Nghị lực phi thường

GD&TĐ - Thân gửi chú Marcin Oleksy! Như rất nhiều bạn nhỏ khác trên thế giới, cháu rất đam mê và ham thích bộ môn thể thao vua – bóng đá.

Một pha biểu diễn sút bóng ở tư thế khó. Ảnh minh họa: ITN
Một pha biểu diễn sút bóng ở tư thế khó. Ảnh minh họa: ITN

Cháu đã từng thức đêm rất nhiều lần chỉ để xem những trận đấu của FIFA World Cup, Premier League, UEFA Champions League. Sớm hôm sau cháu ngủ muộn và bị mẹ mắng mà không thấy buồn, chú ạ.

Tới đây, cháu cũng sẽ theo dõi đội tuyển nữ Việt Nam thi đấu cùng những đối thủ tầm cỡ thế giới tại FIFA World Cup nữ. Tuy say mê bóng đá đến vậy, nhưng cháu vẫn không hề biết chú, thậm chí cả đội bóng của chú, cho tới khi chú được lọt vào đề cử cho giải thưởng FIFA Puskás (bàn thắng đẹp nhất năm).

Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt cùng hai đối thủ đáng gờm là Dimitri Payet (Pháp) và Richarlison (Brazil), chú đã được cả ban giám khảo và người hâm mộ lựa chọn và vinh danh. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi chú không chỉ là một cầu thủ bóng đá bình thường, mà chú là một cầu thủ bóng đá khuyết tật. Dù rằng, chú chỉ còn một chân và phải chơi bóng cùng với đôi nạng chống, nhưng chú đã không đầu hàng và bỏ cuộc. Sự nỗ lực của chú đã được đền đáp với pha ghi bàn ngả bàn đèn đầy ngoạn mục.

Bàn thắng của Dimitri Payet và Richarlison có thể gọi là siêu phẩm của những cầu thủ bình thường, nhưng bàn thắng của chú còn tuyệt vời hơn thế. Chú đã ghi bàn với động tác tưởng như không thể với một cầu thủ khuyết tật. Chú đã thể hiện cho thế giới thấy rằng bóng đá không chỉ dành cho những người bình thường, mà cho tất cả mọi người; rằng người khuyết tật “tàn mà không phế” và hoàn toàn có thể làm được những điều tuyệt vời, thậm chí hơn cả người bình thường.

Câu chuyện giành Puskas 2022 của Marcin Oleksy đã truyền cảm hứng cho nhiều người. Ảnh: Reuters
Câu chuyện giành Puskas 2022 của Marcin Oleksy đã truyền cảm hứng cho nhiều người. Ảnh: Reuters

Chú biết không, cháu đã rất tò mò không biết xuất phát điểm của chú bắt đầu từ đâu? Ngay khi nghe bản tin về chú, cháu liền bắt tay tra cứu để rồi mắt chữ O mồm chữ A. Trước đây, chú cũng là một con người lành lặn, khỏe mạnh và đang là một công nhân làm đường rất say mê bóng đá. Sau mỗi giờ tan ca ở công trường, chú thường xuyên tham gia các trận đấu, tuy nhỏ thôi, tại các giải hạng ba, hạng tư của Ba Lan. Chú cũng từng chơi ở vị trí thủ môn và thần tượng một trong những huyền thoại thủ môn thế giới – Iker Casillas.

Nhưng, một tai nạn khi chú mới chỉ có 23 tuổi đã xảy ra. Ấy là lúc chú đang thi công trên mặt đường thì một chiếc xe mất lái đã lao tới, khiến rất nhiều dụng cụ nặng rơi xuống và đè nát chân của chú. Mọi việc càng trở nên tồi tệ hơn khi vợ của chú vừa phải chăm lo cho đứa bé sắp sửa ra đời, vừa phải chăm sóc cho chồng.

Rất nhiều người sau khi bị khuyết tật đã mất niềm tin vào cuộc sống, từ đó mang tâm lý chán nản, bi quan tưởng mình là người vô dụng và trở thành gánh nặng cho những người khác. Nhưng chú đã không như vậy. Sau khi chân bị cắt lìa và phải mất 2 năm để lành lại, chú đã ngay lập tức từ bỏ chiếc xe lăn và tập sử dụng nạng để đi lại. Chú cũng quay trở lại với công việc làm đường thân thuộc. Không chỉ thế, chú vẫn nuôi niềm đam mê bóng đá của mình với việc tham gia thi đấu tại giải bóng đá khuyết tật của Bà Lan.

Chú đã từng chia sẻ với mọi người, chú mong muốn một lần được thực hiện một bàn thắng ngoạn mục, vì thế chú đã làm đủ mọi cách để hiện thực hóa giấc mơ đó. Chú đã bắt đầu ca làm đường từ 5 giờ sáng. Thời điểm đó thực sự là rất sớm, chắc chắn rất nhiều người thậm chí còn chưa bước ra khỏi giường, như cháu chẳng hạn. Chú đã chịu vất vả để có thể kết thúc ca làm việc sớm, và cứ đến 3 giờ chiều chú đã gọn gàng và sẵn sàng bắt đầu một trận đấu bóng đá.

Chú chắc chắn đã tập đi tập lại động tác ngả bàn đèn cả ngàn lần, và nỗ lực của chú đã được đền đáp. Từ một đường chuyền của cầu thủ Dawid Novak, chú đã chống chiếc nạng bên trái dưới đất, rồi dùng hết sức lực tung người móc bóng bằng chân phải và ngay sau đó quả bóng đã nằm gọn trong lưới đối thủ. Chính chú cũng đã chia sẻ rằng chú khi đó đã đứng thẳng dậy và ưỡn ngực về phía trước vì quá xúc động với bàn thắng đó.

Cháu chắc chắn rằng với câu chuyện để có được thành quả như ngày hôm nay sẽ là một động lực vô cùng lớn với không chỉ riêng chú, mà còn dành cho tất cả mọi người trên thế giới này. Nếu so sánh chú với Lev Yashin thì cháu chắc chắn cả hai người sẽ có điểm tương đồng khi đều đã đạt được những điều tưởng chừng như không bao giờ xảy ra: Lev Yashin là thủ môn duy nhất đoạt được Quả bóng vàng danh giá, còn chú đã làm rạng danh những người khuyết tật bằng việc trở thành người khuyết tật đầu tiên đoạt được giải Puskás.

Cháu chúc chú sẽ cùng đội bóng của mình gặt hái được thành công trong tương lai. Cháu hi vọng, câu chuyện truyền cảm hứng của chú sẽ là một nguồn khích lệ tinh thần rất lớn cho những người khuyết tật, để từ đó họ có thể vượt qua chính bản thân mình và trở nên có ích với cuộc sống của chính mình.

Tạm biệt chú!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.