Nghị lực của chàng trai nghèo mắc bệnh về máu Hemophilia

GD&TĐ - Gần 18 năm 'sống chung với lũ', cậu học trò Đỗ Xuân Thành (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) ao ước bệnh tình thuyên giảm, để viết tiếp giấc mơ đại học.

Cậu học trò Đỗ Xuân Thành (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) bên bà nội của mình. Ảnh: LT.
Cậu học trò Đỗ Xuân Thành (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) bên bà nội của mình. Ảnh: LT.

Tuổi thơ bất hạnh

Ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ của chàng trai nghèo xứ Thanh nằm ở cuối thôn Hàm Ninh, xã Hoằng Trạch (Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Dưới cái nắng heo hắt của những ngày đầu Thu, cậu học trò tập tễnh lê từng bước chân nặng nề, miệng gắng gượng nở nụ cười.

Gần 18 năm qua, Thành không đếm nổi số lần vào, ra bệnh viện bởi căn bệnh về máu. Có thời điểm, bệnh tình tái phát liên tục, khiến các khớp tay, chân của cậu học trò sưng phù như quả táo. “Mỗi lúc như vậy, gia đình lại tức tốc theo con vào bệnh viện”, chị Đỗ Thị Phương (mẹ của Thành), nghẹn ngào.

Thành được chẩn đoán mắc bệnh về máu Hemophilia năm 2007, khi mới tròn 3 tuổi. Trong một lần chơi đùa, Thành không may té ngã khiến răng cắn phải lưỡi. Thấy máu chảy nhiều, chị Phương vội vã đưa con nhập viện. Sau một tuần điều trị, nhưng vết thương vẫn rỉ máu. Tình thế nguy cấp, bệnh viện buộc phải chuyển tuyến ra trung ương.

Gần 2 tháng tích cực điều trị, vết thương mới chịu lành lại. Tuy nhiên, bệnh tình vẫn có thể chuyển biến xấu bất cứ lúc nào, thậm chí là teo cơ và cứng khớp. “Nhìn con xanh xao vì mất máu, tôi gần như suy sụp”, người mẹ trải lòng.

Cậu học trò Đỗ Xuân Thành (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) nghẹn ngào khi chia sẻ về bệnh tình. (Ảnh: LT).

Cậu học trò Đỗ Xuân Thành (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) nghẹn ngào khi chia sẻ về bệnh tình. (Ảnh: LT).

Kể từ ngày phát hiện ra bệnh tình, cậu học trò chẳng dám chơi đùa như đám bạn trong xóm. Bởi, nếu không may té ngã chảy máu cũng đồng nghĩa với sự sống bị uy hiếp.

“Nhìn đám con trai trong xóm chơi bóng mà em phát thèm. Không thể chơi nhưng cũng không ai dám chơi cùng mình, em chỉ đành tìm niềm vui qua trang sách”, Thành nức nở.

Cậu học trò có dáng người cao ráo, nhưng đôi mắt thoáng buồn sau lớp kính cận. Thành bảo, dù là chàng trai khá sôi nổi, song hễ ai “chạm đúng mạch” thì nước mắt cứ thế tuôn rơi.

“Đến giờ, em không thể quên được những cơn đau quằn quại đến chết đi sống lại. Có tháng em phải vào ra bệnh viện tới 4 lần để tiêm thuốc", cậu nghẹn ngào.

Trung bình mỗi đợt điều trị từ 3-5 ngày, nên gần như Thành không có nhiều thời gian dành cho việc học. Dù vậy, cậu học trò luôn nỗ lực, và chưa bao giờ có ý định từ bỏ việc học. Cứ lúc nào thấy khỏe mạnh, Thành lại tranh thủ học bài, chỗ nào chưa hiểu thì hỏi thêm thầy cô và bạn bè. Nhờ vậy, suốt 3 năm cấp 3, Thành luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện.

Nuôi ước mơ trở thành kỹ sư công nghệ

Gần 18 năm chiến đấu với bệnh tật, với Thành điểm tựa tinh thần chính là bố. Trước đây, bố của cậu vẫn là trụ cột trong gia đình. Hàng ngày, ông đi làm thuê cho một công ty gạch cách nhà chừng 15km.

Tuy nhiên, khoảng 3 năm nay sức khỏe của ông giảm sút, lại mắc thêm bệnh tắc nghẽn mạch phổi nên bữa làm, bữa nghỉ. Trong khi đó, bà nội của Thành tuổi đã cao, bệnh tật triền miên. Hiện, mọi chi tiêu sinh hoạt của cả nhà đều phụ thuộc vào đồng lương công nhân ít ỏi của mẹ.

Thành là trường hợp được đặc cách thi tốt nghiệp của lớp 12A7, Trường THPT Hoằng Hóa 4 (Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Vì vậy, cậu học trò quyết định xét tuyển vào ngành Kỹ thuật điện tử viễn thông, Trường Đại học Thủy lợi bằng điểm học bạ.

Căn nhà cấp 4 cũ kỹ của gia đình cậu học trò. (Ảnh: LT).

Căn nhà cấp 4 cũ kỹ của gia đình cậu học trò. (Ảnh: LT).

Nửa tháng trước, trường đại học đã gửi giấy báo trúng tuyển về nhà. Cầm giấy báo trúng tuyển trên tay, Thành rưng rưng nước mắt, bởi ước mơ vào giảng đường đại học đã thành hiện thực.

Cậu lựa chọn ngành học này vì đam mê công nghệ. Thành từng mày mò tháo vài chiếc điện thoại cũ để tìm hiểu linh kiện và cách thức hoạt động bên trong. “Vì không thể chơi các môn thể thao mạnh, em dành thời gian đọc sách và mày mò về công nghệ. Đến giờ, em tự tin có thể viết được lập trình cơ bản”, nam sinh bộc bạch.

Chia sẻ về ước mơ của mình, cậu học trò tâm sự: “Em chỉ mong sao bệnh tình thuyên giảm để tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình”.

Nói về cậu học trò, cô Ngô Thị Hoài (giáo viên chủ nhiệm) cho biết, Thành là học sinh thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh éo le. Bản thân em cũng mắc bệnh về máu phải vào viện điều trị hàng tháng. Mặc dù vậy, Thành rất nỗ lực vươn lên và chưa bao giờ có ý định từ bỏ việc học.

“Ngay từ lớp 10, sau khi nắm bắt được hoàn cảnh của em, nhà trường và thầy cô luôn tạo mọi điều kiện và miễn giảm các khoản đóng góp. Trước khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp, em cũng tâm sự sẽ cố gắng vào đại học”, cô Hoài chia sẻ.

Mọi thông tin và hỗ trợ vui lòng liên hệ Tòa soạn Báo GD&TĐ: Số 15 - Hai Bà Trưng - Q.Hoàn Kiếm - Hà Nội. Điện thoại: 024 3936 9800.

Hoặc: Văn phòng đại diện thường trú báo Giáo dục và Thời đại khu vực Bắc Trung Bộ. Địa chỉ: Số 2, ngõ 5 đường Nguyễn Biểu, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.

Tên TK: Văn phòng đại diện thường trú báo Giáo dục và Thời đại khu vực Bắc Trung Bộ. Số TK: 111601684999. Ngân hàng Vietinbank.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.