Nghệ thuật Việt 'xuống phố'

GD&TĐ - Thay vì biểu diễn trong nhà hát, bày tranh trong nhà triển lãm… xu hướng trình diễn công cộng là cách để nghệ thuật tiếp cận gần hơn với khán giả.

Các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam biểu diễn miễn phí tại ngã tư Lương Ngọc Quyến - Mã Mây vào các tối cuối tuần.
Các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam biểu diễn miễn phí tại ngã tư Lương Ngọc Quyến - Mã Mây vào các tối cuối tuần.

Nghệ thuật đường phố tiếp cận khán giả

Ở nhiều nước phát triển, biểu diễn nghệ thuật đường phố diễn ra đều đặn hàng tuần ở góc phố, công viên… và trở thành các sự kiện văn hóa chính trong việc tạo lập thói quen tiếp cận và thưởng thức nghệ thuật.

Loại hình trình diễn công cộng đã du nhập vào nước ta khá lâu, song sự thưa thớt của các sự kiện khó tạo ra sự thay đổi căn bản đối với công chúng.

Bởi vậy, Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và một số thành phố ở nước ta cũng từng có kế hoạch để loại hình biểu diễn nghệ thuật đường phố được phát triển, không chỉ để thu hút du khách mà còn làm phong phú cho nét văn hóa bản địa.

Từ năm 2014, Đà Nẵng đã đẩy mạnh các hoạt động văn hóa nghệ thuật để xứng tầm với mục tiêu “thành phố đáng sống”. Hàng loạt các chương trình từ đó “xuống phố” tiếp cận công chúng và thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước khi đến Đà Nẵng tham quan, nghỉ dưỡng.

Trong đó, nổi bật là các buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Đều đặn vào tối Chủ nhật hàng tuần, các nghệ sĩ lại có những vở diễn mới tại bờ Đông cầu sông Hàn. Chương trình “Tuồng xuống phố” của Đà Nẵng được đánh giá chỉn chu, từ khâu chuẩn bị vở diễn cho đến khâu hậu cần.

Nhà hát thiết kế một sân khấu di động lắp ghép nhanh, có hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại, có ghế ngồi cho khán giả, bố trí nơi trưng bày trang phục, đạo cụ, phục trang và giới thiệu cách vẽ mặt nhân vật với khán giả.

Từ đó, người dân không chỉ được tương tác với tuồng cổ, mà tên các nghệ sĩ và tên Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cũng đi vào trí nhớ, gieo lại những thiện cảm gần gũi với khán giả.

Tại Hà Nội, Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng thực hiện nhiều chương trình để tuồng tiếp cận công chúng, nhất là khi nghệ thuật sân khấu thiếu vắng khán giả. Vào các ngày cuối tuần, người dân và du khách Hà Nội được thưởng thức miễn phí những tác phẩm nổi tiếng của bộ môn nghệ thuật tuồng truyền thống biểu diễn tại ngã tư Lương Ngọc Quyến - Mã Mây.

Đặc biệt tại các phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, nhiều chương trình nghệ thuật được thường xuyên tổ chức vào buổi tối cuối tuần. Từ biểu diễn nhạc cụ dân tộc, múa rối, kịch, xiếc, ảo thuật… Ngay trước rạp Công Nhân, Nhà hát kịch Việt Nam cũng tổ chức biểu diễn các trích đoạn đặc sắc, và nhận được sự ủng hộ tích cực từ khán giả.

Theo UBND quận Hoàn Kiếm, du lịch văn hóa đêm đã hình thành rõ nét trên phạm vi địa bàn. Nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố chính là những sản phẩm du lịch, tạo ấn tượng và nét riêng cho Hoàn Kiếm. Nhu cầu của nghệ thuật đường phố ngày càng tăng, nhất là lượng du khách, người dân ngày càng tập trung vào khu vực trung tâm.

Ông Phạm Tuấn Long – Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng, việc chủ động lập kế hoạch, lựa chọn nội dung cho các hoạt động nghệ thuật đường phố là rất quan trọng. Bởi nếu có khâu chuẩn bị tốt thì sẽ có chương trình thu hút, hấp dẫn với người dân và du khách.

Trong những năm qua, quận Hoàn Kiếm đã triển khai nhiều dự án nghệ thuật công cộng với sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ và cộng đồng. Nhờ đó mà cảm thụ nghệ thuật của người dân cũng tăng lên.

nghe thuat viet xuong pho.jpg
Một góc hình ảnh dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân (Hà Nội).

Chuyển dịch nghệ thuật đô thị

Thay vì biểu diễn trong nhà hát, bày tranh trong nhà triển lãm, thì thời gian qua đã xuất hiện nhiều tổ chức, cá nhân tham gia trưng bày và triển lãm công cộng. Tuy nhiên, để đảm bảo các vấn đề pháp lý thì về lâu dài Nhà nước cần có cơ chế mở trong việc tổ chức đưa nghệ thuật Việt “xuống phố”, giúp nghệ sĩ đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giấy phép cũng như việc kiểm duyệt.

Trong một khái niệm tiệm cận giữa không gian – nghệ thuật – công chúng, giới nghiên cứu cho rằng, nghệ thuật công cộng không bó hẹp trong phạm vi biểu diễn mà còn mở rộng ở diện mạo đô thị. Đó là không gian thẩm mỹ ngoài trời, không gian kiến trúc, điêu khắc… để người dân có thể trải nghiệm, suy ngẫm và hình thành các giá trị thẩm mỹ.

Như nghệ sĩ Đào Hải Châu từng khẳng định, TPHCM cũng như Hà Nội quá thiếu vắng không gian dành cho điêu khắc. Điêu khắc dường như đã bị “bít cửa” trong quan hệ với kiến trúc, với cảnh quan đô thị, nên khi xây dựng người ta mặc nhiên không nghĩ đến nó nữa. Và mới đây, art talk vào ngày 4/8 trong khuôn khổ triển lãm “Điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn”, các nghệ sĩ và giới kiến trúc sư đã diễn giải thông điệp về tính cấu trúc của đô thị Việt Nam.

“Mỗi thành phố chỉ như “một cái làng xây to”, không có tầm nhìn quy hoạch xứng với tầm của các thành phố. Bản thân người sống ở các thành phố vẫn mang dáng vóc nhấp nhổm của dân ngụ cư, nên chưa có nhiều chỗ cho nghệ thuật điêu khắc”, nghệ sĩ Đào Châu Hải nhấn mạnh.

Theo nghiên cứu của TS Trần Thanh Nam (Trường ĐH Kiến trúc TPHCM), nghệ thuật công cộng (Public Art) là một khái niệm mở, có tính bao hàm để chỉ các loại hình nghệ thuật được cài đặt, bố trí trong không gian công cộng.

Nghệ thuật công cộng có ý nghĩa trong thế giới nghệ thuật vì nó có sự cộng tác của cộng đồng, thể hiện trình độ văn hóa thẩm mỹ của cư dân, cách ứng xử với môi trường và không gian sống. Trên thế giới, nghệ thuật công cộng được chú trọng và đưa vào quy hoạch tổng thể trong định hướng xây dựng, phát triển đô thị.

Mặc dù còn nhiều hạn chế, song trong những năm qua Hà Nội đã có nhiều dự án nghệ thuật công cộng đem lại lợi ích thẩm mỹ, cải thiện môi trường, thay đổi bộ mặt đô thị. Trong đó, có thể kể đến dự án con đường gốm sứ, nghệ thuật Phùng Hưng, nghệ thuật công cộng Phúc Tân…

“Câu chuyện từ những con phố đi bộ ở Bờ Hồ, dự án ở Phùng Hưng, Phúc Tân bước đầu tạo nên những không gian nhân văn trong đô thị, khi con người có thể gắn kết với nhau và với thiên nhiên, với các yếu tố lịch sử. Chúng tôi muốn soi rọi, làm bừng sáng lên bằng nghệ thuật, giống như một diễn viên ra sân khấu được chiếu đèn, mọi người mới thấy được hết vẻ đẹp của họ. Dự án nghệ thuật công cộng còn mở hướng trở thành một công viên sinh thái nghệ thuật, điểm đến rất đáng quý trong một đô thị”, họa sỹ Nguyễn Thế Sơn cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ