Điều ước của con khiến chị vừa xúc động vừa bật cười. Xoa đầu con, chị dịu dàng: “Sao con không ước cho con mà lại ước cho bố mẹ?”. Con gái nhoẻn miệng cười, vô tư đáp lại: “Vì con muốn bố mẹ sẽ sống mãi bên con. Và con cảm thấy vui khi ước cho bố mẹ”. Vòng tay ôm lấy con, lòng chị rưng rưng, bởi con còn nhỏ mà đã luôn biết nghĩ tốt cho người khác.
Nghĩ tốt cho người khác nghĩa là luôn quan tâm, động viên, chia sẻ; là mong muốn, gửi lời chúc tốt đẹp; đôi khi sẵn sàng chấp nhận những thiệt thòi về phần mình để người khác có được niềm vui, hạnh phúc. Khi chúng ta biết nghĩ tốt, nghĩ đúng, nghĩ tử tế cho người khác, mọi thứ trong cuộc sống sẽ trở nên kỳ diệu.
Nghĩ tốt cho người khác cũng đồng nghĩa chúng ta đang tạo ra niềm vui, hạnh phúc cho chính mình. Sáng sớm, cô bé lên 7 tuổi nhà bên bước ra cổng ngõ chuẩn bị đi học, thấy bà Mười hàng xóm đang sửa soạn đi chợ bán hàng, cô bé nhanh nhảu: “Cháu chào bà Mười. Cháu chúc bà Mười bán được nhiều hàng ạ!”.
Sau khi nhận lại lời cảm ơn, khen ngợi từ bà Mười, cô bé bẽn lẽn đáp tiếng “dạ” kèm theo nụ cười chúm chím như bông hồng nhung trong nắng sớm.
Có thể thấy, nghĩ tốt cho người khác sẽ làm cho mối quan hệ giữa con người với con người trở nên thân tình, gần gũi; cuộc sống của mỗi người vì thế sẽ được nhân lên rất nhiều niềm vui.
Nghĩ tốt cho người khác, chúng ta sẽ luôn nhận lại được những lợi ích tích cực, niềm lạc quan, hi vọng; tạo thêm niềm tin cho chính mình và cảm hóa, giúp người khác thay đổi theo hướng tích cực.
Nghĩ tốt cho người khác tất sẽ được người khác tôn trọng và yêu quý. Đó là cách nghĩ tích cực về mọi người, về cuộc sống, về mọi điều đang diễn ra quanh mình. Nó đem đến cho chúng ta nhiều cơ hội để học hỏi, thử nghiệm những điều mới mẻ; đem đến cái nhìn hi vọng, thành công tốt đẹp.
Mỗi lần thấy chị hai của mình đạt điểm 10, con gái út của chị vẫn thường đến bên chúc mừng rồi bảo: “Chị hai học giỏi quá à. Em sẽ cố gắng để học giỏi như chị hai!”. Và sự cố gắng của con sau đó cũng được đền đáp xứng đáng.
Trong cuộc sống, nhiều người vẫn thường có thói quen đứng ở góc độ bản thân để nghĩ, để làm một việc nào đó cho một ai đó. Ví như: “Họ chưa bao giờ nghĩ tốt cho tôi, sao tôi lại phải nghĩ tốt cho họ?”, hay: “Họ lừa gạt tôi, tại sao lại bắt tôi nghĩ tốt cho họ?”…
Nhiều người quan niệm, có qua có lại, thế nên khi nào người khác nghĩ tốt về mình thì mình mới nghĩ tốt về họ, bằng không thì… Cũng chỉ vì những suy nghĩ hơn thua, hẹp hòi, ích kỷ ấy mà có biết bao người, thay vì chọn cách nghĩ nhẹ nhàng, bao dung lại tự trói buộc mình, tự tạo nên những nỗi khổ tâm, bực dọc, tự làm khổ chính mình.
Nghĩ tốt cho người khác cũng là một lối sống lương thiện. Mỗi khi chúng ta nghĩ tốt về một người nào đó nghĩa là ta đã đặt mình vào vị trí và hoàn cảnh của họ. Biết tán dương, khen ngợi những điều tốt ở người khác đúng lúc là ta đã thấu hiểu và biết đồng cảm, san sẻ với họ.
Điều dễ thấy trong cuộc sống là ai cũng muốn nghĩ những điều tốt đẹp nhất cho mình, sau đó mới đến người thân, bạn bè, người ngoài xã hội. Thế nhưng ít ai biết rằng, khi chúng ta luôn muốn dành tất cả những điều tốt đẹp cho mình thì sẽ ít khi nào nhận được những điều tốt đẹp lớn lao hơn.
Con người thường bị ngăn cách với nhau bởi lòng vị kỉ. Cuộc đời sẽ tươi đẹp và hạnh phúc hơn rất nhiều nếu ai cũng biết nghĩ tốt cho mình và cho cả người khác!