Chiếu tia nắng sắc màu
Theo thông lệ, tháng 4 là tháng “Thắp đèn xanh lơ - Light it up blue” – nâng cao nhận thức về hội chứng tự kỷ trên toàn thế giới. Khi đó, những sự kiện văn hóa nghệ thuật được tổ chức tưng bừng khắp nơi để cộng đồng hiểu hơn, sẻ chia và giúp đỡ người tự kỷ hòa nhập, giao tiếp xã hội.
Thế nhưng, tháng 4 năm nay, vì dịch Covid-19 hoành hành, chiến dịch “Thắp đèn xanh lơ” vắng các sự kiện được tổ chức trực tiếp. Chẳng hề nản lòng, Tòhe Fun (sân chơi sáng tạo nghệ thuật cho trẻ đặc biệt) vẫn “Thắp đèn xanh lơ” bằng một triển lãm nghệ thuật online mang tên “Hửng nắng” kéo dài đến hết tháng 4 để các “nghệ sĩ” có hội chứng tự kỷ cùng nhau... “hửng nắng”.
“Nghệ sĩ” Phạm Bình Minh là người “hửng” những tia nắng sắc màu đầu tiên của triển lãm bằng các bức tranh, tác phẩm giấy bồi. Nối tiếp đó là những tia nắng của Lee Nguyễn Sahae, Hoàng Anh Thắng, Văn Minh Đức, Đỗ Bạch Dương, Phạm Khôi Nguyên...
Vẫn là những bức tranh về thế giới động vật, tranh chân dung, phong cảnh... thế nhưng, tia nắng của mỗi “nghệ sĩ” tự kỷ luôn truyền đến cho công chúng sự ấm áp, nồng hậu mà tươi sáng, tinh nghịch rất đỗi riêng biệt. Lee Nguyễn Saehae kéo mọi người vào cuộc vui chơi của những tuýp màu: Một dòng sông Blue để Red ngủ quên, Brown mang đôi cánh thiên thần... Hoàng Anh Thắng lại khiến nhiều người thấy tâm hồn mình trở nên thơ trẻ khi xem tranh ốc sên đi dạo, bạn thú mỏ vịt Perry nhuộm đỏ vì... ăn ớt. Cô nàng duy nhất “hửng nắng” tại triển lãm - Đỗ Bạch Dương thì khiến khán giả thêm phần lãng đãng vì những bức tranh... mưa: Mưa Huế dăng dăng chùa Thiên Mụ, những chú lợn đuổi nhau dưới mưa xanh tím, chú gà trống kiêu hãnh trong mưa...
Trong khi đó, Phạm Khôi Nguyên gieo thêm những tia nắng yêu thương, đoàn tụ khi cậu vẽ về gia đình, người thân... cùng gương mặt lúc nào cũng rạng rỡ. Tranh của Văn Minh Đức (26 tuổi) thì đem đến những giây phút thư giãn sảng khoái trước cái “nháy mắt” của các mảng màu ở cả tranh phong cảnh lẫn tranh chân dung...
Tất cả những tác phẩm nghệ thuật ấy càng sống động khi được Tòhe Fun kể thành câu chuyện truyền cảm qua giọng đọc nhí nhảnh và âm nhạc rộn ràng được dựng thành clip. Các nhân vật trong tranh không hề đứng im mà những chú lợn, thỏ, gà, bông hoa... đều biết chuyển động, những khuôn mặt đều biết nháy mắt, mỉm cười... Mỗi ngày, Tòhe Fun đăng tải một câu chuyện trên fanpage của mình khiến khán giả “mê tít”. “Rất thích tranh của các em. Xem tranh mỗi ngày để cuộc sống nhẹ nhàng hơn. Sáng tạo của Tòhe truyền cảm hứng tới người xem” – bà Bùi Thị Lý bày tỏ.
Để cuộc sống “hửng nắng”
Triển lãm nghệ thuật online “Hửng nắng” không chỉ giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật, mà còn kể rất nhiều câu chuyện về nghị lực sống của các “nghệ sĩ” tự kỷ từ các cán “bọ” đi “love” ở Tòhe Fun. Những câu chuyện ấy rất đỗi giản dị đôi khi cười ra nước mắt mà chạm đến cảm xúc người đọc rồi góp thêm những tia nắng để cuộc sống “hửng nắng”.
“Vì sao bông hoa vui? - Vì bông hoa cười. - Vì sao bông hoa cười? - Vì bông hoa mở mắt” – Cán “bọ” đi “love” Thùy Dương nhắc lại đoạn hội thoại ấy của mình với Bạch Dương để rồi giật mình: “Ơ sao lại thế nhỉ? Bông hoa cười vì vui chứ? Tại sao bông hoa lại vui vì cười?” và nhận ra: “Mọi điều tốt đẹp bắt nguồn chỉ từ một nụ cười”.
Rồi thì cả một câu chuyện khá dài về hành trình khám phá chính mình của cậu bé Lee Nguyễn Sae Hae được mẹ Sae Hae – chị Nguyễn Thị Anh Vân kể lại với cán “bọ” đi “love”. Câu chuyện không chỉ ăm ắp nhọc nhằn mà còn chan chứa những yêu thương, những nỗ lực của Sae Hae và cha mẹ về một Sae Hae “nghệ sĩ”, một Sae Hae biết nấu cơm, nhặt rau, rang lạc, giặt quần áo, biết xin phép mẹ để chơi nếu muốn. “Có những hôm mẹ đang mải làm việc, nói Sae Hae xuống nấu cơm, vậy là khi mẹ xuống đã có nồi cơm sẵn sàng... Ở nhà nghỉ dịch lâu không được ra ngoài, Sae Hae bắt đầu quan tâm một chủ đề mới: “Chuyện gì sẽ xảy ra vào một thời điểm trong tương lai? Tháng 8/2021 làm gì?” – Câu chuyện được chị Anh Vân kể lại.
Hay chuyện của “nghệ sĩ” nhớn Văn Minh Đức giỏi ghi nhớ, rất khéo tay mà lại luôn chăm chỉ làm việc đến... rập khuôn. Thế nên, hơn mười năm qua, mùng một Tết nào anh chàng cũng mang rác đi đổ, chẳng cần kiêng cữ gì cả.
Theo chị Nguyễn Thị Hải Yến, trong quá trình tổ chức sân chơi sáng tạo cho các bạn nhỏ tự kỷ, bất cứ lúc nào Tòhe cũng dừng lại nghĩ về thời gian ở cạnh các bạn, cùng học, cùng vẽ, cùng chơi đều cảm thấy rất ấm áp và hạnh phúc. Các bạn như những tia nắng đặc biệt mang đến những nguồn năng lượng tích cực, xua đi những mệt mỏi, buồn chán... Rất nhiều những bài học và cảm xúc đã được gọi tên khi ở cạnh các bạn. Tòhe học cách yêu thương từ những điều nhỏ nhất, kiên nhẫn hơn mỗi ngày và hồn nhiên rất chân thật.
“Vậy nên tên “Hửng nắng” vừa có ý nghĩa các bạn thắp lên nắng yêu đời trong lòng chúng mình, vừa có ý nghĩa về một niềm tin vào tương lai tốt đẹp các bạn sẽ ngày càng được phát triển, hòa nhập với cộng đồng. Thông qua triển lãm “Hửng nắng”, Tòhe muốn giới thiệu tác phẩm và tôn vinh tài năng của các bạn đến với cộng đồng. Đồng thời Tòhe cũng muốn tìm kiếm và kết nối thêm những nguồn lực hỗ trợ phù hợp cho các “nghệ sĩ” đặc biệt này” – chị Nguyễn Thị Hải Yến, phụ trách truyền thông Tòhe chia sẻ.
“Khi xem tranh của mình ở “Hửng nắng”, lúc đầu Sae Hae tủm tỉm, nói theo lời giới thiệu, sau đó con ngồi xem chăm chú và bảo rất thích, rất vui. Thực ra, không riêng gì với Sae Hae, tôi cũng rất xúc động và biết ơn Tòhe đã “xây” một ngôi nhà nghệ thuật tràn đầy tiếng cười...”. - Chị Nguyễn Thị Anh Vân, mẹ bé Sae Hae