Trên tinh thần đó, các chuyên gia, đại biểu Quốc hội đề xuất, cần sớm đưa Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57) vào cuộc sống.
Trụ cột và động lực cho mỗi quốc gia
Theo GS.TS Nguyễn Thiện Nhân (đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM), ở Việt Nam, các trường đại học khối công lập chiếm khoảng 65% - 70% năng lực nghiên cứu cả nước. Tại đây, nguồn lực trình độ tiến sĩ, giáo sư và trang thiết bị nghiên cứu đầy đủ. Nếu chúng ta không áp dụng cơ chế, chính sách thí điểm ưu tiên với các trường đại học công lập thì vô cùng lãng phí.
Để khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân đề xuất, cần có chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế thu nhập tăng thêm cho các doanh nghiệp, bệnh viện và cá nhân như giảng viên đại học, bác sĩ khi tham gia hoạt động nghiên cứu.
Nhấn mạnh, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là trụ cột và động lực to lớn cho mỗi quốc gia phát triển nhanh và bền vững, ông Vương Quốc Thắng (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) nêu quan điểm, cần đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục đại học nhằm phát triển nguồn lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Theo đó, nên tập trung nguồn lực nghiên cứu khoa học cho các nhiệm vụ khoa học trọng tâm, những vấn đề mang tính trụ cột để phục vụ phát triển kinh tế bằng cách gom hết nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học để tập trung nguồn lực cho lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ chiến lược.
Ông Vương Quốc Thắng gợi mở, nên nghiên cứu để bổ sung các chính sách đột phá trong hợp tác giữa cơ quan Nhà nước, trường đại học và doanh nghiệp với mục tiêu coi đây là động lực quan trọng phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế đất nước. Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm chính sách về thu hút, phát triển và nâng cao năng lực hoạt động cho đội ngũ nhà quản lý khoa học, nhà khoa học mà đặc biệt cần đề cập đến kịch bản phát triển đất nước trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Ngoài ra, nên cân nhắc có các cơ chế thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học từ cấp THPT đến đại học nhằm khơi tạo niềm đam mê nghiên cứu và ươm tạo nhà khoa học trẻ ngay từ môi trường THPT. Qua đó góp phần thúc đẩy nguồn nhân lực dồi dào cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cùng đó, cân nhắc nghiên cứu để huy động được nguồn lực to lớn từ xã hội, quốc tế cho hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.

Ngân sách chưa tương xứng
Trên thế giới, phần lớn trường đại học trở thành trung tâm nghiên cứu. Các công bố lớn, giải Nobel đều đến từ trường đại học... GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội chia sẻ, ở Việt Nam, 90% công bố quốc tế từ các trường đại học nhưng ngân sách cấp cho nghiên cứu khoa học chiếm khoảng 10%.
“Điều này không tương xứng”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói, đồng thời kiến nghị, ưu tiên ngân sách đầu tư cho các trường đại học, đặc biệt cơ sở giáo dục đại học theo định hướng nghiên cứu, có đào tạo tiến sĩ.
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, nếu không cấp kinh phí cho hoạt động đào tạo tiến sĩ, nghiên cứu sinh tự bỏ kinh phí sẽ nghiên cứu những gì sẵn có. Kết quả đó không đóng góp nhiều vào giá trị của khoa học.
Bên cạnh đó, cần miễn thuế thu nhập cá nhân cho các hoạt động nghiên cứu. Hiện nay, các trường đại học công lập, không đặt mục tiêu lợi nhuận, hoặc trường tư thục hoạt động không vì mục đích lợi nhuận không có cơ sở để tính thuế, nhưng phải đóng thuế. Điều này tăng trách nhiệm, gánh nặng cho người học.
Cần có cơ chế, chính sách để khuyến khích đầu tư từ ngân sách và ngoài ngân sách cho hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đề xuất của ông Phan Văn Mãi (đoàn ĐBQH TPHCM).
Ngoài ra, cần mạnh dạn có cơ chế cho phép các tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ kết quả nghiên cứu của mình thông qua thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Từ đó tạo động lực thực chất cho hoạt động nghiên cứu, đảm bảo kết quả nghiên cứu này có tính ứng dụng trong thực tiễn.

Mặt khác, cần đưa ra chính sách thuế ưu đãi để thu hút các nhà khoa học, tổ chức trong và ngoài nước tham gia hoạt động nghiên cứu. Phải có quy định về miễn trừ trách nhiệm hình sự, dân sự khi các tổ chức, cá nhân không có lỗi chủ quan và thực hiện đúng quy trình nghiên cứu.
Liên quan đến “đầu ra” của các nghiên cứu khoa học và công nghệ trong nước, ông Hoàng Minh Hiếu (đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) nêu quan điểm, cần bổ sung các chính sách, trong đó tập trung vào việc có chính sách để Nhà nước trở thành khách hàng đầu tiên và quan trọng nhất đối với các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ trong nước. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, đây là vấn đề quan trọng.
Chẳng hạn, với ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn, lịch sử phát triển của ngành này cho thấy, nếu không có các chương trình của Nhà nước trong việc tiêu thụ, sử dụng chip bán dẫn vào thập kỷ 1950, 1960 thì các doanh nghiệp sản xuất chip vào thời điểm đó sẽ không có đủ nguồn lực và động lực để tiếp tục đầu tư nghiên cứu, phát triển chip bán dẫn tiên tiến như ngày nay.
Vì thế, việc bảo đảm sử dụng các kết quả nghiên cứu, phát triển trong các chương trình của Nhà nước còn thể hiện niềm tin vào năng lực của các nhà khoa học, tổ chức khoa học và công nghệ trong nước.
Theo ông Hoàng Minh Hiếu, Luật Đấu thầu, Luật Khoa học và Công nghệ đã có một số quy định đề cập đến chính sách này nhưng chưa cụ thể, không có tính khả thi trong thực tế. Vì vậy, cần nghiên cứu để tháo gỡ, sớm đưa chính sách vào thực tiễn.

Tháo gỡ thể chế
Cùng với chính sách sử dụng chuyên gia, nhà khoa học, ông Phạm Đình Thanh (đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) cho rằng, cần thiết ưu tiên bố trí kinh phí để đào tạo chuyên gia, thậm chí cử người đi học tập tại các nước để về phục vụ sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ nước nhà cả trong giai đoạn trước mắt lẫn lâu dài.
Ngoài ra, cần có cơ chế để đảm bảo người được sử dụng, bố trí làm việc trong tổ chức khoa học công nghệ công lập đáp ứng tốt yêu cầu, đạt hiệu quả công việc, phù hợp với vị trí việc làm được sắp xếp.
Nhận thấy, có những lĩnh vực cần sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài, GS.TS Nguyễn Thanh Phương - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Cần Thơ nêu ý kiến, cần tháo gỡ vướng mắc liên quan đến thủ tục như visa, giấy phép lao động… qua đó đảm bảo huy động nguồn lực trí tuệ phục vụ sự phát triển khoa học công nghệ quốc gia.
Về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ông Lê Văn Khảm (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) cho rằng, cần rà soát bổ sung quy định theo hướng dự phòng đầy đủ các trường hợp. Cụ thể: Thứ nhất, tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại cho Nhà nước nếu tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện đề tài đã đầy đủ quy trình, quy định.
Thứ hai, tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước trong quá trình triển khai đã đầy đủ quy định, quy trình nghiên cứu, nội dung thuyết minh nhưng không đi đến kết quả như dự kiến vì lý do khách quan... thì không phải trả lại kinh phí đã sử dụng. Ngoài ra, cần nghiên cứu kiểm soát việc trục lợi chính sách, bảo vệ danh dự và sự liêm chính của nhà khoa học trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; có cơ chế khen thưởng đối với nhà khoa học...
Tại phiên thảo luận tổ, Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đang triển khai quyết liệt. Muốn phát triển nhanh, bền vững, cần dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Vì vậy, trước hết phải tháo gỡ về mặt thể chế để giải quyết trước mắt một số khó khăn, vướng mắc nhằm đưa Nghị quyết 57 đi ngay vào cuộc sống. Tiếp đến, cần tiến hành sửa một loạt luật liên quan ngân sách, thuế, doanh nghiệp, khoa học công nghệ…
Cùng các chính sách đặc thù, Thủ tướng cho rằng, cần bổ sung các cơ chế đặc biệt. Trước hết là cơ chế cho phát triển kết cấu hạ tầng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, vì hạ tầng hiện nay còn yếu. Nguồn lực lớn nên phải có cơ chế huy động từ hợp tác công tư, doanh nghiệp, xã hội và người dân.
Cùng đó, cần cơ chế đặc biệt cho quản lý, cụ thể như: Đầu tư công, quản lý tư (Nhà nước đầu tư hạ tầng khoa học công nghệ nhưng giao tư nhân quản lý); lãnh đạo công, quản trị tư… Thêm vào đó, có cơ chế đặc biệt cho nhà khoa học và công trình khoa học thương mại hóa. Phân cấp, phân quyền có thể đến tỉnh, thành phố, bộ ngành, thậm chí tới chủ thể liên quan. Xóa bỏ cơ chế xin - cho, giảm thủ tục hành chính để quản lý hiệu quả tổng thể.
Ngoài ra, nếu không có cơ chế đặc biệt bảo vệ người thực hiện, có thể dẫn đến sợ trách nhiệm, đùn đẩy, không muốn làm. Vì thế, cần có thêm cơ chế miễn trừ trách nhiệm khi xảy ra rủi ro cho người thực hiện chứ không chỉ với người thiết kế chính sách.
Các nghị quyết của Đảng khẳng định, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, chúng ta cần có những chính sách chi tiết, cụ thể để hướng dẫn cho Bộ, ngành và địa phương.
Mệnh đề của Nghị quyết 57 là lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, song chuyển đổi số quốc gia là lĩnh vực mang tính thời sự nhất, vì liên quan đến nhiều lĩnh vực như: Số hóa, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, vì vậy cần bổ sung đầy đủ.
Theo bà Trần Thị Nhị Hà (đoàn ĐBQH TP Hà Nội), các Bộ, ngành, địa phương phải dành tối thiểu 20% ngân sách để đặt hàng sản phẩm khoa học công nghệ trong nước. Hằng năm, các Bộ, ngành, địa phương phải ban hành danh mục đặt hàng sản phẩm khoa học công nghệ để các tổ chức, đơn vị Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, thậm chí cá nhân có thể đăng ký tham gia và được hỗ trợ đầu ra sau khi nghiên cứu thành công sản phẩm.