Nhận diện nguy cơ
Cô Phạm Thị Hiển, phụ trách Phòng Tâm lý học đường Trường liên cấp Tây Hà Nội (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) dẫn ý kiến chuyên gia tâm lý: Nghỉ học dài và hay ở nhà một mình dễ dẫn đến nguy cơ trẻ bị ảnh hưởng tâm lí và sự phát triển, như stress, trầm cảm, nghiện tivi, điện thoại, mất an toàn ngay tại nhà… Do khó thích nghi khi không được làm những điều quen thuộc, trẻ trở nên trầm lắng, ít nói chuyện và lười hoạt động.
Là Thạc sĩ Tâm lý học, cô Tô Thị Hoan, Phòng Tham vấn tâm lý, Trường Olympia (Hà Nội) nhận định: Dịch bệnh là rào cản làm giảm cơ hội cho trẻ được kết nối xã hội với nhiều người. Sự thiếu hụt các kết nối xã hội tích cực sẽ tác động đến sự lo lắng, căng thẳng của trẻ. Trẻ cũng giảm cơ hội được trải nghiệm những hoạt động thú vị, hữu ích tại các khu du lịch, hay trung tâm vui chơi, giải trí; tham gia các trại hè… như thường lệ.
“Nhiều phụ huynh sẽ chỉ còn cách để con ở nhà mà không có sự theo sát trong cả mùa hè. Tình huống này có thể tạo nguy cơ tiềm ẩn cho những hành vi không mong đợi, hoặc thói quen không lành mạnh của trẻ. Trẻ có thể sử dụng các thiết bị điện tử quá mức khi ở nhà; hoặc có những thói quen ăn uống, ngủ nghỉ và vui chơi thiếu lành mạnh, như: Ăn đồ ăn vặt không tốt, ăn quá nhiều hoặc quá ít, ngủ quá nhiều hoặc quá ít, thời gian ngủ nghỉ và vui chơi không phù hợp… Đặc biệt, nhiều phụ huynh vì lo lắng cho sức khỏe của con nên “cấm túc” nghiêm ngặt có thể cũng khiến trẻ căng thẳng hơn” - cô Tô Thị Hoan cho hay.
Cần sự đồng hành của cha mẹ
Chia sẻ dưới góc độ một phụ huynh có 2 con nhỏ, cô Vũ Thị Anh, giáo viên Trường THPT Ân Thi (Ân Thi, Hưng Yên) cho biết, đã lên kế hoạch hoạt động cho con và thực hiện bước đầu thấy khá hiệu quả. Theo đó, gia đình cùng lên lịch hàng ngày, thời gian được xem tivi và sử dụng điện thoại tối đa không quá 3 tiếng. Đồng thời, các con được hướng dẫn, tham gia làm việc giúp gia đình: Quét nhà, lau nhà, nhặt rau, rửa bát, phụ mẹ nấu cơm... Chiều sau khi ngủ dậy sẽ cùng chơi cờ cá ngựa, ô ăn quan, nhảy dây. Duy trì tập thể dục, như đánh cầu lông, đi bộ quanh sân.
“Các con đều có sở thích chung là đọc truyện tranh, sách về khoa học (10 vạn câu hỏi vì sao, Bách khoa tri thức phổ thông), sách kỹ năng sống... nên buổi tối các con đọc sách và sẽ đi ngủ vào khoảng 22 giờ” - cô Vũ Thị Anh chia sẻ.
Nhấn mạnh vai trò của gia đình trong thời gian này, cô Phạm Thị Hiển cho rằng: Bố mẹ nên thường xuyên nói chuyện, lắng nghe, tìm hiểu mong muốn của con. Bên cạnh hướng dẫn con kỹ năng an toàn khi ở nhà, cha mẹ không nên cấm đoán một cách áp đặt việc sử dụng các thiết bị điện tử. Hãy giao cho các con lập thời gian biểu hàng ngày: Thể dục thể thao, giúp đỡ bố mẹ việc nhà, học tập và giải trí; có thỏa thuận thực hiện và thưởng phạt rõ ràng để con có trách nhiệm, đặc biệt đối với các bạn lớn….
Ngoài ra, trẻ cũng rất cần sự đồng hành của thầy cô. Bởi vậy, giáo viên chủ nhiệm bên cạnh quan tâm, hỏi han, sẵn sàng hỗ trợ, có thể giao cho học sinh một số bài tập, như: Mỗi ngày dành một tiếng tập thể dục, thể thao (khuyến khích quay video để chia sẻ với các bạn trong nhóm lớp); tự tay nấu bữa cơm cho gia đình; làm một việc tốt, có ý nghĩa; đọc một cuốn sách hay; viết nhật kí năm học…
Cân bằng: Thân - tâm - trí
Dưới góc độ chuyên gia, lời khuyên của PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội, cha mẹ giúp trẻ xây dựng lịch sinh hoạt mới. Lịch sinh hoạt phải có sự cân bằng và phù hợp cả phần thân (hoạt động thể chất, bảo đảm sức khỏe); phần tâm (hoạt động hướng đến kết nối quan hệ xã hội, thỏa mãn những giá trị, sở thích giúp thư giãn) và phần trí (những hoạt động mang tính kích thích tư duy phản biện và đổi mới sáng tạo).
Để con hứng thú với kế hoạch mới này, trẻ phải là người tự xây dựng. Cha mẹ chỉ định hướng những ý tưởng thú vị cho các hoạt động. Ví dụ như nhảy múa với huấn luyện viên YouTube, hoặc chăm sóc vườn hoa hồng cho phần “thân”; gọi điện hỏi thăm họ hàng, chơi với em, chọn nghe một bản nhạc yêu thích cho phần “tâm”; hay “làm một món đồ đơn giản theo hướng dẫn trên YouTube” hay “học cách làm xà phòng tại nhà” cho phần “trí”.
Cha mẹ dẫu không ở nhà nhưng vẫn có thể quản lý việc sử dụng mạng Internet của con bằng các ứng dụng giới hạn thời gian và thông báo cho bố mẹ những nguy cơ, ví dụ như truy cập vào trang web đen, các trò chơi online hoặc bị bắt nạt trên mạng. Cha mẹ có thể dành thời gian để nói với con về các nguy cơ trên mạng, một số kỹ năng bảo vệ bản thân an toàn và trao đổi rõ với con về các giải pháp cha mẹ đang thực hiện là nhằm bảo đảm sự an toàn của trẻ.
Cũng theo PGS Trần Thành Nam, trẻ sẽ hình thành thói quen tự quản mùa hè tốt hơn nếu thường xuyên được ghi nhận và khen thưởng. Vì vậy, cha mẹ cần hào phóng lời khen với con trong giai đoạn này. Mỗi buổi chiều khi về nhà hãy dành 5 - 10 phút không có điện thoại, chỉ tập trung vào trẻ, hỏi những gì trẻ đã thực hiện trong ngày để thừa nhận, khen ngợi trẻ bằng những lời động viên tích cực, những cái ôm, những cái đập tay...