Theo đó, các thầy cô giáo dạy mầm non, thể dục có thể nghỉ hưu sớm ở tuổi 57 với nam và 55 với nữ.
Lương thấp, áp lực nhiều
Lương thấp, chính sách hỗ trợ chưa thực sự phù hợp, công việc áp lực, thường xuyên phải làm thêm giờ đã và đang là rào cản với việc nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ. Theo NGƯT Đặng Lộc Thọ (Tiểu ban GDMN – Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực), mức lương như hiện nay từ 4,1 đến khoảng 4,5 triệu đồng/tháng, sau khi trừ tiền đóng bảo hiểm, là quá thấp. Trong khi đó, những áp lực mà họ phải đối mặt là không hề nhỏ. Các cô giáo vừa phải dạy, vừa phải chăm trẻ rất vất vả, áp lực công việc cực cao.
NGND Lưu Xuân Giới – nguyên Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, chia sẻ: Đặc thù công việc của cô giáo mầm non là chăm sóc, dạy dỗ trẻ. Đi sớm về muộn, chăm ăn lo ngủ, soạn giáo án, làm đồ dùng dạy học vừa vất vả cho các cô giáo lại thêm khó bảo đảm chất lượng nuôi dạy vì ở tuổi 50, các cô khó còn khỏe mạnh, năng động như giáo viên mới vào nghề. Tôi cho rằng, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sớm với nhóm này là hợp lý.
Những bất hợp lý về độ tuổi nghỉ hưu của GVMN đã được nhà giáo và đơn vị chức năng nêu ý kiến. Theo ông Nguyễn Ngọc Ân, Phó Chủ tịch Công đoàn GD Việt Nam, phân tích cho thấy từ 55 tuổi trở đi, GVMN bị hạn chế khi thực hiện các thao tác chuyên môn như múa, hát, hướng dẫn hoạt động thể lực, chạy, nhảy thị phạm học sinh. Đặc biệt, chương trình GDMN không chỉ bó hẹp ở chăm trẻ, còn phải đáp ứng được yêu cầu của nhiều chương trình chuẩn quốc tế cũng trở thành thách thức với các cô giáo cao tuổi.Ngoài ra, định mức quy định và thực tế giờ làm việc của giáo viên mầm non có khoảng cách. Giờ làm việc trung bình của các cô 10 tiếng mỗi ngày. Cường độ làm việc cao, sức ép từ việc giữ an toàn đến chất lượng giảng dạy căng thẳng kéo dài làm khiến sức khỏe các cô giảm sút nhanh, nghiêm trọng theo thời gian.
Giảm tuổi nghỉ hưu, nâng chất nuôi dạy
Cô Chu Thị Dung - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hải Tân, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, chia sẻ: GVMN vất vả, lên chức bà nội bà ngoại ở nhà rồi mà vẫn phải chăm 20 học sinh từ sáng đến chiều quá nặng nhọc. Nào là đón trẻ đi học, chăm cho ăn, ngủ, rồi soạn giáo án, làm đồ dùng dạy học. GVMN quá quen với việc đi làm từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối mới về đến nhà. Ai cũng muốn nghỉ hưu ở độ tuổi 55, thậm chí có người chưa đủ năm đóng bảo hiểm vẫn xin nghỉ và tự đóng cho đủ.
Từ thực tế địa phương, bà Nguyễn Thị Vy - Trưởng phòng GDMN, Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái, cho rằng: Số giờ làm việc thực tế của GVMN tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn vượt quá nhiều so với quy định (làm việc từ 9 - 10 giờ/ngày) nhưng nhiều khi không được chi trả tiền dạy vượt giờ.
Nói về việc này, PGS.TS Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT) cho rằng: Bộ GD&ĐT cũng chia sẻ với khó khăn này của GVMN. Tuy nhiên, để thực hiện phụ thuộc vào Luật Lao động và các quy định khác. Thời gian qua, Bộ có những đề xuất, kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về chế độ làm việc, định mực giáo viên/lớp của GVMN; bổ sung quy định về chế độ làm thêm giờ, chế độ trực trưa với GVMN, điều chỉnh lại hạng ngạch GVMN phù hợp với Luật Giáo dục 2019… Mong rằng, sẽ có những điều chỉnh phù hợp để động viên khích lệ GVMN yêu nghề và góp phần nâng cao chất lượng nuôi dạy.