỉ tiêu giáo viên cho các địa phương. Đồng thời, đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Ngoài ra, cho phép các địa phương được tuyển dụng đội ngũ giáo viên đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định cũ nhưng chưa đủ điều kiện tiêu chuẩn theo quy định mới. Từ nay đến năm 2030, các giáo viên đó sẽ phải tự hoàn thiện để đáp ứng tiêu chuẩn theo Điều 115 quy định chuyển tiếp của Luật Giáo dục 2019.

“Trong khi chờ xây dựng Luật Nhà giáo, đề nghị Chính phủ nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ thầy, cô giáo nói chung và giáo viên mầm non nói riêng để các nhà giáo an tâm công tác, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của đất nước” - đại biểu Dương Minh Ánh nhấn mạnh.

Giáo viên mầm non tham gia tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm. Ảnh minh họa: TG

Giáo viên mầm non tham gia tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm. Ảnh minh họa: TG

Cần sớm có Luật Nhà giáo

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình) cho rằng, cần xây dựng Luật Nhà giáo trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất. Trong đó, cần có chính sách tốt hơn đối với nhà giáo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Cùng với đó, nhanh chóng hoàn thiện ban hành Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2022 - 2030 và tầm nhìn đến 2045. Đảm bảo ngân sách 20% cho giáo dục.

Đề cập đến một số giải pháp hạn chế tình trạng giáo viên nghỉ việc, Bộ GD&ĐT đề nghị Quốc hội cho phép xây dựng Luật Nhà giáo. Qua đó, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, tuyển dụng, quản lý, đãi ngộ, tôn vinh… phù hợp với vai trò, vị trí quan trọng, đặc thù lao động nghề nghiệp của nhà giáo. Từ đó tạo động lực để nhà giáo gắn bó, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.

Bộ cũng đề nghị Nhà nước quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức giáo dục, để tiền lương và thu nhập của viên chức giáo dục cơ bản đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống. Đối với giáo viên mới vào nghề, giáo viên hợp đồng, cần có chính sách hỗ trợ để đảm bảo thu nhập không thấp hơn lương tối thiểu vùng; được hưởng phụ cấp ưu đãi, các khoản hỗ trợ học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy học…

Ngoài chính sách chung của Nhà nước, các địa phương căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội, có các chính sách hỗ trợ khác về thu nhập, điều kiện làm việc, nhà công vụ, đi lại… cho giáo viên. Các cơ sở giáo dục quan tâm xây dựng môi trường văn hóa trong trường học, phát huy dân chủ, tạo không khí đoàn kết, chia sẻ trong tập thể sư phạm. Xây dựng các mối quan hệ hài hòa giữa cán bộ quản lý và giáo viên, giữa giáo viên với nhau; giữa giáo viên với cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho giáo viên trong điều kiện cho phép và phù hợp với quy định.

Bộ GD&ĐT tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định về chế độ làm việc, chính sách với nhà giáo theo thẩm quyền, tạo động lực và động viên nhà giáo hoàn thành nhiệm vụ. Rà soát các quy định về hồ sơ, sổ sách của giáo viên, tổ chức các hội thi, hội thao, về thi đua, khen thưởng… để đảm bảo tính thiết thực. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà trường và quản lý đội ngũ để giảm bớt áp lực cho giáo viên.

Ngoài ra, các địa phương thực hiện phân cấp quản lý một cách hợp lý, tăng quyền chủ động cho cơ sở để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và phát triển đội ngũ giáo viên hiệu quả, bền vững và chất lượng. Mặt khác, tăng cường công tác giáo dục chính trị, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực cho đội ngũ giáo viên để nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để thầy cô yên tâm công tác, tự hào, tự tôn về nghề giáo.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, việc công chức, viên chức dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư là yếu tố khách quan trên cơ sở điều tiết của thị trường lao động. Bộ trưởng Bộ Nội vụ xác định, cần tập trung cải cách đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả chính sách tiền lương trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.