Trường đại học phải là trung tâm đổi mới sáng tạo
Ngày 12/4, Hội nghị Mạng lưới Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Đại học, Cao đẳng Việt Nam (VNEI Innovation Summit 2025) với chủ đề "Vai trò của các cơ sở giáo dục đại học trong hiện thực hóa Nghị quyết số 57/NQ-TW về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" khai mạc tại Đại học Kinh tế TPHCM (UEH).
Sự kiện do Mạng lưới Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Đại học, Cao đẳng Việt Nam (VNEI) phối hợp cùng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và UEH tổ chức với quy mô toàn quốc.
Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh toàn quốc đang khẩn trương và quyết liệt xây dựng, triển khai kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ.
Đây là những văn kiện quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội một cách mạnh mẽ, toàn diện, phù hợp với bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn vươn mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.

Theo GS.TS Sử Đình Thành – Giám đốc UEH, Nghị quyết 57 là một bước ngoặt quan trọng đối với lĩnh vực giáo dục đại học, mở ra chương mới với cả cơ hội lẫn thách thức cho sự phát triển toàn diện của hệ thống giáo dục quốc gia.
Từ đó, các cơ sở giáo dục đại học hiện nay không chỉ đảm nhiệm vai trò đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo chuẩn quốc tế, mà còn phải trở thành những trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhằm đón đầu và làm chủ các xu thế công nghệ tiên tiến.
"Sự cộng hưởng sức mạnh giữa nhà trường, doanh nghiệp và cộng đồng, cùng với tinh thần đổi mới không ngừng, sẽ tạo nên hệ sinh thái bền vững, đóng góp thiết thực vào công cuộc chuyển đổi số và phát triển khoa học công nghệ của đất nước", ông Thành nhấn mạnh.

Tại Đại học Kinh tế TPHCM, hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp không chỉ gói gọn trong phạm vi sinh viên mà đã được mở rộng tới học sinh THCS, THPT, các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Tính đến nay, UEH đã hỗ trợ và ươm tạo hơn 150 dự án khởi nghiệp, trong đó khoảng 40% dự án đã chính thức thành lập doanh nghiệp, với tổng vốn đầu tư giai đoạn hạt giống đạt gần 700.000 USD. Những kết quả tích cực này thể hiện rõ nỗ lực của UEH trong việc kiến tạo một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bền vững và có chiều sâu.
Trong bối cảnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là động lực tăng trưởng kinh tế quốc gia, việc kết nối hiệu quả các nguồn lực từ trường đại học với nhu cầu thực tiễn của cộng đồng địa phương ngày càng trở nên cấp thiết.
Việc xây dựng một hệ sinh thái đồng sáng tạo theo mô hình 4P (Public - Private - People - Partnership) đóng vai trò quan trọng trong hiện thực hóa chiến lược quốc gia. Trong đó, các cơ sở giáo dục đại học giữ vai trò trung tâm trong việc kết nối, lan tỏa và kiến tạo giá trị cho toàn xã hội.
Kết nối giữa đại học và doanh nghiệp
Tại hội nghị, TS Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch Mạng lưới VNEI, Tổng Giám đốc BK Holdings trình bày tham luận "VNEI - Nguồn nhân lực chiến lược cho Đổi mới sáng tạo quốc gia"
TS Nguyễn Trung Dũng đã chia sẻ các phương thức kết nối hiệu quả giữa trường đại học và doanh nghiệp, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của cả hai bên.

Với phương thức nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, các trường đại học đóng vai trò tiên phong trong việc phát triển những nghiên cứu có tính ứng dụng cao. Doanh nghiệp là bên tiếp nhận và triển khai các kết quả nghiên cứu này vào thực tiễn, từ đó cải tiến quy trình sản xuất, tối ưu vận hành và phát triển sản phẩm mới.
Ngoài ra, thông qua phương thức đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, các chương trình đào tạo được thiết kế gắn liền với yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo thông qua các hoạt động giảng dạy, hướng dẫn thực tập và hỗ trợ phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao.
Bên cạnh đó, hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo như một kênh kết nối hiệu quả giữa nhà trường và doanh nghiệp. Các vườn ươm khởi nghiệp, chương trình tăng tốc (accelerator programs) đóng vai trò hỗ trợ các dự án khởi nghiệp từ giai đoạn ý tưởng đến khi hoàn thiện sản phẩm. Đồng thời, đây cũng là cầu nối giữa nhà đầu tư và các startup xuất phát từ môi trường đại học, góp phần tạo ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động và hiệu quả.


Hội nghị quy tụ đại diện lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng, cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia hàng đầu và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để cùng hiện thực hóa Nghị quyết 57 thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia.
Một số tham luận khác đáng chú ý tại hội nghị: "Gợi ý về một số phương thức thúc đẩy đổi mới sáng tạo song song với tự chủ đại học công lập" - GS. Lê Ngọc Hùng, Đại học Quốc gia Hà Nội; "Hệ thống chính sách phát triển Đổi mới sáng tạo khu vực đại học" - TS Trần Nam Tú, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin, Bộ GD&ĐT.
Ngoài ra, TS Christopher Han, Giám đốc Chiến lược Đổi mới sáng tạo, Đại học Kinh tế TPHCM tham dự hội nghị với tham luận "Những trọng điểm mới của UEH với chính sách mới của Chính phủ về phát triển Đại học đổi mới sáng tạo"; PGS. TS Trương Thị Nam Thắng, Phó Chủ tịch Mạng lưới VNEI; Nghiên cứu trưởng, Viện Nghiên cứu Đổi mới và Phát triển với tham luận "Xây dựng tiêu chí Đại học Đổi mới sáng tạo: Thế giới và Việt Nam".