Mấy ngày gần đây, giới nghiên cứu văn hóa – nghệ thuật đang khơi dậy câu chuyện khá nan giải, về đường biên giữa nghệ thuật và văn hóa.
Tạm đồng ý rằng, nghệ thuật không có giới hạn, sự sáng tạo là vô biên. Ngược lại, văn hóa luôn có những định ước – dù không thành văn. Vậy phải chăng giữa nghệ thuật và văn hóa được phân định, tách rời và thậm chí đối lập nhau? Chúng ta có thể lấy hai câu chuyện mới nhất để suy xét.
Chuyện thứ nhất, liên quan đến ca từ “Đi trong mùa hè” của Đen Vâu: “Nếu anh nói là Việt Nam vô địch, em đừng nên cố để mà phản biện. Người như em chỉ nên làm nữ chính, em không thích hợp để vào vai phản diện.
Và khi anh nói là Việt Nam muôn năm, mong em trật tự như một người thủ thư. Lời em nói theo thống kê xác suất, tỉ lệ 1 phần triệu biến anh thành người vũ phu (“anh đùa đấy”).
Đoạn ca từ này đang bị cho là “coi thường phụ nữ, bạo lực gia đình”. Một số trang mạng xã hội lên án gay gắt cho rằng, ca từ áp đặt khuôn mẫu phụ nữ, triệt tiêu phản biện, bình thường hóa bạo lực gia đình - núp bóng tinh thần yêu nước.
Ca sĩ Đen Vâu sau đó có lên tiếng giải thích. Tuy nhiên, những người bảo vệ bình quyền vẫn bảo lưu quan điểm. Kỳ thị phụ nữ được phân loại là một hệ tư tưởng làm giảm phụ nữ xuống đối tượng sở hữu. Lạm dụng âm nhạc, núp bóng dưới tinh thần yêu nước không chỉ phi nghệ thuật hóa, mà còn vi phạm đạo đức.
Câu chuyện thứ hai, là hình ảnh hoa hậu Giáng My ngồi trên nóc ngôi nhà cổ ở Hội An. Sau khi hình ảnh đăng tải đã nhận được nhiều lượt bình luận. Tuy nhiên đa phần là phản ứng gay gắt, cho rằng việc ngồi lên mái nhà cổ là thiếu tôn trọng với di sản đã được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Lãnh đạo thành phố Hội An khẳng định: “Việc này không vi phạm về Luật Di sản mà chỉ vi phạm về phạm trù đạo đức”. Bởi vậy, lãnh đạo thành phố này đã phải yêu cầu nhà thiết kế gỡ hình ảnh ấy khỏi các phương tiện truyền thông.
Hai câu chuyện đó, dễ để chúng ta nhận thấy nghệ thuật và văn hóa không tách rời nhau. Sáng tạo dù khó định lượng giới hạn, nhưng tư tưởng khai phóng – dù tiến bộ cũng không thể vượt ranh giới của văn hóa đạo đức. Nghệ thuật dù thế nào, nghệ sĩ dù ra sao - cũng không nên củng cố cho tư tưởng bất bình đẳng, bạo lực.
Ở góc ảnh nào, giúp thăng hoa cho sự sáng tạo cũng không thể vượt khỏi phạm trù đạo đức. Chúng ta từng thấy những bức ảnh báng bổ danh nhân, từ Khổng Tử tới Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cái giá phải trả về lâu dài thì chưa rõ, nhưng cái giá phải trả trước mắt chính là sự lên án mạnh mẽ từ dư luận.
Một tác phẩm nghệ thuật có thể khơi dậy cái thiện, nhưng cũng có thể tạo ra sự bất an hoặc gieo mầm cho cái ác phát triển. Vì thế điều quan trọng hơn, nghệ sĩ phải thấy trong sáng tạo có đạo đức, trong nghệ thuật luôn ẩn chứa ý nghĩa văn hóa.
Thời này, khó đặt lên vai nghệ sĩ bất kỳ một trách nhiệm xã hội nào. Nhưng công chúng chỉ có thể đón nhận nghệ sĩ, khi chính họ ý thức được vai trò của mình đối với nền văn hóa cũng như quy tắc ứng xử cộng đồng.