Gỡ nút thắt thiếu giáo viên môn đặc thù

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thiếu giáo viên, khó khăn về nguồn tuyển là thực trạng diễn ra ở nhiều địa phương, nhất là ở một số vùng sâu, vùng xa. 

Học sinh tiểu học tiếp cận với môn Mỹ thuật thông qua hướng dẫn của giáo viên. Ảnh minh họa
Học sinh tiểu học tiếp cận với môn Mỹ thuật thông qua hướng dẫn của giáo viên. Ảnh minh họa

Thiếu giáo viên đặc biệt ở các môn học đặc thù như: Ngoại ngữ, Tin học, Nghệ thuật…; các trường vẫn “đỏ mắt” tìm giáo viên.

Thiếu nguồn tuyển

Dù đã được dự lệnh từ năm học trước nhưng đến nay, Trường Tiểu học Hải Hà (Nghi Sơn, Thanh Hóa) vẫn chưa tuyển được giáo viên Tin học, dù Tin học trở thành môn học bắt buộc với lớp 3. Cô Hiệu trưởng Phan Thị Hải Yến cho hay, cấp có thẩm quyền cho cơ chế hợp đồng giáo viên nhưng hơn một năm nay, nhà trường “đỏ mắt” vẫn không tuyển được thầy, cô nào vì không có ai nộp hồ sơ ứng tuyển.

Ông Bùi Văn Thư – Trưởng phòng GD&ĐT Mèo Vạc - Hà Giang trao đổi: Phòng đã và đang phối hợp với Phòng Nội vụ tham mưu với lãnh đạo huyện tuyển dụng, hợp đồng giáo viên còn thiếu cho các trường trên địa bàn. “Song, điều chúng tôi lo lắng là, dù có cơ chế chính sách tuyển dụng, hợp đồng giáo viên nhưng liệu nguồn tuyển có dồi dào? Số lượng các ứng viên liệu có đủ lấp đầy số giáo viên còn thiếu của các trường hay không?” - ông Thư băn khoăn.

Tương tự, thầy Cao Duy Chương – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Sủng Máng (Mèo Vạc, Hà Giang) cho biết, dù đã có kế hoạch “chiêu mộ” giáo viên Tin học, Tiếng Anh nhưng đến nay trường vẫn chưa tuyển được giáo viên nào.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là thiếu nguồn tuyển. Số sinh viên sư phạm Tiếng Anh, Tin học hoặc những người có chuyên ngành đào tạo phù hợp trên địa bàn rất ít nên nguồn tuyển càng hiếm. Còn với những người có trình độ ở vùng thuận lợi, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan nên họ không mặn mà về vùng khó khăn dạy học.

Huyện Mèo Vạc (Hà Giang) có hơn 29 nghìn học sinh học tập tại 53 trường mầm non, tiểu học, THCS. Tuy nhiên, toàn huyện hiện có 1 giáo viên Tin học và 1 giáo viên Tiếng Anh cấp tiểu học.

Một lớp học của Trường Tiểu học Hải Hà (Nghi Sơn, Thanh Hóa). Ảnh: NTCC

Một lớp học của Trường Tiểu học Hải Hà (Nghi Sơn, Thanh Hóa). Ảnh: NTCC

Theo ông Thư, thực tế, việc tuyển giáo viên trên địa bàn huyện Mèo Vạc vẫn còn khó khăn. Thậm chí, khi đã tuyển được, các thầy cô cũng không mấy mặn mà bám trụ ở mảnh đất này. Một khó khăn nữa, người thi tuyển cần có trình độ đại học nhưng sinh viên ra trường có trình độ trung cấp, cao đẳng tiểu học lại chiếm số lượng lớn; trong khi đó số lượng giáo viên nghỉ hưu, thôi việc, tinh giản những năm gần đây lại tăng.

Ông Thư nhìn nhận, thiếu giáo viên và thiếu nguồn tuyển khiến các trường gặp không ít khó khăn khi triển khai nhiệm vụ dạy – học trong năm học. Nhiều trường, ban giám hiệu phải đứng lớp dạy môn Tin học cho học sinh lớp 3 hoặc cử giáo viên có hiểu biết về Tin học đảm nhiệm bộ môn này. Riêng môn Tiếng Anh được giáo viên Trường Marie Curie - Hà Nội hỗ trợ dạy học online cho tất cả học sinh lớp 3 của các trường tiểu học trên huyện.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Giang, toàn tỉnh hiện có 136 giáo viên dạy môn Tiếng Anh. Để dạy tiếng Anh bắt buộc từ lớp 3, tỉnh còn thiếu 93 giáo viên bộ môn này. Tỉnh Hà Giang cũng đang thiếu gần 80 giáo viên Tin học. Thực tế, đội ngũ giáo viên cấp tiểu học còn thiếu nhiều so với nhu cầu thực tế, chưa bảo đảm để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Tỷ lệ giáo viên toàn tỉnh Hà Giang đạt 1,3 giáo viên/lớp. Năm học 2022 - 2023, tỷ lệ giáo viên chỉ đạt 1,25 giáo viên/lớp, trong khi quy định để dạy 2 buổi/ngày phải có tối thiểu 1,5 giáo viên/lớp.

Học sinh Trường Tiểu học Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang). Ảnh: NTCC

Học sinh Trường Tiểu học Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang). Ảnh: NTCC

Áp dụng cơ chế đặt hàng

Hòa Bình cũng là địa phương thiếu hàng trăm giáo viên Tin học, Tiếng Anh cấp tiểu học. Theo bà Bùi Thị Kim Tuyến – Giám đốc Sở GD&ĐT Hòa Bình, một số trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn chưa có giáo viên Tin học nên việc triển khai dạy - học gặp nhiều thách thức. Không chỉ vậy, việc tuyển dụng, hợp đồng giáo viên những bộ môn chuyên biệt cũng là rào cản cho địa phương do thiếu nguồn tuyển.

“Có những địa bàn vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, khi thông báo tuyển dụng giáo viên nhưng không có hồ sơ nào tham gia ứng tuyển. Vì vậy, cùng lúc địa phương phải quyết 2 bài toán: Thiếu giáo viên và thiếu nguồn tuyển” – bà Tuyến phân trần.

Ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) nhìn nhận, một số địa phương, nhất là vùng sâu, xa còn gặp nhiều khó khăn trong nguồn tuyển, đặc biệt với các môn học mới, môn học đặc thù như: Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật….

Theo ông Đức, thiếu nguồn tuyển do một bộ phận sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm chưa sẵn sàng đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Một số người được đào tạo về Tin học, Tiếng Anh có thể dễ dàng tìm kiếm được công việc có thu nhập cao hơn so với việc trở thành giáo viên. Việc tuyển sinh và năng lực đào tạo của một số trường sư phạm đối với các môn đặc thù, đòi hỏi có năng khiếu như Mỹ thuật, Âm nhạc còn hạn chế.

Cũng theo Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT đã gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương Công văn số 371/BGDĐT-NGCBQLGD về chuẩn bị giáo viên Ngoại ngữ, Tin học cấp tiểu học. Theo đó, các địa phương cần chủ động nguồn tuyển dụng giáo viên.

Ngoài ra, địa phương có thể đặt hàng với cơ sở đào tạo để đào tạo mới giáo viên Tiếng Anh, Tin học. Đồng thời, đặt hàng đào tạo liên thông lên trình độ đại học sư phạm đối với những người đã tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp chuyên ngành Tiếng Anh, Tin học. Mặt khác, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho những người đã tốt nghiệp trình độ đại học chuyên ngành này có nguyện vọng trở thành giáo viên dạy tiểu học...

Ông Vũ Minh Đức cho hay, Bộ GD&ĐT tiếp tục thực hiện việc giao chỉ tiêu đào tạo theo đề xuất của các địa phương. Địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ đối với các cơ sở đào tạo giáo viên nhằm bảo đảm nguồn tuyển dụng theo cơ cấu môn học và nhu cầu; đặc biệt là các môn học mới như: Tin học và Công nghệ cấp tiểu học và môn Nghệ thuật cấp THPT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cán bộ y tế đỡ đẻ ngay trên biển.

Đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên biển

GD&TĐ - Một sản phụ ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đỡ đẻ thành công ngay trên biển.