Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ đã ban hành các Thông tư liên tịch số: 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV; 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV; 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV về quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên mầm non, tiểu học và THCS công lập.
Theo quy định xếp lương theo tiêu chuẩn chức danh tại các thông tư này, chế độ lương của giáo viên mầm non, tiểu học và THCS mới vào ngành rất thấp, chưa tương xứng với trình độ đào tạo và công việc được giao. Đề nghị Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ xem xét, ban hành các thông tư thay thế, tránh thiệt thòi cho đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học và THCS như hiện nay.
Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Theo quy định của Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục năm 2009, trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học là trung cấp nên việc xếp lương được áp dụng bảng lương viên chức loại B (hệ số lương khởi điểm 1,86); giáo viên THCS là cao đẳng được áp dụng bảng lương viên chức loại A0 (hệ số lương khởi điểm 2,10).
Luật Giáo dục năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2020) quy định trình độ chuẩn của giáo viên mầm non là cao đẳng; tiểu học, THCS và THPT là đại học. Theo đó, lương khởi điểm của giáo viên mầm non sẽ được áp dụng theo bảng lương của viên chức loại A0 (hệ số từ 2,10 - 4,89); giáo viên tiểu học, THCS và THPT được áp dụng theo bảng lương của viên chức loại A1 (từ hệ số lương 2,34 - 4,98). Như vậy, về áp dụng bảng lương, giáo viên mầm non, tiểu học, THCS (theo trình độ chuẩn được đào tạo trong Luật Giáo dục 2019) có sự thay đổi đáng kể về hệ số lương khởi điểm và mức trần của hệ số lương.
Bộ GD&ĐT đang phối hợp với Bộ Nội vụ tiến hành xây dựng các Thông tư quy định mã số tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương với giáo viên mầm non, phổ thông để thay thế các Thông tư liên tịch quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông hiện hành nhằm bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Giáo dục năm 2019 về trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên các cấp học.