Nghỉ hè thời Covid: Chăm lo, giáo dục trẻ em bằng việc làm thiết thực

GD&TĐ - Theo các đại biểu Quốc hội khóa XIV, bên cạnh việc chăm lo, giáo dục, trẻ cần được bảo vệ bằng hệ thống pháp luật đồng bộ...

Chăm sóc và giáo dục trẻ em cần phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội. Ảnh: TG.
Chăm sóc và giáo dục trẻ em cần phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội. Ảnh: TG.

Thời gian qua tình trạng xâm hại trẻ em vẫn xảy ra nghiêm trọng ở nhiều nơi, với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. 

Quyền được giáo dục, học tập

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nhìn nhận: Cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã có chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Qua đó, các quyền của trẻ em được thực hiện ngày càng tốt hơn như: Quyền bảo vệ, chăm sóc sức khỏe; quyền được giáo dục, học tập, phát triển năng khiếu, quyền bí mật đời sống riêng tư.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình trạng xâm hại trẻ em vẫn gây nhức nhối, không chỉ diễn ra ở vùng sâu, vùng xa, mà còn trên các địa bàn kinh tế, xã hội phát triển. Thực trạng này đang là vấn nạn để lại hậu quả nặng nề không chỉ đối với bản thân người bị hại, mà còn ảnh hưởng cả gia đình và xã hội.

Theo đại biểu Lưu Thành Công (đoàn Vĩnh Long), chăm lo, giáo dục, bảo vệ trẻ em cần gắn với vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị cơ sở và chính quyền các cấp. Trong đó cần quan tâm nhiều hơn đối với các gia đình yếu thế, hình thành những gia đình lành mạnh, an toàn để bảo vệ tốt nhất cho trẻ em.

Tuy nhiên, chính quyền ở một số địa phương còn thờ ơ, chưa đặt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ trẻ em lên hàng đầu, chưa quan tâm đúng mức đến công tác trẻ em. Do đó, tới đây cần có những quy định cụ thể về trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp.

Theo đó, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi những quyền lợi của trẻ em không thực hiện, thiếu quan tâm để xảy ra những vụ xâm hại nghiêm trọng đối với trẻ em. Đại biểu kiến nghị, Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu thêm về công tác cán bộ trẻ em các cấp.

Kiểm tra, rà soát lại để có chỉ đạo thống nhất trong các địa phương trên toàn quốc. Các huyện phải có cán bộ làm chuyên trách về công tác trẻ em, không kiêm nhiệm như hiện nay. Nhất thiết mỗi cơ sở phải có cán bộ chăm sóc trẻ em, có thể là cán bộ chuyên trách hoặc không chuyên trách, nhưng chăm sóc trẻ em là nhiệm vụ chính, sau đó mới kiêm nhiệm những nhiệm vụ khác.

Trẻ em được giáo dục, học tập, vui chơi và phát triển toàn diện. Ảnh: TG.

Trẻ em được giáo dục, học tập, vui chơi và phát triển toàn diện. Ảnh: TG.

Xây dựng “ngôi nhà an toàn” cho trẻ

Cho rằng, xây dựng chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em phải như xây một “ngôi nhà an toàn” để bảo vệ trẻ, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) đề xuất: Trước mắt, phải bắt đầu từ việc xây dựng nền móng, mà ở đó cần đầu tư nguồn lực, quy định rõ ràng trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân đối với trẻ, đặc biệt là nhận thức đầy đủ của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về công tác này.

Tiếp đó, xây dựng 3 trụ cột cơ bản là nhóm chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em; chăm sóc, giáo dục trẻ em và hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Cuối cùng là “mái nhà”, gồm những quy định pháp luật về quyền và bổn phận của trẻ, là yêu cầu bảo vệ trẻ em ở 3 cấp độ: Ngăn ngừa, hỗ trợ và can thiệp.

“Trong các yếu tố cơ bản trên, cần đặc biệt quan tâm, chú trọng xây dựng nền móng vững chắc. Bởi nếu nền móng lung lay sẽ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất an toàn đối với trẻ” – đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nhấn mạnh, đồng thời cho rằng: Cần ưu tiên các nhóm giải pháp về thể chế, chính sách mang tính nền tảng. Qua đó, sẽ tạo nên nền móng cho ngôi nhà bảo vệ trẻ em được vững chắc.

Ngoài ra, cần đầu tư thích đáng về con người, chăm lo, giáo dục nâng cao giá trị con người. Mặt khác, đầu tư đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em, trực tiếp làm công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.

Bên cạnh đó, cần có hình thức xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người đứng đầu, các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương nếu để xảy ra tình trạng xâm hại trẻ em. Đồng thời, tăng cường nguồn lực chính đáng cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng; trong đó có việc ban hành các chính sách xã hội dành cho trẻ em yếu thế, bị thương tổn, phát triển công tác xã hội trong trường học, chứ không chỉ dừng lại ở việc tư vấn, hỗ trợ tâm lý.

Theo đại biểu K’sor H’Bơ Khăp (đoàn Gia Lai), cần tập trung vào việc giáo dục, nâng cao ý thức và kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em. Thực tế, các hành vi xâm hại trẻ em như: Nhìn lén, quay lén, nói chuyện dâm ô… diễn ra khá nhiều nhưng gần như không bị xử lý, vì không có quy định cụ thể hoặc có nhưng rất khó xử lý, hoặc xử lý rất nhẹ.

Vì thế, phải xác định nhiệm vụ quan trọng nhất trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em là: Giáo dục, nhận diện đúng và trang bị cho trẻ kỹ năng phòng chống bị xâm hại.

Đại biểu đoàn Gia Lai viện dẫn: Hiện giáo dục kỹ năng, phổ biến pháp luật trong các trường học, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn mang tính hình thức, thậm chí trên giấy tờ. Nhiều trẻ không được tiếp thu kiến thức về giới tính, pháp luật, không biết bản thân mình được pháp luật bảo vệ như thế nào. Kỹ năng được huấn luyện chỉ là: Không được đi với người lạ, không được để người lạ động vào người… nhưng thực tế, nhiều vụ xâm hại là từ người thân quen. 
Ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ