Việt Nam có nền nghệ thuật phát triển mạnh với nhiều lợi thế, song lại thiếu giám tuyển (curator) - những người dẫn đường, đủ thông thái và bản lĩnh để theo đuổi mục tiêu đích thực của nghệ thuật.
Giám tuyển là gì và tại sao?
Việt Nam thiếu giám tuyển thực thụ nhưng lại thừa giám tuyển tự phong, hay nói cách khác là thiếu người dẫn đường chuyên nghiệp nhưng lại thừa những “hoa tiêu mù đường”.
Đó là một trong những lý do căn bản để hình thành “hội thảo chuyên đề ngành giám tuyển lần thứ nhất” diễn ra vào trung tuần tháng 4/2024 tại Trung tâm Mỹ thuật đương đại – Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Hội thảo chuyên đề ngành giám tuyển lần thứ nhất do Á Space phối hợp cùng Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) và một số đơn vị nghệ thuật như: Dogma, Nguyễn Art Foundation, Trung tâm nghệ thuật The Outpost đồng tổ chức.
Hội thảo xoay quanh chủ đề “Thực hành giám tuyển tại Việt Nam từ năm 2000 đến nay - cơ hội và thách thức” nhằm tập trung giải quyết các vấn đề tiềm tàng, khúc mắc thực tiễn mà người làm công tác giám tuyển tại Việt Nam nhận thấy và gặp phải trong hơn 20 năm qua.
Ban tổ chức hội thảo cũng mong muốn, thông qua tham luận, ý kiến và cả những cái bắt tay của các nhà hoạt động nghệ thuật nhằm xác định cơ hội cũng như khả năng giúp mở rộng và phát triển ngành giám tuyển tại Việt Nam.
Đồng thời tạo tiền đề cho sự ra đời các chương trình tập trung vào thực hành giám tuyển trong tương lai để nghệ thuật Việt Nam phát triển theo đúng quỹ đạo.
Hội thảo chuyên đề ngành giám tuyển lần thứ nhất quy tụ 18 diễn giả là các giám tuyển, người thực hành nghệ thuật, nhà nghiên cứu cũng như đại diện của các tổ chức nghệ thuật công lập và tư nhân - đã và đang hoạt động, đóng góp tích cực cho nền nghệ thuật Việt Nam.
Trong đó phải kể đến những tên tuổi nghệ sĩ: Dương Mạnh Hùng, Lê Thuận Uyên, Nguyễn Anh Tuấn, Bill Nguyễn, Nguyễn Huy An, Nguyễn Như Huy, Trần Hậu Yên Thế, Nguyễn Thế Sơn, Arlette Quỳnh Anh Trần...
Hội thảo gồm có 5 chuyên đề, mỗi chuyên đề được trình bày bởi 3 tham luận viên với các dẫn chứng cụ thể là các dự án nghệ thuật - giám tuyển tại Việt Nam. Sau 3 phần trình bày, điều phối viên đều đặt ra các câu hỏi để tham luận viên cùng các chuyên gia thảo luận.
Hội thảo mở đầu bằng những suy tư có tính lịch sử nhằm đưa ra một cái nhìn bao quát về hành trình phát triển của ngành giám tuyển ở Việt Nam: “Phả hệ thuật ngữ “curator” tại Việt Nam qua các thời kỳ và quan niệm về công việc giám tuyển”.
Các diễn giả đã đề xuất một cách tiếp cận lịch sử giám tuyển ở Việt Nam bằng cách truy vết nhiều lựa chọn trong việc chuyển ngữ thuật ngữ “curator” sang tiếng Việt và việc sử dụng thuật ngữ này từ đầu những năm 2000 cho đến nay.
Nghệ sĩ Nguyễn Như Huy không chỉ là giám tuyển, mà còn là nhà phê bình nghệ thuật và dịch giả. Ngoài ra, anh là đồng giám tuyển của Singapore Biennale 2013 và Kuandu Biennale 2015, cũng là người sáng lập và Giám đốc nghệ thuật của Ga 0, cho rằng: Giám tuyển là người tạo ra không gian tự do, chứ không chiếm cứ không gian có sẵn.
Giám tuyển phải nối kết các ngăn cách và xây cầu giữa các nghệ sĩ, công chúng, định chế. Điểm then chốt của công việc này là tạo ra các cộng đồng tạm thời qua việc kết nối những con người và thực hành khác nhau, và sáng tạo ra các điều kiện giúp khơi lên tia lửa giữa các cộng đồng ấy.
“Có những lớp dạy về thiết kế trưng bày, và hồi trước tôi còn nghe một giám tuyển nói trong một hội thảo rằng các triển lãm cũng có thể được thực hiện nhờ vào lập trình vi tính.
Nếu bạn nghĩ giám tuyển triển lãm nghệ thuật đương đại chính là việc “thiết kế trưng bày”, hay nếu bạn nghĩ “công việc giám tuyển liên quan đến sự làm cho mọi thứ trở nên hài hòa bên nhau”, tôi cho rằng bạn nên đi mà giám tuyển một tiệm bán hoa, hoặc một bữa tiệc cuối tuần”, nghệ sĩ Nguyễn Như Huy ví von.
Giám tuyển Lê Thuận Uyên trình bày vai trò giám tuyển trong quá trình xây dựng Trung tâm Nghệ thuật The Outpost. |
Nhiều khán giả quan tâm đặt câu hỏi về vai trò của giám tuyển nghệ thuật tại Việt Nam. |
Vô danh như giám tuyển
Giám tuyển không phải là tạo tác nghệ thuật, song cũng không phải “thiết kế trưng bày” hay “sắp xếp cho mọi thứ gọn gàng bên nhau”. Viễn kiến giám tuyển cần phải dũng cảm và có nhiều khí chất, tư chất để có thể làm cho triển lãm thành công. Lẽ cố nhiên trong thực tế hiện nay, vẫn có các thực hành giám tuyển tầm thường và thiếu cam kết, giống như có các tác phẩm phi nghệ thuật.
Theo các chuyên gia, curator hay giám tuyển nghệ thuật là một chức danh được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây, gắn với các dự án, các triển lãm mỹ thuật ở khu vực tư nhân. Vai trò của giám tuyển rất quan trọng, quyết định thành bại của một dự án nghệ thuật, bên cạnh đó còn gắn với nhiều đầu việc mang tính bếp núc khác.
TS Vũ Thị Hà - giám tuyển trưng bày “Sống trong bí tích - Văn hóa Công giáo đương đại” của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng: “Curator” là một từ mà tôi được tiếp cận từ những năm 2000 khi bảo tàng hợp tác với Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ, người trực tiếp là TS Laurel Kendall - một curator phụ trách bộ sưu tập châu Á - để tổ chức trưng bày “Việt Nam - Cuộc hành trình của con người, tinh thần, linh hồn”.
Khi ấy và khoảng hơn chục năm sau, khái niệm “curator” thường được diễn giải hoặc được hiểu là người quản lý bộ sưu tập, nghiên cứu và sưu tầm, tổ chức các trưng bày.
Tuy nhiên, theo bà Hà thì khoảng chục năm trở lại đây, “curator” được giới bảo tàng công lập gọi ngắn gọn là “giám tuyển”, và kỳ thực bản thân bà cũng không hiểu từ này xuất phát từ đâu và vì sao được chuyển nghĩa như vậy. Và trong giới bảo tàng công lập, dù có nhiều hội thảo nhưng chưa bao giờ có hội thảo về công tác giám tuyển.
“Những hiểu biết của người không Công giáo về Công giáo không có nhiều. Vì thế mà cuộc trưng bày có rất nhiều áp lực. Ngay cả người Công giáo cũng ít lòng tin với cán bộ bảo tàng, phải mất 2 năm qua lại, họ mới dám trao hiện vật. Vì thế mà cuộc trưng bày trở thành một sự kiện chính trị - xã hội, thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều giới”, TS Vũ Thị Hà cho biết.
Mặc dù vậy, bà Hà cũng như các cộng sự không dám coi mình là giám tuyển, vì lý do “trong bảo tàng, nếu tự nhận là giám tuyển thì hơi tự phụ” và “trong bảo tàng công lập không có chức danh giám tuyển” mà chỉ gọi là di sản viên hoặc nghiên cứu viên. Như vậy, trong trường hợp này, mặc dù trong vai trò giám tuyển đúng nghĩa nhưng vẫn vô danh vì đơn giản là không có chức danh giám tuyển.
Sau các tham luận, hội thảo đều có các thảo luận xoay quanh chủ đề. |
Giám tuyển không chỉ như một vị nhạc trưởng, mà còn như một 'bà mối' kết nối nghệ sĩ - tác phẩm với công chúng và truyền thông. |
Danh phải chính thì ngôn mới thuận
Trong thực hành giám tuyển nghệ thuật đương đại, các giám tuyển cũng đảm nhận vai trò là người cộng tác với nghệ sĩ, làm triển lãm, văn bản giám tuyển cũng như điều phối và di chuyển giữa nghệ sĩ - khán giả.
Ví như trong môn thể thao bóng đá, vai trò của huấn luyện viên quan trọng như thế nào thì trong nghệ thuật, mỗi một triển lãm, trình diễn vai trò của giám tuyển cũng tương tự. Giám tuyển được ví như người nhạc trưởng của một đoàn nhạc, họ là người kết nối, dẫn dắt, đưa ra những chiến lược cho mỗi lần xuất hiện.
Theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, trong quá trình thực hành giám tuyển hơn 10 năm song hành cùng những dự án nghệ thuật cá nhân, công việc giám tuyển đến với ông một cách khá tự nhiên, giống như một thực hành mang tính nghệ thuật.
Theo thời gian, ông Sơn mở rộng trải nghiệm thực hành cá nhân của mình với những dự án quy mô hơn, làm việc với nhiều nhóm người, công việc cũng phải mở rộng ra các hoạt động khác như thương thuyết, làm việc với các cơ quan kiểm duyệt, các ban ngành, đoàn thể từ cấp phường, cấp quận cho tới cấp thành phố.
“Phần lớn các dự án nghệ thuật tiến hành gần đây, tôi thường tích hợp các yếu tố giáo dục, hướng tới cộng đồng các sinh viên nghệ thuật trẻ phần đông là các lứa học trò của trường mỹ thuật. Các dự án thường mang ý nghĩa mở rộng năng lực thực hành nghệ thuật đương đại song hành với nghiên cứu đối thoại với lịch sử, ký ức cộng đồng, mục tiêu để gợi mở sự truy vấn và tưởng tượng cho người xem”, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho biết.
Sự thành công của một triển lãm hay một cuộc trình diễn nghệ thuật có vai trò rất lớn của giám tuyển. |
Có thể nói, vai trò của giám tuyển đối với nghệ sĩ nói riêng và nền nghệ thuật nói chung vô cùng quan trọng. Giám tuyển không chỉ là người giám sát, tuyển chọn, bà đỡ, ông bầu, người nội trợ, người dẫn dắt kết nối, mà còn là người dẫn đường chuyên nghiệp để nghệ sĩ đi đúng hướng, và nghệ thuật vào đúng quỹ đạo.
Đặc biệt, khi đất nước hướng tới phát triển ngành công nghiệp văn hóa, để nền nghệ thuật chuyên nghiệp hơn thì vai trò của người giám tuyển không chỉ gói gọn trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác, mà nhiều lĩnh vực khác của nghệ thuật như âm thanh, điện ảnh, kịch, sân khấu múa, âm nhạc... cũng cần có giám tuyển. Tuy vậy, cho đến nay giám tuyển vẫn vô danh, không nằm trong danh mục chức danh nghề nghiệp, cũng không có trường lớp đào tạo chuyên nghiệp.
Vì thế, việc đào tạo đội ngũ nhân lực, đội ngũ giám tuyển chuyên nghiệp cần được đặt lên hàng đầu. Nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản sẽ góp phần tạo nên những thay đổi dài hạn, nâng tầm chất lượng nghệ thuật. Khi có nguồn giám tuyển chuyên nghiệp thì tự nhiên, giám tuyển tự phong sẽ tự bị đào thải.
Và trên hết, để giám tuyển trở thành một ngành, một chức danh chính thống thì Việt Nam phải có chiến lược đào tạo và định hướng căn bản về ngành giám tuyển.
Theo PGS.TS Nguyễn Việt Khôi - Phó Hiệu trưởng Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội), khái niệm giám tuyển sẽ trở nên rõ ràng hơn, góp phần chuyên nghiệp hóa nghề giám tuyển nghệ thuật cũng như thúc đẩy cơ hội phát triển ngành giám tuyển tại Việt Nam. Giám tuyển nghệ thuật đã và đang là từ khóa tìm kiếm nổi bật thu hút nhiều bạn trẻ quan tâm. Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật cũng dự kiến tuyển sinh ngành nghệ thuật thị giác với vị trí việc làm nổi bật là giám tuyển nghệ thuật.