Nghệ thuật quản trị nhân sự trong nhà trường

GD&TĐ - Một trong những yếu tố quan trọng để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là đổi mới quản trị nhân sự trong nhà trường. Đây được xem là yếu tố tiên quyết, góp phần vào thành công đổi mới GD.

Tạo động lực cho giáo viên phát triển năng lực nghề nghiệp.
Tạo động lực cho giáo viên phát triển năng lực nghề nghiệp.

Phân công đúng người, đúng việc

Sau gần 3 tháng triển khai Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới với lớp 1, cô Hoàng Thị Thu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ia Nhin (Chư Păh, Gia Lai) khẳng định: GV có vai trò quan trọng và là nhân vật trung tâm của đổi mới lần này. “Cái mới bao giờ cũng khó, vậy làm thế nào để giúp GV vượt qua và biết biến khó khăn thành động lực” – cô Thu đặt vấn đề, đồng thời nhấn mạnh: Hiệu trưởng chính là người đồng hành, sát cánh, giúp GV vượt qua khó khăn. Thậm chí đứng lớp dạy học để trải nghiệm cùng GV, từ đó mới có giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ những khó khăn cho người dạy.

Theo cô Thu, vấn đề sử dụng GV như thế nào cho hợp lý nhằm phát huy năng lực của họ cũng là bài toán khó, bởi nếu hiệu trưởng không tinh tế có thể sẽ khiến giáo viên tự ái, thậm chí là mất động lực làm việc. Vì thế phải dung hòa các mối quan hệ, phân công công việc đúng và trúng đối tượng. “Chẳng hạn, với lớp 1 nên ưu tiên cô giáo nhẹ nhàng, nền nã, tỉ mỉ và tâm lý với học trò làm chủ nhiệm; không nhất thiết phải phân công GV giỏi, xuất sắc. Những GV này nên phân công chủ nhiệm các lớp của khối 4 hoặc khối 5” – cô Thu chia sẻ.

Cô Thu vừa tham gia khóa bồi dưỡng, tập huấn mô–đun 2 về quản trị nhân sự trong trường học do Học viện Quản lý Giáo dục tổ chức. Sau tập huấn, cô càng nhận thức, quản trị nhân sự là “nghệ thuật của nghệ thuật”, đòi hỏi người hiệu trưởng phải học nữa, học mãi. “Trước đây, việc quản lý nhân sự vẫn làm theo kinh nghiệm là chính. Nay được bồi dưỡng, tập huấn bài bản, chắc chắn việc quản lý nhân sự trong trường sẽ khoa học và hiệu quả hơn” – cô Thu cho hay.

Là cán bộ quản lý cốt cán của tỉnh, thầy Đàm Thanh Lạc - Hiệu trưởng Trường THPT Giồng Riềng (Kiên Giang) cũng là GV cốt cán của tỉnh được tham gia khóa bồi dưỡng mô-đun 2 về về quản trị nhân sự trong trường học. Thầy Lạc ghi nhận, nội dung, chương trình, phương pháp tổ chức bồi dưỡng, tập huấn của Bộ GD&ĐT phù hợp với giảng viên và học viên. “Chúng tôi được hướng dẫn cặn kẽ phương pháp học, tự học qua nhiều hình thức phong phú, dễ hiểu như: Đọc tài liệu, nghiên cứu sơ đồ, bảng biểu cô đọng, thiết thực, xem những video trao đổi từ chuyên gia và của các cơ sở giáo dục” - thầy Lạc chia sẻ.

Thầy Lạc mong muốn ở đợt tập huấn tiếp theo sẽ được lắng nghe thật nhiều chia sẻ từ các cơ sở giáo dục, với những cách thức, phương pháp quản trị nhân sự cụ thể nhưng có tính linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Từ đó, trang bị cho bản thân kiến thức và kỹ năng quản trị nhân sự phong phú, hiệu quả để chuẩn bị cho việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Hoạt động ngoại khóa chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 của Trường Tiểu học Ia Nhin. Ảnh: NTCC
Hoạt động ngoại khóa chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 của Trường Tiểu học Ia Nhin. Ảnh: NTCC

Đổi mới tư duy quản trị

Từ kinh nghiệm thực tế quản trị nhân sự của mình, thầy Lạc cho rằng: Để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng, có tính chất quyết định đến sự thành công hay thất bại. Trong đó, đổi mới tư duy quản trị nhân sự và quản trị nhà trường là vấn đề cơ bản hàng đầu và then chốt. Mặt khác, để đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cần đánh giá khách quan, chính xác thực trạng đội ngũ, chú ý rà soát về số lượng, chất lượng và cơ cấu.

“Việc đánh giá đội ngũ cán bộ, quản lý, GV phải căn cứ vào chuẩn quy định của Bộ GD&ĐT đã ban hành. Trên cơ sở thực trạng đội ngũ, nhà trường tiến hành xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn. Ngoài ra, cần dự báo tình hình phát triển trường, lớp và nhu cầu, nguyện vọng học tập của HS để có kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ phù hợp” – thầy Lạc chia sẻ.

Theo thầy Lạc, Chương trình giáo dục phổ thông mới chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học; do đó, cần nâng cao nhận thức đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo định hướng này. Nội dung Chương trình giáo dục phổ thông mới tạo cơ chế mở, linh hoạt và trao quyền nhiều hơn cho các cơ sở giáo dục cũng như đội ngũ GV. Vì thế, các thầy cô cần được trang bị các kỹ năng cần thiết để lựa chọn phương pháp, hình thức và nội dung dạy học phù hợp; đồng thời phát triển kỹ năng xây dựng các chuyên đề học tập, kỹ năng kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS...

Cũng theo thầy Lạc, nhà trường đã triển khai, quán triệt trong đội ngũ cán bộ, GV và nhân viên nắm vững những mục tiêu của chương trình mới, phương pháp giáo dục phân hóa, kế hoạch giáo dục, các môn học bắt buộc,  nhóm môn học tự chọn, các chuyên đề học tập, hoạt động giáo dục, nội dung giáo dục địa phương… “Chúng tôi khuyến khích thầy cô tìm hiểu những định hướng, nội dung cơ bản của Chương trình giáo dục phổ thông mới thông qua các văn bản của Bộ GD&ĐT; đồng thời đôn đốc, nhắc nhở đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tham gia tập huấn trực tuyến qua mạng cơ sở dữ liệu và bồi dưỡng trực tiếp do Sở GD&ĐT Kiên Giang tổ chức, để có nền tảng vững chắc khi bắt tay vào thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018” – thầy Lạc nói.

Yếu tố quan trọng nhất khi thực hiện đổi mới quản trị nhân sự đó là, hiệu trưởng phải đánh giá đúng thực trạng đội ngũ, nhất là chất lượng đội ngũ theo chuẩn nghề nghiệp được Bộ GD&ĐT ban hành. Bởi có đánh giá đúng thực trạng đội ngũ, nhà trường mới có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu của đơn vị, trình độ, năng lực của GV, nhu cầu của đổi mới, nhằm đáp ứng tốt nhất Chương trình giáo dục phổ thông 2018. - Thầy Đàm Thanh Lạc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ