Nắm bắt sự nhanh nhạy của mạng xã hội và lợi ích lan toả mạnh mẽ trong thời đại 4.0, nhiều nghệ sĩ đã khởi động chương trình nghệ thuật để quảng bá văn hoá Việt Nam rất hiệu quả.
Trên kênh Dân ca và nhạc cổ truyền, khán giả có thể nghe “Truyện Kiều” được thể hiện bằng hình thức ngâm, vốn được sinh ra gắn liền với “Truyện Kiều” mà các nghệ sĩ âm nhạc dân tộc vẫn gọi là lẩy “Kiều”. Giọng ngâm của nghệ sĩ Thanh Hoài vang lên trên nền nhạc đàn tranh, đàn nguyệt và sáo.
Chỉ sau 3 tuần phát hành trên YouTube, clip phần ngâm “Kiều” thăm mộ Đạm Tiên của các nghệ sĩ đã có hơn 66.000 lượt xem. Cũng trong khoảng đó thời gian, clip phần Kiều bán mình chuộc cha do nghệ sĩ Quốc Khanh ngâm đạt hơn 69.000 lượt xem.
Ngày trước, ngâm “Kiều” giúp bao thế hệ hiểu về “Truyện Kiều” cùng những triết lý sâu sắc mà Đại thi hào Nguyễn Du chiêm nghiệm. Trong mọi hoàn cảnh vui buồn, ru con, dỗ trẻ, răn người… lẩy một câu “Kiều” đủ nói hết cả tầng văn hoá đầy bản sắc của người Việt.
Cho đến bây giờ, ngâm “Kiều” trở nên xa lạ với đa số giới trẻ. Thay vì nghe “Kiều”, họ tìm đến nhạc trẻ hoặc các loại hình mang tính giải trí hời hợt.
Các nghệ sĩ nhận thấy âm nhạc của “Kiều” vẫn tồn tại trong nhiều thể loại kịch hát truyền thống và ca hát dân gian như chèo, ca trù, xẩm... nên muốn đưa thứ âm nhạc ấy trở về đúng vị trí.
Họ đã “nhặt” phần âm nhạc đó ra kết nối lại với những câu thơ trong “Truyện Kiều”, tạo thành một tác phẩm trọn vẹn liền mạch.
Kết quả mang lại khiến các nghệ sĩ tâm huyết cũng phải bất ngờ. Hàng vạn lượt thích cùng những chia sẻ bình luận tích cực từ khán giả trong và ngoài nước. Họ nhận ra mạng xã hội là phương tiện hữu ích trong việc quảng bá văn hoá Việt.
Nghệ thuật truyền thống có thể được giới thiệu tới những khán giả quan tâm, cũng như được lan tỏa giúp mở rộng thêm khán giả ở mọi khoảng cách địa lý.
Không chỉ trọng tâm âm nhạc cổ truyền, một số nghệ sĩ còn nhờ mạng xã hội để lan tỏa ca khúc thiếu nhi khi dịch ra tiếng Anh, với mong muốn bạn bè nước ngoài biết về âm nhạc thiếu nhi Việt Nam.
Cô giáo ngoại ngữ Bạch Thùy Linh (nghệ danh Nguyệt Ca) cùng những người bạn của mình đang thực hiện dự án rất ý nghĩa như vậy ngay tại Hà Nội.
Không kinh phí, chỉ bằng tâm huyết nghệ thuật và niềm đam mê văn hoá nhưng các nghệ sĩ đã làm điều đáng ngưỡng mộ. Vừa giữ gìn nghệ thuật truyền thống lại giúp lan toả nền văn hoá đậm bản sắc Việt ra với thế giới.
Trong khi xã hội chạy theo đồng tiền, người người vì lợi ích kinh tế thì vẫn tồn tại những tâm hồn cao cả. Hành động quảng bá văn hoá thành công hay thất bại rồi cũng sẽ qua đi, nhưng điều tốt đẹp luôn tồn tại mãi mãi – đó là những dấu ấn tinh thần quan trọng và đáng quý lắm thay!