Nghệ thuật lãnh đạo

GD&TĐ - Trong thực tế giảng dạy xuất hiện vô vàn những tình huống đòi hỏi giáo viên phải có năng lực sư phạm và kỹ năng để xử lý. Tuy nhiên, không phải giáo viên nào cũng có đủ kỹ năng ứng xử. Do đó, cần lấp đầy khoảng trống này, để giáo viên tự tin trước mỗi tình huống bất ngờ xảy ra.  

Xây dựng trường học hạnh phúc từ những việc làm nhỏ.
Xây dựng trường học hạnh phúc từ những việc làm nhỏ.

Những tình huống ngoài sách vở

Gần 20 năm đứng trên bục giảng, cô Lê Thị Mùi - giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Tám (TP Lào Cai) không thể nào nhớ hết các tình huống sư phạm mà cô phải giải quyết, hầu hết là ngoài sách vở. Cô cho biết, với HS tiểu học có vô vàn lý do có thể khiến giáo viên bực mình, nổi nóng nếu như không biết tiết chế cảm xúc. Nhiều nhất là những tình huống HS xung đột với nhau, các bạn trong lớp cầm nhầm đồ dùng học tập của nhau. Những tình huống tưởng nhỏ nhưng nếu giáo viên không ứng xử khéo léo thì rất dễ gây tổn thương tâm lý cho học sinh.

Theo cô Mùi, trong thời gian học ở trường sư phạm, các thầy cô cũng không thể nào trang bị hoặc dạy hết những tình huống và kỹ năng ứng xử. Quan trọng là trong quá trình dạy học, GV phải biết vận dụng vào từng tình huống cụ thể. Đặc biệt, giáo viên cần có độ “nhạy” để xử lý những tình huống bất ngờ.

Từng rơi vào tình huống “khó đỡ”, cô Đỗ Thị Kim Ngân - GV Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: Trong buổi họp phụ huynh, cô đã phải chứng kiến cảnh phụ huynh cãi nhau, thậm chí là có những lời nói xúc phạm và hành vi gây gổ, thiếu văn hóa. Nếu như không có sự can ngăn của mọi người, có lẽ sẽ có một cuộc ẩu đả ngay trong buổi họp phụ huynh hôm đó. Trước sự việc bất ngờ xảy ra như vậy, cô Ngân vẫn bình tĩnh và làm giảm bớt cơn nóng giận của phụ huynh.

“10 năm vào nghề nhưng năm nay tôi mới phải chứng kiến sự việc ngoài mong đợi này. Các thầy, cô khác có hỏi: Lúc đó tôi có sợ không? Thành thật mà nói, tôi rất sợ và cũng rất giận. Nhưng nếu hôm đó, tôi nổi nóng thì khác nào đổ thêm dầu vào lửa, hoặc nếu tôi run sợ, bỏ đi thì sự việc chắc chắn sẽ không được giải quyết êm xuôi. Do đó tôi vẫn bình tĩnh, cứng rắn và làm chủ diễn đàn để giải quyết mâu thuẫn. Cuối cùng mọi vấn đề đã được hóa giải. Tôi nghĩ rằng, bình tĩnh, chủ động giải quyết những xung đột bằng cả sự chân thành của mình sẽ “rút được ngòi nổ” một cách nhẹ nhàng nhất” - cô Ngân trao đổi.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Trong thực tế giảng dạy, có vô vàn tình huống sư phạm mà giáo viên sẽ phải xử lý. Mỗi giáo viên sẽ có những ứng xử khác nhau nhưng tất cả đều dựa trên nền tảng văn hóa và xuất phát từ lòng yêu thương học sinh. Bởi đích đến cuối cùng là xây dựng trường học hạnh phúc. Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Xây dựng trường học hạnh phúc không phải “một sớm, một chiều” là có ngay. Chúng ta phải làm dần dần và làm từng bước. Quan trọng là mỗi người cần có ý thức hướng tới những điều tốt đẹp và tự nguyện làm vì những điều tốt đẹp và cùng chúng ta, để xây dựng trường học hạnh phúc.

“Chúng tôi không đặt nặng thi đua và cũng không cho phép mang việc xây dựng trường học hạnh phúc ra làm vấn đề thi đua. Đây phải là hoạt động có tính chất thiết thực và vì lợi ích của từng thành viên trong nhà trường. Hạnh phúc không phải là những gì quá to tát, khuôn mẫu để hô hào, mà hạnh phúc cần hướng tới sự bao dung và sáng tạo…”, Bộ trưởng chia sẻ.

Giáo viên cần thay đổi

Chúng tôi sẽ phối hợp với các chuyên gia để bồi dưỡng, nâng cao năng lực sư phạm cho GV trong việc giải quyết các tình huống có thể xảy ra ở trường, ở lớp. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tổ chức các cuộc vận động tôn vinh hình ảnh nhà giáo để xã hội nhìn nhận các thầy, cô với những thiện cảm và đúng mức hơn. 
Ông Vũ Minh Đức

Theo Bộ trưởng, cần quan tâm đến đội ngũ thầy cô giáo và HS. Đây là 2 nhóm đối tượng quan trọng trong nhà trường. Mỗi thầy cô có hoàn cảnh khác nhau nên việc thực hiện công việc với người này có thể là thuận lợi nhưng với người khác thì khó khăn. Do đó, trong hội đồng sư phạm, rất cần các thành viên coi nhau như gia đình và cùng hỗ trợ nhau để làm tốt công việc được giao. Thầy cô giáo phải hợp tác, lắng nghe và tôn trọng lẫn nhau. Đặc biệt, lắng nghe học sinh của mình để có những phương pháp giáo dục hiệu quả nhất.

Cho rằng GD đang chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều tác động từ phía xã hội, ông Vũ Minh Đức - Chủ tịch Công đoàn GD Việt Nam chia sẻ: Điều quan trọng là các thầy cô giáo cần thay đổi, để ngày hôm nay tốt hơn hôm qua và ngày mai tốt hơn hôm nay. Chính sự thay đổi của các thầy cô giáo sẽ dẫn đến thay đổi của các em HS và thay đổi về chất lượng của GD.

Ông Đức cho biết: Công đoàn GD Việt Nam phối hợp Bộ GD&ĐT tổ chức phát động “Triển khai Kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc”.

Theo đó, Công đoàn GD Việt Nam sẽ triển khai 3 nhiệm vụ trọng tâm: Nâng cao nhận thức của các thầy cô giáo về quyền hạn, nhiệm vụ chức năng và những quy tắc ứng xử trong nhà trường; Hỗ trợ về năng lực sư phạm và ứng xử đối với nhà giáo. Đây là việc mà trong các trường sư phạm vẫn còn trống trong đào tạo giáo viên. Do đó khi chính thức đứng trên bục giảng, các thầy, cô giáo không đủ tự tin để xử lý những tình huống sư phạm khó có thể xảy ra; Tôn vinh, lan tỏa tinh thần hạnh phúc của các nhà trường đến các thầy, cô giáo. Những thầy cô giáo có sự tiến bộ làm cho HS của mình hạnh phúc sẽ được lãnh đạo Bộ, Công đoàn ngành tôn vinh khen thưởng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.