Nghe và ngẫm về lời ăn tiếng nói của người thầy

GD&TĐ - Giọng nói của giáo viên cũng có chức năng thẩm mỹ. Người dạy học có nhiệm vụ rèn luyện ngữ điệu, cách phát âm, cách dùng từ ngữ, ngữ pháp hướng chuẩn nhiều nhất có thể, bất kể khi đang đứng lớp hay lúc tiếp xúc ngoài giờ với học sinh. 

Ảnh minh họa: Phan Nga
Ảnh minh họa: Phan Nga

Một hồi tưởng trong ngày đầu làm thủ tục nhập học trường sư phạm

Năm 1976. Những cô cậu mười tám, mười chín tuổi đứng băn khoăn, lo lắng ngoài hành lang trước cửa phòng khám sức khỏe của trường Đại học Sư phạm. Chẳng thấy bên trong phòng có gì, chẳng biết người ta đang làm gì trong đó và sẽ làm gì với mình. Nghe đồn, có leo lên bàn cân coi trọng lượng cơ thể nặng, nhẹ thế nào.

Hình như mập quá số cân lý tưởng sẽ không được nhận vào học. Nếu nhỏ con, không đạt chiều cao một mét năm mươi hoặc quá ốm o gầy guộc cũng bị từ chối. Nghe nói, có đo độ nhìn của mắt. Cận thị nặng quá cũng cho về luôn. Ngoài ra thì ai cũng đã rõ, nếu chân tay có khuyết tật thì không được nhận vào học sư phạm, vì lí do thẩm mỹ cho việc đào tạo các thế hệ học sinh.

Có người từng chứng kiến một chuyện tiếu lâm về việc xét duyệt đầu vào đó. Một cô gái cận thị đã cố gắng chen vào cạnh cửa sổ, và bám riết lấy những chấn song tới chừng học thuộc hết tấm bảng chữ cái từ dòng đầu to bự như cái trứng ngỗng, tới dòng cuối cùng nhỏ nhí như cái hột bí mới chịu buông ra.

Cô đã hoàn toàn yên tâm, tự nhủ trước khi vô đó mình sẽ tháo kính, cất vô giỏ, người ta chỉ cây thước tới đâu mình sẽ đọc tới đó, không cần nhíu mày, híp mắt vì đã thuộc nằm lòng hết rồi. Mà cũng không lo, cái phòng chật ních, bước mấy bước là đụng trúng tủ bàn kê tùm lum, không ai phát hiện là mình không thấy rõ đường đi đâu mà lo.

Bí mật của cô sẽ mãi mãi là bí mật, nếu cô không vì quá vui mừng mà chia sẻ kinh nghiệm với mấy người cũng đeo kính như mình theo kiểu “giúp bạn cùng tiến”. Vui không kể xiết, bởi cô đã đọc không sai một chữ với con mắt lồi đặc trưng của người bị cận thị.

Tới ngày khai giảng, một số người đứng lo lắng ở hành lang đó, ngẫu nhiên, được xếp chung lớp với nhau. Kẻ nhỏ con thấp bé, bốn mươi ký, người mập phì cao to sáu chục kí, người cận thị sáu độ, tròng mắt kính dày như kính chống đạn xe hơi… đủ kiểu dáng.

Họ vui mừng không thể nói thành lời, chỉ có những nụ cười hết cỡ thay cho lời chúc mừng và cười thầm cho sự ấu trĩ của mình. Đã có giấy báo nhập học rồi còn lo sợ vẩn vơ gì nữa. Đúng là trẻ con vụng dại.

Chỉ có một điều không ai nhận ra để lo sợ, mà cũng bởi trong các đề mục khám sức khỏe cũng không đề cập tới, đó là giọng nói của người làm nghề dạy học.

Ảnh minh họa: Thảo Nguyên
Ảnh minh họa: Thảo Nguyên 

Đầu tiên là đặc điểm vùng miền của giọng nói

Không kể những từ ngữ riêng của từng địa phương, thì chuyện người miền này nghe không quen, nghe khó người miền khác nói là điều tự nhiên, bình thường, ở đâu cũng gặp.

Thầy cô giáo phía Bắc, hoặc miền Trung dạy học ở các trường trong phía Nam đương nhiên gặp nhiều khó khăn. Học trò vốn tinh nghịch. Thói quen truyền đời của chúng là lén lút đặt biệt danh có tính chê cười, chế nhạo cho thầy cô.

Khi giọng nói của thầy cô quá đặc biệt, chúng sẽ đặt tên khác cho họ để gọi trong nội bộ học sinh với nhau, ví dụ cô “bún bò Huế”, thầy “nước nào”(nước Lào). Nhưng tất cả những trục trặc về ngôn ngữ chỉ xảy ra trong thời gian đầu, ngắn ngủi thôi. Tuổi học trò nhanh nhạy, dễ thích nghi.

Còn thầy cô thì rất cố gắng sửa giọng, luôn chú ý dùng cách phát âm phổ thông khi giảng dạy, giao tiếp với học sinh. Lúc đó, giọng nói của họ nghe du dương, uyển chuyển hơn và tạo cho họ có một chất giọng rất riêng, rất dễ nhận biết. Và học trò nhận xét “nghe riết cũng quen, cũng hiểu hết”.

Ở đây có vài trường hợp ngoại lệ. Không hiểu vì bận rộn tập trung sửa giọng nên mất chú ý, hoặc là muốn tỏ ra hòa đồng, mà không ít giáo viên cứ pha trộn giọng Bắc giọng Nam lộn xộn, không theo một trật tự lớp lang nào cả, có vẻ như thích gì nói nấy. Thú thật, nghe cứ như họ đang phát âm sai chính tả vậy.

Lỗi sai chính tả đối với người bình thường là đã không chấp nhận được rồi. Đằng này lại là thầy cô giáo - người có chuyên môn giúp học trò tránh cái sai, sửa sai. Có lẽ họ quên chăng?

Giọng nói của giáo viên cũng có chức năng thẩm mỹ. Người dạy học có nhiệm vụ rèn luyện ngữ điệu, cách phát âm, cách dùng từ ngữ, ngữ pháp hướng chuẩn nhiều nhất có thể, bất kể khi đang đứng lớp hay lúc tiếp xúc ngoài giờ với học sinh.

Tất cả những việc làm trên không nằm ngoài mục đích giáo dục những điều tốt đẹp, góp phần nâng cao nhận thức thẩm mỹ (luôn trân trọng cái đẹp, biết tạo ra cái đẹp, có ý thức truyền bá cái đẹp…) cho thế hệ trẻ.

Tiếp theo là cách nói của giáo viên

Có người có thói quen dùng từ Hán - Việt, hoặc chỉ nói theo phong cách ngôn ngữ viết, giống y như các trang sách giáo khoa, hoặc trong các bản báo cáo chuyên đề khoa học. Cách nói mang hơi hướng gần như kinh điển này vô cùng thiếu tự nhiên, thiếu sức sống, thiếu cụ thể, tạo nên khoảng cách khó gần giữa thầy và trò.

Quan trọng nhất là nó khiến học sinh đã vốn khó hiểu bài, lại càng thêm khó hiểu hơn, bởi cách diễn đạt cứng nhắc, khô khan của thầy cô khi chuyển giao kiến thức cho học sinh.

Có người lại -không may- sở hữu một cách diễn đạt kém hấp dẫn. Hoặc có tật lặp đi, lặp lại mãi một câu, một ý giống như cái đĩa ghi âm đã cũ mòn. Hoặc cứ nói vòng vo, dông dài, rắc rối. Hoặc nói quá cô đọng, không phát triển ý khái quát thành các chi tiết rõ ràng. Những kiểu “hoặc” này chẳng khác gì như thầy cô muốn đánh đố khả năng nghe hiểu của học sinh.

Có người trong giọng nói hầu như không có ngữ điệu. Giảng bài dù một tiết rời, hay hai tiết liền mà vẫn cứ giữ giọng đều đều, rỉ rả như nước chảy qua cầu, không cao, không thấp, không nhấn nhá. Có lẽ đây mới đích thực là những “tiến sĩ gây mê” theo cách nói của nhiều thế hệ học sinh chăng?

Có người lại thích sửa giọng lên bổng xuống trầm, khi bật to vang vọng cao trào, khi hạ nhỏ thầm thì bí mật như đang diễn kịch trên sân khấu. Học trò thật sự thắc mắc khi thấy giáo viên trên lớp nói năng thanh tao, điệu đàng, nghe rất mất tự nhiên, đến khi xuống lớp lại nói bằng giọng bình thường, tuy thô mộc nhưng mà dễ lọt lỗ tai.

Đôi chút vĩ thanh

Nhân tiện cũng xin bàn thêm về cách xưng hô của giáo viên với học sinh.

Nhờ các clip quay lén rồi tung tràn lan trên mạng xã hội, nhiều giáo viên đã bị bắt quả tang gọi học sinh là mày xưng tao. Đó là hai đại từ mà nếp sống văn hóa gần như mặc định là thô thiển, thô bạo, nếu đối tượng giao tiếp đã có sự phân cấp vị thế cao thấp.

Cặp đại từ xưng hô này chỉ biểu lộ sự thân tình, bình đẳng khi người nghe - người nói cùng trang lứa. Thầy cô gọi mày xưng tao, cho dù có biện bạch đến cạn lời rằng có thân mật, thân thiết với trò mới dùng cách nói đó thì cũng khó có được sự đồng thuận của dư luận.

Càng khó chấp nhận hơn nếu viện dẫn đến tiếng nước ngoài. Tiếng Anh chẳng hạn, ai cũng biết ngôn ngữ này chỉ có một cặp đại từ xưng hô dùng cho tất cả các thứ bậc, vai vế. Nhưng tự hào thay! Ngôn ngữ tiếng Việt có hàng chục (và nhiều hơn thế nữa) cặp đại từ để vận dụng tương ứng cho tất cả mọi người mọi lúc, mọi nơi, mọi tình huống, tâm trạng. Vì vậy, xin đề nghị cách ứng xử hay nhất là nếu đã dùng rồi thì nên từ bỏ, nếu thích dùng thì cũng nên thôi. 

Bên cạnh đó còn có những đại từ lạnh lùng, tỏ thái độ ghét bỏ như gọi học sinh là mấy người, các ông bà, thằng kia, con nọ… hình như cũng được các giáo viên dùng thường xuyên. Đặc biệt là trong tình huống tức giận.

Trường hợp đột xuất này nên lí giải sao đây? Thôi thì hãy cứ cố gắng nhớ rằng: Bục giảng là nơi người thầy truyền bá điều hay lẽ phải, lớp học là nơi rèn luyện nên người hữu dụng cho đời. Ở đó, điều xấu, lẽ sai không được phép xuất hiện. 

Cũng cần bàn thêm về một đại từ rất phổ biến mà thầy cô dành cho học trò: Các con. Cách gọi này có thể chấp nhận ở trường mầm non, cấp tiểu học, học trò ở lứa tuổi nhi đồng còn phụ thuộc vào người lớn, nhưng ở cấp trung học, học sinh là thiếu niên, thanh niên, đã có ý thức về sự độc lập của cá nhân, thì không phù hợp.

Cách xưng hô này vẫn đang trên đà tranh cãi. Người ủng hộ, kẻ phản đối, ai cũng có lý lẽ vững chắc. Thiết nghĩ, hãy căn cứ vào lý lẽ nào nghiêng về phía tôn trọng sự đối xử bình đẳng thì tốt hơn chăng?

Nói tới đây chợt giựt mình vì phát hiện này. Chẳng nhớ từ khi nào đã thưa thớt hẳn đi những quý vị giáo viên gọi học sinh là các em. Cái đại từ hô gọi vừa thân tình, vừa khẳng định rõ mối quan hệ xã hội và phân định được vị thế thầy trò. Thầy là lớp người đi trước, hướng dẫn những lớp đàn em đi sau tiếp nối công cuộc phát triển xã hội ngày càng tiến bộ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ