Nghề quê giữa phố

GD&TĐ - Trải qua biết bao thăng trầm của thời đại các làng nghề truyền thống giữa lòng phố thị vẫn ở đó ngày qua ngày vươn mình mạnh mẽ để tồn tại.

Dù tuổi đã cao nhưng cụ Nguyễn Thị Ích vẫn luôn mong mỏi giữ gìn nghề truyền thống của gia đình.
Dù tuổi đã cao nhưng cụ Nguyễn Thị Ích vẫn luôn mong mỏi giữ gìn nghề truyền thống của gia đình.

Một lòng giữ hương vị Tết xưa

Năm nào cũng vậy, những ngày cận Tết, cụ Nguyễn Thị Ích (83 tuổi) ấp 4, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn (TPHCM) và các con đã bắt đầu chăm chút tỉ mỉ nguyên vật liệu gói bánh từ nhiều ngày trước, không khí trong nhà rộn ràng hơn hẳn.

Theo lời cụ Ích, nếu như miền Bắc có bánh chưng vuông thì miền Nam thường gói bánh tét, bánh có hình trụ dài như cái đòn. Bánh tét miền Nam không chỉ có nhân đậu xanh, thịt mỡ còn có thêm nhân chuối và còn được nêm nếm thêm nước cốt dừa cho bánh có thêm độ béo thơm ngon. Đây là hương vị không thể thiếu trên bàn thờ ông bà, tổ tiên trong dịp Tết ở mỗi gia đình người Việt từ xưa đến nay.

“Nghề gói bánh tét được truyền lại từ thời ông bà, tôi tự tay gói bánh đã chừng 40 năm, sau này truyền đến đời con, cháu. Hiện nay, tuổi đã cao nên tôi chỉ thực hiện các công đoạn lau lá, gói bánh, vớt bánh cho nhẹ nhàng. Còn khâu sơ chế nguyên liệu sẽ do các con đảm nhiệm”, cụ Ích chia sẻ.

Cụ Ích tâm sự: “Chiếc bánh tét chứa đựng nhiều giá trị văn hóa sâu sắc, không chỉ là món ăn mà còn là không gian sinh hoạt, chính những chiếc bánh tét đã kết nối nhiều thế hệ trong gia đình gắn kết lại với nhau. Giờ đây, khi các con đã lớn, có gia đình riêng, cụ Ích cũng già đi sức khỏe giảm dần, nhưng các con đều rất yêu nghề và nghe lời mẹ giữ lửa cho vị bánh truyền thống của gia đình.”

Nối nghiệp mẹ đã hơn chục năm, anh Nguyễn Minh Trị, con trai út của cụ Ích cho biết, để có được một chiếc bánh thơm ngon, cần phải kỹ lưỡng chọn loại nếp, dùng màu lá dứa tự nhiên, trứng muối do chính tay ở nhà tự làm, lựa chọn loại thịt tươi ngon.

“Nếp và đậu phải được ngâm trong một thời gian nhất định, trễ một chút hay sớm một chút đều sẽ không được chuẩn vị. Sau khi nấu bánh từ 6 - 8 tiếng, bánh vừa chín thì vớt ra cho vào lu nước lạnh trong vòng 20 phút rồi mới treo lên, để ráo. Như vậy, bánh sẽ được dẻo hơn, hương vị đậm đà và chuẩn vị.” - anh Trị nói.

Được biết, những ngày thường gia đình cụ Ích cũng nhận đặt bánh và gói những đòn bánh thơm ngon khi khách đặt hàng. Giá bánh từ 50.000 - 100.000 nghìn đồng/đòn tùy kích cỡ. Mỗi dịp Tết đến, nơi đây lại đỏ lửa suốt đêm để kịp xuất đi những mẻ bánh mới cho khách hàng. Cả gia đình cụ Ích phải làm việc liên tục đến chiều 29 mới ngưng tay.

Từng cặp bánh tét được vớt ra trong tiết trời se lạnh, khói bốc lên nghi ngút, phảng phất hương thơm động lòng người thực sự là một nét đẹp văn hóa đặc biệt khi đất trời đang rạo rực vào Xuân.

Bánh tráng nhộn nhịp trước xuân

Hơn hai thập kỷ gắn bó với nghề, chị Hồ Quế Châu (47 tuổi, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi) là một trong số ít hộ gia đình còn giữ được nghề làm bánh tráng truyền thống.

Những ngày cận Tết bếp lửa nhà chị Hồ Quế Châu đỏ lửa khi trời chưa kịp sáng để phục vụ cho bà con gần xa.

Những ngày cận Tết bếp lửa nhà chị Hồ Quế Châu đỏ lửa khi trời chưa kịp sáng để phục vụ cho bà con gần xa.

Theo những người thợ lành nghề, từ xa xưa không ai biết nghề làm bánh tráng có từ bao giờ, chỉ biết từ thời cha mẹ sinh ra đã có. Nơi đây, được xem là một trong những làng nghề nông thôn lâu đời tại TPHCM.

Bên bếp lò hừng hực lửa vừa tráng bánh chị Quế Châu vừa kể: “Làm bánh tráng nói dễ thì không dễ, bởi trong từng công đoạn phải thật tỉ mỉ, cân chỉnh liều lượng đúng, đủ thì bánh mới ngon.

Tiết lộ về hình thức của chiếc lò tráng bánh, chị Quế Châu bộc bạch: “Lò tráng bánh phải do những người thợ có nghề mới làm được, vì nó có thiết kế đặc biệt. Kể cả, những người làm nghề tráng bánh lâu năm cũng không biết tự thiết kế lò cho mình được. Nguyên liệu đốt lò thường là củi, trấu, mùn cưa,… chúng sẽ tạo nhiệt cho hơi nước nóng lên mà chín bánh chứ không dùng lửa trực tiếp như cách nấu thông thường”.

Theo lời ông bà xưa ở vùng đất này, sở dĩ bánh tráng Phú Hòa Đông được ưa chuộng và phát triển đến ngày nay, bên cạnh đôi tay khéo léo của những người thợ lành nghề, mà còn đó một tính chất đặc trưng đó là thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng đất này nguồn nước ngọt quanh năm, nước trong có vị thanh mát không nhiễm phèn, nên bánh khi tráng ra ngon và ngọt hơn những khu vực khác, có người vì nghiện nên bánh tráng của chị được đặt hàng mỗi ngày.

Hiện các cơ sở ở Phú Hòa Đông làm nhiều loại bánh tráng để cung ứng ra thị trường như: Bánh truyền thống, bánh tráng dứa, bánh tráng mè... Mỗi loại bánh có những đặc tính riêng, tùy khách hàng thích chọn loại nào thì các cơ sở cũng có đa dạng sản phẩm để đáp ứng,…

“Nghề làm bánh tráng truyền thống của gia đình là phần hồn cốt mà tôi cần phải gìn giữ bằng mọi giá, chỉ cần có người đến học nghề, tôi chắc chắn sẽ truyền lại miễn phí”, chị Quế Châu tâm niệm.

Được biết, làng bánh tráng xã Phú Hòa Đông cũng là nơi được rất nhiều khách tham quan trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về nghề làm bánh tráng truyền thống.

Nhiều năm qua, cứ đến đầu tháng 11 âm lịch, các lò bánh trong làng đều đỏ lửa ngày đêm để phục vụ nhu cầu người dân, du khách mua bánh phục vụ Tết.

Cụ Ích tâm sự: “Chiếc bánh tét chứa đựng nhiều giá trị văn hóa sâu sắc, không chỉ là món ăn mà còn là không gian sinh hoạt, chính những chiếc bánh tét đã kết nối nhiều thế hệ trong gia đình gắn kết lại với nhau. Giờ đây, khi các con đã lớn, có gia đình riêng, cụ Ích cũng già đi sức khỏe giảm dần, nhưng các con đều rất yêu nghề và nghe lời mẹ giữ lửa cho vị bánh truyền thống của gia đình”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ