Bà đã dành hơn nửa thế kỷ đóng góp không mệt mỏi cho việc đào tạo, sáng tác, cải tiến đàn tỳ bà để loại nhạc cụ này được nhiều người biết và yêu thích...
Người mẹ của những đứa con tài năng
NSND Mai Phương. |
Trong mắt của học trò, NSND Mai Phương giống như một người mẹ nghệ thuật và cũng là một người mẹ trong cuộc sống. Ở bà có một tình yêu thương vô bờ dành cho học trò cũng như sự tâm huyết truyền dạy đàn tỳ bà cho các thế hệ.
Nghệ sĩ Phan Thủy (giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) là một trong những “người con” mà “mẹ” Mai Phương rất kỳ vọng. Nói về nghệ sĩ Mai Phương, nghệ sĩ Phan Thủy bày tỏ, đó là một người luôn cháy bỏng nhiệt huyết với cây đàn tỳ bà, một nhà giáo tận tâm với học trò, “người mẹ” đặc biệt của nhiều nghệ sĩ.
“Mẹ” Phương là người chỉ dạy tôi từ những ngón đàn đầu tiên, luôn dõi theo chặng đường phát triển, cổ vũ cho những nỗ lực sáng tạo trong âm nhạc của tôi, động viên tôi mỗi lúc gặp trở ngại. Nét đẹp tỏa ra từ sự tận tụy, ánh sáng của ngọn lửa nhiệt huyết nơi “mẹ” luôn là “kim chỉ nam” cho những thế hệ nghệ sĩ sau này như chúng tôi vững bước trên con đường phía trước”, nghệ sĩ Phan Thủy xúc động cho biết.
Nghệ sĩ trẻ Như Mai tâm sự rằng, chị “nợ” nghệ sĩ Mai Phương rất nhiều. “Nghệ sĩ Mai Phương thật đặc biệt. “Mẹ” đã không chỉ truyền dạy cho tôi kiến thức trong sách vở mà còn ngoài cuộc sống. Trên bước đường đời, tôi luôn được “mẹ” quan tâm, dìu dắt, chỉ bảo tận tình.
Ra trường cũng đã nhiều năm những mỗi khi quyết định một công việc gì liên quan đến nghệ thuật hay cuộc sống là tôi lại xin ý kiến của “mẹ”. Mỗi lời tư vấn của nghệ sĩ Mai Phương đều rất sâu sắc, thấu tình đạt lý. Thực sự tôi rất biết ơn vì điều đó”, nghệ sĩ Như Mai chia sẻ.
Nếu như Phan Thủy đã giành được rất nhiều giải thưởng trong nước thì Như Mai từng nhiều năm biểu diễn tại nước ngoài. Họ chỉ là 2 trong số nhiều nghệ sĩ tài năng được bàn tay dìu dắt của NSND Mai Phương.
Trong mấy chục năm qua, nghệ sĩ Mai Phương đã “ươm” nhiều “mầm xanh” cho bộ môn đàn tỳ bà trên khắp cả nước. Nếu như ở miền Bắc có Đại tá, NSƯT Nông Thị Bích Kim (Chính trị viên Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội), NSƯT Kim Hạnh, NSƯT Phạm Thị Huệ, nghệ sĩ Vũ Diệu Thảo, nghệ sĩ Phan Thủy (giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), nghệ sĩ Thanh Thư (nguyên nhạc công Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam) thì ở miền Nam có nghệ sĩ Nguyễn Thị Thanh, nghệ sĩ Nguyễn Thị Ánh, nghệ sĩ Nghiêm Thu (một trong những thành viên sáng lập Cỏ Lạ - ban nhạc đình đám một thời với phong cách dân gian hiện đại).
Kể về những học trò của mình, đôi mắt NSND Mai Phương lấp lánh niềm vui, sự hạnh phúc. Bà tin rằng, với lực lượng nghệ sĩ như hiện nay, cây đàn tỳ bà sẽ trường tồn cùng sự phát triển của dân tộc.
“Các em ấy đều rất thông minh, năng động, hơn nữa điều kiện học tập hiện nay cũng rất thuận lợi. Thế nhưng, tôi luôn dặn các em phải thật đoàn kết, bảo nhau cùng tiến bộ. Ai học được kiến thức hay từ nước ngoài mà có thể áp dụng được vào cây đàn tỳ bà Việt Nam thì phải chia sẻ cho nhau biết để tiếp nối, gìn giữ và phát triển kỹ năng chơi đàn. Các em phải là những “cái cây” vững vàng thì mới có thể sản sinh ra những “nhánh cây” khỏe khoắn”, nghệ sĩ Mai Phương nhấn mạnh.
Bén duyên với đàn tỳ bà
Vóc dáng nhỏ nhắn và khá trẻ so với tuổi 71, trong căn nhà nhỏ ở ngõ Thịnh Hào 1 (Đống Đa, Hà Nội) – bên tách trà và cây đàn quen thuộc – bà trò chuyện về cây đàn tỳ bà và cuộc đời mình. Hóa ra âm thanh của cây đàn này vô cùng đa dạng, thậm chí có thể lột tả được thanh âm cuộc sống như tiếng vó ngựa, tiếng mưa... Và không gian ấm áp của buổi chiều hôm ấy trôi đi nhẹ nhàng như thế trong tiếng đàn lúc trầm lúc bổng, mọi bộn bề lo toan của cuộc sống ngoài kia như dần tan biến...
Theo NSND Mai Phương, muốn chơi tốt đàn tỳ bà thì đôi bàn tay phải luôn linh hoạt, nhịp nhàng, người nghệ sĩ phải có nhạc cảm và tư duy âm nhạc tốt. Tay phải thường thể hiện kỹ thuật, điều chỉnh thanh âm còn tay trái chính là trái tim, là linh hồn của đàn tỳ bà. Muốn phát ra âm thanh hay và thể hiện đúng tính chất của âm nhạc dân tộc Việt thì cần sự kết hợp nhuần nhuyễn của cả hai bàn tay.
Nghệ sĩ Mai Phương kể rằng, bà đến với đàn tỳ bà như một cơ duyên trời định. Trước đó, bà rất mê cải lương và được học vĩ cầm từ một người quen của gia đình. Trớ trêu thay, năm 1960, khi thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), bà lại quên không mang theo cây vĩ cầm nên được các thầy gợi ý thi xướng âm.
Thế rồi với kết quả thi xuất sắc, bà đã lọt vào “mắt xanh” của thầy Vũ Tuấn Đức, người “khai sinh” ra khoa Âm nhạc Dân tộc (nay là khoa Âm nhạc Truyền thống) và được thầy khuyên nên theo học song song cả vĩ cầm và đàn tỳ bà.
“Tôi quyết định toàn tâm, toàn ý theo đàn tỳ bà vào khoảng thời gian trường sơ tán về khu vực Xuân Phú, Hà Bắc (nay là Bắc Giang). Được sống giữa vùng quê Kinh Bắc, được xâm nhập thực tế, cùng ăn, cùng ở với bà con, những buổi tập đàn dưới ánh trăng rồi những buổi biểu diễn ở đình làng đã giúp tôi cảm thấy yêu hơn, trân trọng hơn giá trị văn hóa truyền thống. Đặc biệt, tôi đã tìm thấy trong tiếng đàn tỳ bà sự lấp lánh hồn dân tộc”, nghệ sĩ Mai Phương bộc bạch.
Cũng chính bởi sự đam mê, tâm huyết ấy mà NSND Mai Phương đã gặt hái được nhiều thành công. Bà đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1993, NSND năm 2007.
Bà đã giành được nhiều huy chương, giải thưởng, tiêu biểu như: Huy chương Vàng cho sáng tác và biểu diễn tại Hội diễn ca nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1981, Huy chương Vàng tại Nhạc hội Dijon - Pháp năm 1993, giải Nhì Hội diễn ca nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1993, Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 1995… Nhưng có một giải thưởng lớn hơn chính là bà đã đào tạo ra những nghệ sĩ tài năng đã và đang đem công sức, trí tuệ của mình phục vụ đất nước.
NSND Mai Phương và các học trò. |
Không ngừng sáng tạo
Là một giảng viên, nghệ sĩ Mai Phương luôn trăn trở với mảng việc sáng tác cho đàn tỳ bà. Nhiều tác phẩm của bà đến nay vẫn là những bản nhạc mẫu mực cho cây đàn này, và đang được đưa vào chương trình giảng dạy trên khắp cả nước, như: Chỉ một niềm tin, Niềm tâm sự, Nước về đồng, Kỷ niệm quê hương, Quê hương, Biển, Biển quê hương… Trong đó, Chỉ một niềm tin được bà sáng tác dựa trên bài Bèo dạt mây trôi (dân ca quan họ Bắc Ninh) là sản phẩm tốt nghiệp hệ trung cấp, còn Niềm tâm sự là tác phẩm tốt nghiệp hệ đại học.
Với phẩm chất ham tìm tòi, sáng tạo, nghệ sĩ Mai Phương còn được biết đến là người đã cải tiến cây đàn tỳ bà từ hệ thống bát âm (8 phím) lên 18 phím 3 quãng 8 như hiện nay.
Từ đây, người chơi có thể thỏa sức thể hiện một số kỹ thuật như phi và vê năm ngón, vuốt..., đồng thời biểu diễn được nhiều thể loại tác phẩm ở các vùng miền, đáp ứng được thị hiếu của giới trẻ khi muốn thưởng thức những tác phẩm âm nhạc nước ngoài.
Ngoài ra, bà còn dành nhiều công sức, tâm huyết để chuyển thể những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng để đưa vào giảng dạy chuyên ngành tỳ bà trên toàn quốc.
Dù đã rời khỏi cương vị Trưởng bộ môn Đàn gảy (gồm đàn tỳ bà và đàn nguyệt) tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam được hơn chục năm nhưng NSND Mai Phương vẫn đang tiếp tục truyền tình yêu và sự đam mê cây đàn tỳ bà cho những học trò tại ngôi trường này.
Theo bà, muốn đàn tỳ bà phát triển thì ngoài việc dạy theo kỹ thuật và các chuẩn mực truyền thống, các giảng viên, nghệ sĩ cũng cần phải làm mới các bản nhạc để giới trẻ dễ dàng tiếp nhận. Bà vững tin, trong xã hội có nhiều người yêu thích tiếng đàn tỳ bà, chỉ là chưa có điều kiện được thưởng thức và hiểu nó mà thôi.
Bởi vậy, bà mong muốn được tới các trường học để nói chuyện về âm nhạc dân tộc, giao lưu với các học sinh để các bạn trẻ hiểu loại nhạc cụ này có xuất xứ từ đâu, âm sắc như thế nào, làn điệu ra sao. Cứ tâm huyết, đam mê và đau đáu như thế, NSND Mai Phương vẫn miệt mài cống hiến với hy vọng những “mầm xanh” được bà gieo mỗi ngày một trưởng thành, mạnh mẽ, kiên trì níu giữ nét đẹp tinh hoa dân tộc qua cây đàn tỳ bà.
Mỗi lần gặp NSND Mai Phương là chúng tôi lại tíu tít câu chuyện quên cả giờ về. Và rồi trong tất cả những câu chuyện đó, nội dung mà bà quan tâm nhất, muốn kể nhất chính là nỗi niềm đau đáu giữ nghề.
Làm sao để đào tạo ra nhiều nghệ sĩ đàn tỳ bà hơn nữa, có chất lượng hơn nữa? Tất nhiên đây là câu hỏi không dễ bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng dẫu sao ở mỗi ngành nghệ thuật có một “cây đại thụ” tâm huyết và tài năng như NSND Mai Phương cũng là điều rất đáng quý, rất đáng trân trọng.