Đi lễ đầu năm là một nét đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt từ bao đời nay. Mỗi dịp tết đến, xuân về, già trẻ, lớn bé lại đón chờ thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới để có thể lên chùa hái lộc, cầu mong những điều tốt lành.
Tuy nhiên, ranh giới giữa văn hóa và thiếu văn hóa trong hoạt động tâm linh này đang trở nên quá mong manh bởi những hành động xấu xí. Không phải ai đến chùa cũng hiểu được đầy đủ ý nghĩa của việc đi chùa lễ Phật, hoặc không biết cách thực hành nghi lễ ở nơi chùa chiền sao cho đúng. Phóng viên đã phỏng vấn Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Viết Chức xung quanh vấn đề này.
Người dân quan niệm, đi lễ đầu năm sẽ mang lại may mắn, tài lộc |
Pv: Thưa ông, có rất nhiều hình ảnh phản cảm trong không gian chùa khiến dư luận bức xúc như: chen lấn, xô đẩy, nhét tiền lẻ vào tay tượng, bê cả mâm lợn quay vào chùa, ăn mặc hở hang, thắp cả bó hương gây không khí ngột ngạt, vào chùa chỉ để chụp ảnh, đi chùa chỉ để xin lộc, buôn bán quá mức trong khuôn viên chùa chiền…Cá nhân ông nghĩ sao về điều này?
TS Nguyễn Viết Chức: Xuân về là mùa lễ hội, là dịp để đi vãn cảnh chùa… đó là nét đẹp truyền thống nhưng rất tiếc, có nơi giữ được, có nơi mai một, có nơi méo mó.. Tại sao lại như thế, sao lại có những hành động phản cảm ở chốn linh thiêng. Chúng ta nói rồi nhưng phải nói nữa, nhất là các cơ quan báo chí cần lên tiếng để giữ lại những nét đẹp và loại bỏ đi những cái xấu. Tại sao đến chùa lại ăn mặc hở hang, chen lấn xô đẩy…Mình đã đến chùa, nơi có đức phật từ bi, dẫu không phải là phật tử nhưng ở nơi thờ tự tôn nghiêm như thế, phải ăn mặc sao cho phù hợp. Các cụ nói rồi “đáo giang tùy khúc” mà. Mình cũng biết phải ứng xử như thế nào cho có văn hóa. Vào chùa là để tìm sự thanh tịnh, thiêng liêng, tốt đẹp cơ mà…
Pv: Có người quan niệm, đi lễ chùa, càng lễ to càng tốt. Họ mang rất nhiều vật phẩm như xôi, gà, thậm chí cả con lợn to, vàng mã, rượu bia… Họ quan niệm, làm như thế sẽ được phật chứng cho và có thêm nhiều lộc. Ông có đồng ý với quan điểm này không?
TS Nguyễn Viết Chức: Quan điểm như thế là hoàn toàn sai lầm nếu không muốn nói là trần tục hay dung tục. Phật không như thế. Phật còn dạy chúng ta tiết chế, tiết kiệm. Hòa thượng Thích Thanh Tứ (đã viên tịch) trước kia cùng là đại biểu Quốc hội với tôi. Ông có nói rằng, đi lễ phật không cần phải lễ to, thậm chí đốt hương cũng phải hạn chế. Cụ có nói rằng: “Một nén hương thấu tới cửu trùng”. Ngay cả đốt vàng mã, đó cũng không phải phong tục nhà chùa. Đó là tục của một đạo khác, không phải của đạo Phật. Thêm nữa, đến cửa phật lại mang đồ mặn thì hoàn toàn sai. Đặc biệt, đi lễ thành tâm chứ không phải là lễ to hay nhỏ. Hối lộ phật, hối lộ thánh thần thì càng không nên. Có khi lễ càng to, càng thêm tội lớn trước đức Phật ấy chứ.
Pv: Thế còn dịch vụ đổi tiền lẻ ngay trước cửa phật để trục lợi thì sao thưa ông?
TS Nguyễn Viết Chức: Việc có một chút tiền lẻ để dâng lên lễ phật là nhu cầu có thật nhưng nhu cầu đó lại trở thành cái để buôn bán thì gần như vi phạm pháp luật chứ không phải đơn giản. Họ kiếm đâu ra cả sấp tiền mới cứng và đổi với giá mấy chục phần trăm như vậy thì đó là cách buôn bán, trục lợi trong hoạt động tâm linh. Thứ hai, tiền lẻ khi đi vào chùa, người ta gọi là tiền đèn hương cho những người tu hành nhưng lại biến tiền đó thành tiền hối lộ thần phật thì hoàn toàn không tốt. Có người còn cài tiền lẻ vào tay phật chẳng khác nào sự xúc phạm. Tôi rất buồn khi nhìn thấy cảnh người ta nhét tiền lẻ ở khắp mọi nơi trong chùa.
Theo tôi, những người làm công tác văn hóa, quản lý lễ hội cũng phải có trách nhiệm. Tuy nhiên, chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội có gần 6000 di tích khác nhau, trong đó có rất nhiều chùa chiền. Hầu như làng nào cũng có chùa thì có thể nói, không biên chế nào có thể quản lý hết việc đó. Quan trọng là mỗi người phải tự mình hành xử sao cho có văn hóa, đặc biệt là phải hiểu biết. Đi lễ chùa, lễ đền, lễ thánh thì cần phải làm thế nào… Tôi chỉ nói ngắn gọn thế này: cần chuẩn bị một cái tâm của mình thật trong sáng. Tâm thành thì mọi điều mình mong muốn đều có thể đạt được. Tâm không thành, lại xin rất nhiều thứ thì là tham lam, tức là tham-sân-si, phật không chứng cho đâu.
Pv:Thưa ông, đến cửa Phật, ai cũng mong được đứng chắp lễ trước Tam bảo nhưng nhiều người như vậy thì sẽ có người đứng trước, người đứng sau, thậm chí chen nhau để lễ…
TS Nguyễn Viết Chức: Chen lấn, xô đẩy ở chốn cửa phật không tốt tí nào. Theo tôi, ở chốn cửa phật nên nhường nhịn, đem niềm vui hạnh phúc đến cho nhiều người khác thì mình cũng sẽ có may mắn. Kinh nghiệm ở đời, người ta cũng tìm thấy điều đó. Thứ hai, người ta có câu: Thứ nhất là tu tại gia. Thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa. Thậm chí ở nơi rất xa đức phật, xa cửa chùa nhưng nếu mình tu dưỡng tốt thì phật cũng rất gần với những con người thánh thiện. Có lẽ, đây là một thói xấu. Tôi rất mong, sẽ không phải nhìn những cảnh tượng như vậy nữa ở chốn cửa phật.
Pv: Có một thực tế là rất nhiều người đi lễ theo phong trào. Họ không biết hoặc không cần quan tâm chùa ấy, đền ấy thờ ai, lịch sử thế nào…
TS Nguyễn Viết Chức: Cũng chẳng trách họ được bởi vì không phải ai cũng hiểu sâu xa đạo lý nhà phật. Còn các di tích, di sản thì có thể ban đầu không biết nhưng khi bước chân vào đó, mình cũng cần phải đọc xem, đền này thờ vị thánh nào hay thờ vị quan thanh liêm nào…Còn vào chùa thì đương nhiên là thời phật rồi. Không nhất thiết là phải tìm hiểu một cách kỹ lưỡng nhưng cũng nên biết, đến chùa thì mình thắp hương ai, thắp hương như thế nào. Đến đền thì ít nhất cũng phải biết, đền đó thờ vị nhân thần hay thiên thần….
Pv: Dù Trung ương giáo hội phật giáo Việt Nam đã đề xuất việc không đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự nhưng có lẽ, việc này chỉ hạn chế phần nào chứ người ta vẫn cúng và đốt vàng mã, dù có thể ít hơn trước.
TS Nguyễn Viết Chức: Đây là điều mà chúng ta phải kiên trì. Năm ngoái, tôi rất hoan nghênh Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra văn bản kêu gọi không đốt vàng mã ở cơ sở thờ tự bởi nó không đúng với đạo Phật hoặc đốt quá nhiều theo suy nghĩ, đốt nhiều thì được lộc nhiều. Còn trong đời sống của chúng ta, việc đốt nhiều vàng mã vừa gây tốn kém, vừa ảnh hưởng đến môi trường nên tôi rất ủng hộ chủ trương không đốt vàng mã ở nhà cũng như ở chùa. Cứ thiện tâm thì không sợ gì phật không chứng dám. Chúng ta cứ hăng say lao động, sáng tạo và hành thiện (làm nhiều điều tốt) thì sẽ có thành quả. Các cụ ta dã dạy “tích thiện thì phùng thiện, tích ác thì phùng ác” nghĩa là tích thiện thì sẽ gặp thiện và ngược lại.
Pv: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông đã giúp cho chúng tôi và độc giả có một cái nhìn đúng đắn hơn trong mùa lễ hội này.