Nói tới đổi mới, xét cho cùng là nhằm đảm bảo thực hiện được các mục tiêu chung và nâng cao chất lượng giáo dục. Và chất lượng giáo dục ở đây chủ yếu do chất lượng của các giáo viên quyết định. Trong đó, phương pháp giảng dạy của giáo viên là khâu then chốt. Vì thế, đổi mới phương pháp giảng dạy được xem là một điểm căn cốt, là tiêu diểm của đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
Hiện nay phương pháp giảng dạy ở các trường phổ thông vẫn là phương pháp truyền thống. Ở đây, quá trình dạy học được xem là quá trình truyền tải thông tin từ người dạy sang người học và phụ thuộc căn bản vào tài năng sư phạm của người thầy. Theo đó, thầy thuyết trình, diễn giảng, trò nghe và ghi theo nên học trò chỉ thuần túy nghĩ theo một cách thụ động trong sự truyềt đạt của người thầy.
Quan hệ sư phạm giữa thầy và trò là mối quan hệ trực diện, đơn tuyến và mang tính chất thể hiện của sự chỉ huy-phục tùng. Như thế, thầy luôn là chủ thể, tâm điểm và là trung tâm của quá trình giảng dạy, còn học trò được xem là những khách thể, như những quỹ đạo bao quanh.
Trên thực tế, do nhiều nguyên nhân nên ở Việt Nam ta quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy ở tất cả các bậc học và cấp học chưa được nhận thức nhất quán rộng rãi trong đội ngũ các giáo viên. Tình trạng giảng dạy theo kiểu "nhồi sọ", thuyết giảng và truyền thụ một cách áp đặt một chiều vẫn còn đang tồn tại.
Trong lối giảng dạy đó, vai trò của người thầy luôn là số một, lấn át vai trò của học trò, vì thế trò rất thụ động và ỷ lại lại vào thầy, vào sách. Quan hệ sư phạm giữa giáo viên và học sinh do đó thiếu thân thiện, mất dân chủ và chỉ mang tính áp đặt một chiều.
Mặt khác, khả năng lựa chọn và tổ chức sử dụng, phối kết hợp một cách hợp lý giữa các phương pháp giảng dạy của các giáo viên còn yếu. Trong quá trình giảng dạy, người thầy chưa chú ý tổ chức các hoạt động nhận thức nhằm phát huy khả năng độc lập và sáng tạo của học sinh. Trên thực tế, phương pháp giảng dạy còn nghèo nàn, đơn điệu và chỉ mang tính hình thức.
Do đó, trong bối cảnh "đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục" được xem như một mũi nhọn đột phá của chiến lược phát triển quốc gia thì đổi mới phương pháp giảng dạy đã trở thành một yêu cầu bức thiết trong các hoạt động giáo dục. Vậy, cần thiết phải đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng nào ?
Thứ nhất, nhiệm vụ trực tiếp được đặt ra ở đây là cần đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học. Theo đó, việc đổi mới phương pháp phải nhằm khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc, tập trung vào việc dạy cách học, cách nghĩ và khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức cùng với những kỹ năng để từ đó phát triển năng lực toàn diện.
Trên tinh thần đó, chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, cùng với đó là chú ý tới các hoạt động xã hội, ngoại khóa và nghiên cứu khoa học. Mặt khác, cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào trong quá trình dạy và học.
Do đó, việc đổi mới phương pháp giảng dạy phải góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu hình thành ở người học những phẩm chất và năng lực mới phù hợp với sự phát triển của thời đại như tính chủ động, khả năng độc lập, năng lực học tập suốt đời, năng lực giải quyết vấn đề và năng lực sáng tạo... .Từ đó, tạo thành năng lực thích nghi cao trong một cuộc sống đang biến đổi không ngừng như hiện nay.
Thứ hai, việc đổi mới phương pháp giảng dạy cần thực hiện theo những giải pháp cụ thể. Theo đó, việc đổi mới phương pháp giảng dạy ở bậc đại học cần thực hiện đồng bộ hai giải pháp. Một là, trong quá trình giảng dạy cần có sự đổi mới về phương pháp tác nghiệp, theo đó các thầy cô giáo cần tổ chức thường xuyên các buổi thảo luận theo chuyên đề trên cơ sở các nội dung đã dạy.
Cụ thể, các thầy cô giáo cần thường xuyên ra các chủ đề thảo luận cho sinh viên ở từng môn học theo định kỳ hàng tháng. Nội dung thảo luận là những chuyên đề cụ thể theo những chủ điểm của môn học. Khi đó, những buổi thảo luận này sẽ tăng cường tính chủ động của sinh viên trong việc học, tăng cường khả năng làm việc theo nhóm, từ đó sinh viên sẽ có sự đào sâu kiến thức đã học theo từng chủ điểm, và nhờ đó mà môn học cũng trở lên hấp dẫn hơn, kiến thức theo đó được trau dồi thường xuyên hơn.
Thứ ba, sau mỗi buổi thảo luận sinh viên sẽ phải viết cụ thể những kiến thức thu lượm được thành một tham luận chuyên đề dưới dạng tiểu luận khoa học. Vì thế, giải pháp này được tiến hành ngay sau giải pháp thứ nhất. Các bản tiểu luận này sẽ được giảng viên cho điểm và lấy đó làm cơ sở đánh giá kết qủa học tập của sinh viên theo từng môn học.
Đây cũng là cơ sở đặt ra để sinh viên tự giác học tập, chủ động và tăng cường khả năng nghiên cứu khoa học, có sự ứng dụng thực tiễn trên cơ sở nhận thức và những kiến thức đã được tích lũy.
Thứ tư, đổi mới phương pháp giảng dạy nói chung cần phải lấy học sinh làm trung tâm. Theo đó, trong giảng dạy, thầy giáo cần phải đánh giá đúng đối tượng là người học, hiểu được suy nghĩ của học sinh, biết học sinh muốn gì để thiết kế bài giảng cho thích hợp.
Từ sự nắm bắt của người học để xây dựng nên nội dung giảng dạy. Trong quá trình giảng dạy cần tăng cường tính chủ động cho học sinh. Khi đó, việc giảng dạy cần theo hướng gợi mở vấn đề học sinh tự tìm tòi kiến thức, từ đó làm tăng khả năng tự học của người học.
Thứ năm, cần đổi mới theo hướng giáo viên là người tổ chức kiến thức và các quá trình nhận thức cho người học. Việc thiết kế bài giảng và nội dung giảng dạy theo đó phải bảo đảm sự phân luồng trong nhận thức của người học, tránh sự áp đặt một chiều.
Trong quá trình giảng dạy phải có sự liên hệ với thực tiễn để làm tăng tính sinh động và thiết thực cho bài giảng, từ đó kích thích niềm say mê, hứng thú học tập cho người học.
Như thế, đổi mới phương pháp giảng dạy là một quá trình mà ở đó luôn đòi hỏi người thầy phải có sự năng động, sáng tạo thích hợp với điều kiện hiện có và khả năng tiếp nhận của học sinh, sinh viên.
Với yêu cầu đặt ra là người thầy phải cao hơn người học ít nhất một "cái đầu", do đó đòi hỏi người giáo viên phải luôn đi trước học sinh về tư duy và nhận thức, để từ đó tìm ra phương pháp giảng dạy thích hợp nhất. Đặt người học vào vị trí trung tâm trong qúa trình giảng dạy để từ đó có được phương pháp tối ưu và thiết thực nhất.
Quan hệ sư phạm giữa thầy và trò là mối quan hệ trực diện, đơn tuyến và mang tính chất thể hiện của sự chỉ huy-phục tùng. Như thế, thầy luôn là chủ thể, tâm điểm và là trung tâm của quá trình giảng dạy, còn học trò được xem là những khách thể, như những quỹ đạo bao quanh.