Nghị lực phi thường của cô giáo mắc trọng bệnh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cô Nguyễn Thị Mai Liên ở Quảng Bình đã vượt lên bệnh tật, nỗ lực truyền đạt kiến thức cho học trò...

Sau những đợt xạ trị, cô Liên lại nén cơn đau để đến lớp giảng bài cho học trò.
Sau những đợt xạ trị, cô Liên lại nén cơn đau để đến lớp giảng bài cho học trò.

Mang trong mình căn bệnh ung thư vú quái ác, thế nhưng cô Nguyễn Thị Mai Liên, Trường THCS số 1 Đồng Sơn (TP Đồng Hới, Quảng Bình) đã vượt lên bệnh tật, ngày ngày vẫn miệt mài đến trường, nỗ lực truyền đạt kiến thức cho học trò.

Những tai ương bất ngờ

Sinh ra trong gia đình có truyền thống hiếu học nên từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cô học trò Nguyễn Thị Mai Liên đã ước mơ trở thành cô giáo. Bằng nỗ lực của bản thân, ước mơ đó cũng sớm thành hiện thực.

Sau khi tốt nghiệp đại học ngành sư phạm, năm 2001, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Mai Liên được phân công về dạy học tại Trường THCS Sơn Trạch. Đến năm 2005, cô chuyển về dạy tại Trường THCS Bắc Dinh (huyện Bố Trạch). Năm 2006, cô tiếp tục được phân công về công tác tại Trường THCS số 1 Đồng Sơn. Trải qua các đơn vị công tác, bằng tình yêu nghề, niềm đam mê dạy học, cô Liên luôn nỗ lực, tìm tòi, sáng tạo các phương pháp hay để giúp học trò tiếp thu tốt các bài giảng.

Nhiều thế hệ học sinh của cô đã trưởng thành, có công việc ổn định. Thế nhưng, sứ mệnh “gieo chữ” của cô lại gặp vô vàn khó khăn, trắc trở. Khi vào giữa năm 2019, nhận thấy những thay đổi trong cơ thể, linh cảm có điều chẳng lành nên cô đã đến bệnh viện để thăm khám.

Sau khi được các bác sĩ thông báo mắc căn bệnh ung thư vú giai đoạn 3, cô Liên dường như chết lặng. Bởi, cô hiểu rõ những khó khăn, gian nan đang chực chờ và sẽ đến với nghề, cuộc sống của gia đình và cả bản thân cô ở phía trước.

Thế nhưng, bi kịch chưa dừng lại ở đó, sau những tháng ngày thực hiện đợt xạ trị đầu tiên, khi tinh thần còn chưa ổn định, sức khỏe vẫn yếu, thì cô lại hay tin chồng bị bệnh tim phải nhập viện mổ. Và đến tháng năm 2021, căn bệnh ung thư của cô lại tái phát phải mổ và điều trị lần 2. Mệt mỏi vì những đợt xạ trị đau nhức cơ thể tưởng chừng khiến cô gục ngã, thế nhưng, vượt lên tất cả, nữ nhà giáo đã kiên cường chống lại căn bệnh quái ác và nỗ lực truyền tải kiến thức cho học trò.

Cô Liên cho biết, khi phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo, bản thân rất hoang mang và suy sụp tinh thần. Thế nhưng, được chồng con, ban giám hiệu, các thầy, cô giáo và học sinh động viên, cô đã phấn chấn hơn và kiên cường đấu tranh với bệnh tật để được tiếp tục đứng trên bục giảng dạy học cho trò.

“Nghĩ đến học sinh đang chờ đợi tôi ở từng lớp học, nghĩ đến 2 con nhỏ đang tuổi ăn học, tôi tự nhủ bản thân phải vượt lên chính mình. Thế nên, tôi đã kiên trì tập luyện, thực hiện chế độ ăn kiêng, cân bằng tinh thần bằng cách quên đi bệnh tật, say sưa với những giờ dạy trên lớp, tập trung vào chuyên môn cũng như chăm sóc tốt cho gia đình.

Mỗi lần lên lớp, tôi cảm thấy bản thân mình như được tiếp thêm sức mạnh để chống lại bệnh tật. Bản thân luôn dành tâm huyết, nỗ lực, cố gắng để truyền đạt kiến thức cho các em. Hiểu được sự vất vả của cô, học trò đều chăm ngoan, càng khiến tôi thêm quyết tâm hơn để mang đến cho các em những bài giảng tốt nhất”, cô Liên tâm sự.

Cô Liên trong những đợt xạ trị bệnh.
Cô Liên trong những đợt xạ trị bệnh.

Tình yêu nghề, yêu trò vượt lên nghịch cảnh

Sau mỗi đợt xạ trị, cô Liên lại trở về nhà và lên lớp đều đặn để giảng bài cho trò. Có những lần xạ trị khiến mái tóc dài của cô rụng hết, rồi những khi “trái gió, trở trời” những cơn đau hành hạ, phải cố gắng lắm, cô mới có thể hoàn thành được giáo án cho bài giảng ngày mai.

“Có những lúc tưởng chừng mình không thể nào gắng gượng được nữa và không thể tiếp tục lên lớp giảng dạy. Nhưng rồi cứ tự nhủ rằng, chỉ cần mình kiên trì nỗ lực và có tinh thần thoải mái thì bệnh tật cũng sẽ dần dần tan biến. Và khi đứng trên bục giảng, say sưa với những bài dạy, bản thân quên đi những cơn đau và lo âu thường ngày. Học trò chính là nguồn động viên giúp mình kiên cường hơn”, cô Liên trải lòng.

Em Phan Thị Lam Giang, học sinh lớp 8A4, Trường THCS số 1 Đồng Sơn, tâm sự: “Khi biết cô Liên bị mắc bệnh hiểm nghèo, chúng em ai cũng buồn, thương cô lắm. Thế nhưng, qua những đợt điều trị, cô lại đến lớp, chúng em được nghe cô giảng bài. Em cũng như các bạn tự nhủ, sẽ nỗ lực cố gắng học thật tốt để không làm cô buồn lòng”.

Mặc dù mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, thế nhưng bằng sự lạc quan, ý chí vươn lên trong cuộc sống đã tạo niềm tin giúp cô Liên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được phân công. Nhiều học sinh của trường được cô bồi dưỡng đã đạt thành tích cao trong các cuộc thi cấp thành phố, tỉnh. Các con của cô cũng đều chăm ngoan, học giỏi.

Cô Lê Thị Minh Lý, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Cô Liên công tác tại trường đã nhiều năm, có chuyên môn tốt. Trong dạy học, cô luôn nỗ lực mang đến cho học trò các bài giảng hay, dễ hiểu. Là người sống tình cảm, hòa đồng nên cô luôn được đồng nghiệp và học trò quý mến.

Từ khi bị bệnh đến nay, nhà trường thường xuyên quan tâm và động viên, chia sẻ đến cô và gia đình. Mặc dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhưng cô Liên luôn kiên cường đấu tranh với bệnh tật và nỗ lực, cố gắng trong công tác dạy học”.

Vừa qua, cô Nguyễn Thị Mai Liên cùng với 25 giáo viên ở Quảng Bình vinh dự được nhận máy tính từ Chương trình “Cùng Danisa tri ân người trồng cây, chung tay trao laptop” do Nhãn hàng bánh quy bơ Danisa phối hợp với Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức. Cô Liên cho hay, món quà tri ân từ chương trình là nguồn động viên lớn lao, giúp cô có thiết bị để phục vụ tốt hơn cho công tác dạy học, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng bài giảng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ