Các vị vua nước Việt mất vì bệnh gì?

GD&TĐ - Theo thống kê, các vị vua Việt Nam có tuổi thọ trung bình là 44 tuổi. Vậy các vị vua thường mắc bệnh gì mà mất?

Hình vẽ những người hầu cận bên vua thời phong kiến. Ảnh minh họa.
Hình vẽ những người hầu cận bên vua thời phong kiến. Ảnh minh họa.

Vị vua qua đời mang nhiều tai tiếng nhất là Lê Long Đĩnh. “Đại Việt sử ký toàn thư” viết: “Mùa Đông, tháng 10, ngày Tân Hợi, vua băng ở tẩm điện, gọi là Ngọa Triều, vì vua mắc bệnh trĩ phải nằm mà coi chầu (dã sử chép: Vua say đắm tửu sắc phát ra bệnh trĩ)”. Đó là năm 1009, lúc đó vua Lê Long Đĩnh mới 24 tuổi.

Như vậy chính sử không viết rõ vua Lê Long Đĩnh chết vì bệnh gì. Việc nhà vua bị bệnh trĩ đến mức không ngồi được có thể xảy ra, nhưng trĩ không phải là căn bệnh có thể dẫn đến cái chết của nhà vua.

Đến nay, nhiều chuyên gia lịch sử cũng như y tế đang lật ngược lại câu chuyện về vua Lê Long Đĩnh, xem có phải những câu chuyện trên là do triều Lý tung ra để bôi nhọ vua của triều đại trước nhằm làm rõ tính “chính danh” của triều đại mình không. Bởi vì chính sử viết, chỉ trước khi qua đời có 4 tháng, vua Lê Long Đĩnh vẫn tự đem quân đi đánh châu Hoan Đường, Thạch Hà (vùng Nghệ An ngày nay), chứng tỏ sức khỏe của nhà vua rất tốt.

Một vị vua nữa có cái chết hiện vẫn nằm trong bí ẩn lịch sử, là vua Lê Thái Tông. Sự kiện diễn ra vào năm 1442. Sử viết: “Ngày 27 tháng 7 (âm lịch), vua đi tuần về miền Đông, duyệt quân ở thành Chí Linh. Nguyễn Trãi mời hoàng đế ngự chùa Côn Sơn, ở quê hương của Nguyễn Trãi.

Đến ngày 4 tháng 8 âm lịch (tức 7 tháng 9 dương lịch), Lê Thái Tông đi chơi ở vườn Vải, xã Đại Lại ven sông Thiên Đức. Tại đây hoàng đế thức suốt đêm với vợ Nguyễn Trãi là Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ rồi qua đời. Các quan bí mật đưa thi hài về kinh sư rồi mới phát tang. Trong kinh, mọi người đều cho là Thị Lộ giết hoàng đế”.

Như vậy, chính sử cũng không nói rõ nguyên nhân vì sao vua Lê Thái Tông ra đi khi chỉ mới được 19 tuổi. Vì bị “cho là giết hoàng đế”, mà cả gia đình vị khai quốc công thần Nguyễn Trãi bị tru di tới cả ba họ, để lại nỗi oan mãi đến muôn đời. Các câu chuyện về việc vua Thái Tông chết vì “thượng mã phong” đều chỉ là lời đồn đại trong dân gian.

Lê Thánh Tông là vị vua vĩ đại trong lịch sử nước ta, không chỉ với những di sản văn hóa nhà vua để lại mà còn qua những võ công hiển hách. Tuy nhiên, vào tháng 3 năm 1497, khi vị vua anh minh này qua đời ở tuổi 55, cái chết của nhà vua cũng để lại nhiều nghi vấn cho hậu thế.

Theo ghi chép của sử thần Vũ Quỳnh, thì “vua nhiều phi tần quá, nên mắc bệnh nặng”, ám chỉ vua mắc bệnh vì quan hệ với phi tần quá độ. Tuy nhiên, vào thế kỷ XV, một người đàn ông ở tuổi 55 đã là già, khó có thể “quan hệ quá độ” với phi tần. Trước khi nhà vua qua đời một năm, vào tháng 2 năm 1496, ông còn đi ngự thuyền về Lam Kinh bái yết các lăng tẩm. Trải qua hành trình này dài khoảng 130 km này, chứng tỏ khi đó sức khỏe của vua vẫn còn tốt.

Phần ghi chép tiếp theo của Vũ Quỳnh đem lại nhiều manh mối hơn cho hậu thế, ông viết: “Trường Lạc hoàng hậu bị giam ở cung khác, đến khi vua ốm nặng mới được đến hầu bệnh, bèn ngầm giấu thuốc độc trong tay mà sờ vào chỗ lở, bệnh vua do vậy mới lại thêm nặng”.

Qua ghi chép này, người ta đoán rằng vua Lê Thánh Tông có thể bị bệnh phong thũng. Còn chuyện Trường Lạc hoàng hậu hạ độc nhà vua nhiều khả năng cũng chỉ là nghi vấn, vì nếu triều đình biết rõ như vậy, khó có thể hiểu vì sao bà vẫn không bị xử tử.

Một số nhà nghiên cứu lịch sử, như Tạ Chí Đại Trường, đoán rằng các vết lở loét trên cơ thể nhà vua là triệu chứng của bệnh giang mai. Nếu vậy, thì cái nguyên nhân “vua quan hệ quá độ với các phi tần” mà Vũ Quỳnh nêu ra mới có lý. Nhiều khả năng, trong số phi tần, cung nữ của Lê Thánh Tông có cả các cung nữ Chiêm Thành mà quân đội nhà Lê bắt được trong các cuộc chinh phục trước đó.

Cái chết của vua Trần Minh Tông cũng là một trường hợp khá hiếm trong lịch sử nước ta. Nhường ngôi cho con (Trần Hiến Tông) từ năm 1329 để làm Thái thượng hoàng, đến mùa thu năm 1356, Trần Minh Tông đi chơi đền Huệ Vũ vương Trần Quốc Chẩn ở núi Huệ Vũ, Kiệt Đặc, Hải Dương; lúc trở về, có con ong vàng đốt phải má bên trái, từ đó ngài phát bệnh rồi qua đời, thọ 57 tuổi.

Còn vua Trần Dụ Tông, vị vua từng “chết đi sống lại” khi lúc nhỏ bị chết đuối, được thầy thuốc Trâu Canh cứu sống, nhưng bị liệt dương, cũng được vị thầy thuốc này chữa khỏi. Đến năm 1369, Trần Dụ Tông qua đời ở tuổi 34, sử không nói ông mắc bệnh gì, tuy nhiên, do di chứng tai nạn lúc nhỏ, vị vua này không có con.

Trong khi đó, vị chúa khởi nguồn các đời chúa Nguyễn, vua Nguyễn là Nguyễn Hoàng qua đời vị bị đầu độc qua đường thực phẩm. Sử nhà Nguyễn, sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” viết: “Đại quân tiến đóng Yên Mô, hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đón mời Triệu Tổ Tĩnh hoàng đế ta đến chơi quân doanh của hắn. Nhân đương nắng nóng, Chấp Nhất mời Triệu Tổ ăn dưa; trúng độc, khi trở về quân doanh, Triệu Tổ thấy người bải hoải khó chịu, rồi mất. Vua Lê xuống chiếu tặng phong là Chiêu Huân Tĩnh công, đặt tên thụy là Trung Hiến, đem về táng tại núi Thiên Tôn ở Bái Trang thuộc huyện Tống Sơn, tức nay xã Hà Long, huyện Hà Trung, Thanh Hóa ngày nay”.

Duy nhất có vua Lê Thần Tông, sử ghi rõ vua mắc bệnh ung thư và qua đời năm 1662. “Toàn thư” viết: “Tháng 9, vua nhiễm bệnh ung thư, xuống chiếu đổi niên hiệu là Vạn Khánh. Đại xá”. Sau khi chỉ dụ cho chúa Trịnh là Tây vương Trịnh Tạc tôn lập Hoàng thái tử, sử viết “Ngày 22 tháng 9, vua băng”. Vua Lê Thần Tông thọ 55 tuổi và là vị vua Việt Nam duy nhất hai lần lên ngôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.