Nghỉ hè bổ ích

GD&TĐ - Sau dịch bệnh, bước vào nghỉ hè, nhiều trường chú trọng tạo ra các sân chơi giúp trò cân bằng tâm lý, nâng cao sức khỏe, kiến thức qua nhiều hình thức vui chơi, trải nghiệm. 

Học sinh sẽ được cân bằng tâm lý, tinh thần với hoạt động hè bổ ích. Ảnh: IT
Học sinh sẽ được cân bằng tâm lý, tinh thần với hoạt động hè bổ ích. Ảnh: IT

Đa dạng hình thức

Trường Tiểu học thị trấn Hương Sơn (Phú Bình, Thái Nguyên) kết thúc năm học và dành 2 tuần cuối tháng 5 để tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng cho học trò như: Phòng chống đuối nước, thương tích, an toàn giao thông. Trước đó, trường đã cho học sinh tham quan, trải nghiệm các di tích lịch sử; Tổ chức Ngày hội văn hóa đọc; Tuyên truyền phòng chống đuối nước.

Cô Vũ Thị Thanh, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: Để chuẩn bị cho kỳ nghỉ hè của học sinh an toàn, bổ ích, học sinh được thư giãn, cân bằng tâm lý… trường dự kiến tổ chức các lớp kỹ năng, năng khiếu (múa, hát, võ thuật…). Việc tham gia hoàn toàn dựa trên nhu cầu, tinh thần tự nguyện của phụ huynh với mức phí phù hợp nhất.

Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho học sinh không có điều kiện tham gia các hoạt động ngoại khóa có thu phí, trường sẽ triển khai tủ sách ngoài trời trong suốt dịp hè. Học sinh có thể đến mượn sách và đọc luân phiên…

Dù đang tích cực chuẩn bị các hoạt động hè cho học sinh, nhưng cô Thanh vẫn bày tỏ lo lắng và chia sẻ: Còn một bộ phận phụ huynh chỉ quan tâm đến bồi dưỡng kiến thức, muốn con học trước chương trình mà chưa chú ý đến vấn đề chăm sóc sức khỏe tinh thần. Do đó, các hoạt động trong hè dù nộp phí hay miễn phí thì không nhiều bố mẹ hỗ trợ con tham gia. Trong khi, các lớp học thêm, học trước kiến thức với chi phí không nhỏ lại dành được sự quan tâm của phụ huynh.

Ninh Bình cũng là địa phương học sinh tiểu học có thời gian học trực tuyến dài, do đó bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trong hè thông qua hoạt động vui chơi, trải nghiệm đã nằm trong kế hoạch của nhiều trường.

Cô Trần Thị Hợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh, Ninh Bình), cho biết: Trường sẽ đẩy mạnh kết hợp giữa Đoàn Thanh niên nhà trường với sinh viên có gia đình tại địa bàn xã, huyện về nghỉ hè để tổ chức các lớp sinh hoạt, củng cố kiến thức qua vui chơi cho học sinh miễn phí. Dù mục đích là củng cố kiến thức nhưng tất cả hoạt động sẽ được tổ chức với hình thức phong phú, phù hợp, tránh áp lực học tập.

Dự kiến cuối tháng 6 đầu tháng 7, trường sẽ triển khai các hoạt động này mỗi tuần 2 - 3 buổi. Bên cạnh đó, sẽ tận dụng tối đa thư viện ngoài trời để mở cửa hàng ngày đón học sinh tới mượn và đọc sách. Các hoạt động hè do trường tổ chức sẽ hoàn toàn miễn phí để tạo điều kiện cho học sinh (kể cả khó khăn nhất) vẫn có thể tham dự.

Các nhà trường cần tận dụng không gian, cơ sở vật chất trường học để tổ chức các hoạt động ngoại khóa bổ ích, miễn phí cho học sinh trong dịp hè. Ảnh: IT
Các nhà trường cần tận dụng không gian, cơ sở vật chất trường học để tổ chức các hoạt động ngoại khóa bổ ích, miễn phí cho học sinh trong dịp hè. Ảnh: IT

Tăng cường quản lý học sinh

Ông Bùi Văn Tiến, Trưởng phòng GD&ĐT Bắc Hà (Lào Cai), cho rằng, không nên xâm phạm kỳ nghỉ hè của trẻ dưới bất kỳ hình thức nào. Các hoạt động hè nếu nhà trường tổ chức cần bảo đảm vừa chơi vừa học.

Tuy nhiên theo ông Tiến, đặc thù học sinh vùng cao thường xa trường (10 - 20km) nên việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa bổ ích dù miễn phí cũng khó triển khai. Do đó, để bảo đảm an toàn, tăng cường sức khỏe tinh thần, thể chất cho trẻ trong hè, phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo, quản lý, tổ chức các hoạt động bảo đảm an toàn, phù hợp.

Theo đó, UBND huyện Bắc Hà sẽ chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp với Đoàn xã tổ chức tốt sinh hoạt hè phù hợp với nhu cầu, lứa tuổi học sinh. Tổ chức các hoạt động truyền thông bảo vệ trẻ em trọng tâm là phòng chống đuối nước, xâm hại, bạo lực, tệ nạn xã hội nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ngành, gia đình về trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ… Đặc biệt sẽ kiểm tra, giám sát việc triển khai tổ chức các hoạt động trong hè cho trẻ em, học sinh và quản lý việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Thái (Tây Hồ, Hà Nội), bày tỏ quan điểm: Trong bối cảnh học sinh vừa trải qua năm học với thời gian học trực tuyến là chính thì tổ chức các hoạt động chơi mà học, cân bằng sức khỏe tinh thần cho trẻ… cần có sự kết hợp, tăng cường vai trò từ phía nhà trường. Song muốn tổ chức cần có sự điều tiết, hướng dẫn, kế hoạch, khoa học… giúp học sinh có những ngày hè vui vẻ bổ ích đúng nghĩa.

Từ thực tế, cô Hoàng Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập (Hai Bà Trưng, Hà Nội), nhìn nhận cần tăng cường vai trò của các nhà trường trong quản lý học sinh dịp nghỉ hè thông qua tổ chức sân chơi là cần thiết. Nếu không tận dụng được không gian trường học để tổ chức hoạt động vận động, trải nghiệm, sáng tạo, tăng cường kỹ năng… cho trẻ vừa lãng phí trong khi nhu cầu giải trí, vận động, sinh hoạt hè với học sinh vẫn cấp thiết. Quan trọng tổ chức làm sao để vừa hấp dẫn, phù hợp học sinh vừa giảm tối đa các chi phí cho phụ huynh…

Trường Tiểu học Đông Thái (Tây Hồ, Hà Nội) đã lên kế hoạch mở cửa thư viện từ đầu tháng 7 vào tất cả buổi sáng trong tuần để học sinh có thể mượn và tới đọc sách trong không gian thư viện thoáng mát và đa dạng đầu sách. Đặc biệt, để cuốn hút học sinh đến với thư viện đọc sách, tránh sự đơn điệu, qua đó phát triển văn hóa đọc cho học sinh, trường yêu cầu nhân viên thư viện tổ chức hoạt động phong phú, hình thức mới lạ, tăng cường các đầu sách hay, phù hợp với lứa tuổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ