Nghệ thuật thích ứng

GD&TĐ - Dịch bệnh Covid-19 không chỉ khiến thế giới phải thay đổi, đó còn là mệnh đề đối với mỗi người và mỗi ngành nghề đòi hỏi phải thích ứng nếu muốn tồn tại.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Dịch Covid-19 được ví như bức tường thành ngăn trở mọi hoạt động xã hội. Thậm chí, dịch bệnh còn được ví như một cỗ chiến xa tấn công tính mạng, sức khoẻ, kinh tế, giáo dục. Đặc biệt, hoạt động văn hoá – nghệ thuật cộng đồng gần như tê liệt với hàng loạt nhà hát, sân khấu đóng cửa; nhiều đoàn nghệ thuật tan rã; các dự án phim dừng vô thời hạn…

Từ đầu năm 2021, chờ khi dịch bệnh tạm thời lắng xuống thì loạt phim đình đám như: Trạng Tí, Thiên thần hộ mệnh, Lật mặt: 48h – mới được ra mắt vào tháng 4 đang có doanh thu rất tốt. Từ đầu tháng 5, khi dịch bệnh trở lại, các rạp ở TP HCM, Hà Nội tạm dừng hoạt động để phòng dịch. Đại diện các cụm rạp đã tiến hành hoàn tiền cho những khán giả đã mua vé trước.

Không chỉ ngành điện ảnh, các sân khấu, nhà trưng bày triển lãm cũng phải tạm dừng. Loạt dự án sân khấu kết hợp xiếc với cải lương, rồi hoạt động múa rối phục vụ Tết thiếu nhi 1/6… tạm đình chỉ. Những thiệt hại này ảnh hưởng trực tiếp và rõ rệt đến mỗi nghệ sĩ, có lúc khiến họ điêu đứng.

Trong bối cảnh dịch bệnh khó lường, việc chủ động ứng phó với khó khăn, tìm hướng phát triển cho thị trường nghệ thuật là hết sức cần thiết.

Các nhà phát hành, đạo diễn không thể kêu gọi khán giả đến rạp, đến sân khấu vì quy định phòng, chống dịch bệnh phải được đặt lên hàng đầu. Điều đó đồng nghĩa với việc các bộ phim, vở diễn trong thời gian xảy ra dịch bệnh phải chịu nhiều thiệt thòi.

Thế nhưng, khó khăn đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Việc bảo đảm hoạt động ổn định và bền vững cho cả nền nghệ thuật mới là bài toán hóc búa.

Nếu không có giải pháp để “cứu” điện ảnh, thì rất có thể “nghệ thuật thứ bảy” sẽ không còn tồn tại, vì không nhà sản xuất nào đầu tư để phim phải “xếp kho”. Nếu khán giả không đến sân khấu, các nghệ sĩ sẽ phải bỏ nghề…

Tuy nhiên, những khó khăn cũng là thách thức để các nghệ sĩ thể hiện bản lĩnh. Đẩy mạnh phát hành trên các nền tảng trực tuyến đang là xu hướng mới từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Đó cũng là cách để nghệ thuật thích ứng với thời dịch bệnh, vì ngoài việc phát hành trực tuyến, thì xem ra không còn cách nào tốt hơn.

Sân khấu kịch đóng cửa, nhiều vở diễn hoặc trích đoạn được tải miễn phí lên các trang mạng xã hội. Rạp phim đóng cửa, các nền tảng xem phim theo yêu cầu tích cực mở rộng kho nội dung. Hội sách trực tuyến cũng mang đến trải nghiệm thú vị với nhiều ưu đãi, giảm giá, miễn phí vận chuyển.

Và còn đó rất nhiều cuộc thảo luận, triển lãm, khóa học nghệ thuật được thực hiện trực tuyến, và bản thân nghệ sĩ cũng quen dần với điều đó.

Quay trở lại ví von dịch bệnh Covid-19 như bức tường thành, thì việc xã hội cũng như ngành nghệ thuật phải làm không phải là lao vào bức tường thành ấy. Ngược lại phải chủ động thích ứng với dịch bệnh để tồn tại và không ngừng sáng tạo, phát triển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô giáo Lê Thị Thu Hường và học trò

Buồn vui nghề giáo

GD&TĐ - Tròn 20 năm được làm cô giáo, nhìn lại chặng đường đã đi, trong tôi không khỏi dâng lên bao cảm xúc khó tả buồn vui với nghề.

Haaland làm được điều không tưởng

Haaland làm được điều không tưởng

GD&TĐ - Chỉ mới 24 tuổi nhưng tiền đạo Erling Haaland đã ghi được tới 25 cú hat-trick tính cả trong màu áo câu lạc bộ lẫn tuyển quốc gia.