“Săn củi” kiếm tiền triệu mỗi ngày
Bắt đầu từ mùng 4 Tết, khi không khí Tết còn phảng phất thì những chủ vườn đào hay cánh chở xe thồ, xe ôm… đã bắt đầu len lỏi đi khắp các đường thôn, ngõ hẻm “săn” những gốc đào bị bỏ đi.
Tại tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (TP Hà Tĩnh), nơi tập trung nhiều cơ quan công sở, mỗi ngày thường có 4 - 5 chiếc xe kéo, mỗi xe chở tới 4 - 5 gốc đào. Giá cả của loại đào này khá rẻ, chỉ dao động từ vài ba chục nghìn đồng/cây. Do Tết Tân Sửu năm nay thời tiết nắng nóng thất thường nên đào sớm bị héo rũ nhất là đào phai.
Nhiều gia đình, cơ quan, công sở… đã phải “thanh lý” đào sớm bằng cách vứt ra đường hoặc gọi điện cho đội thợ cây đến nhờ đi vứt hộ hoặc mang về vườn. Số đào này không chỉ “cho không” mà còn được gia chủ gửi thêm tiền công mang vác.
Anh Nguyễn Xuân Lượng (52 tuổi, TP Hà Tĩnh) một người chuyên thu mua đào thải cho biết: “Phải từ mùng 10 đến sau Rằm tháng Giêng thì mới gom được nhiều gốc vì nhiều người giữ lại để chơi Rằm. Nhưng những năm gần đây số người đi thu gom đào về kiếm lời ngày càng nhiều nên phải đi sớm để kiếm được đào đẹp”.
Địa bàn hoạt động của anh Lượng là khu vực thành phố và các huyện thị lân cận. Để thu gom được số lượng nhiều, anh Lượng phải gọi thêm vợ và con trai tỏa đi các nơi để tìm kiếm. Không chỉ nhặt ở các bãi rác, gia đình anh phải đi sâu trong các ngõ, tìm gặp chủ nhà để tìm hiểu.
“Thường đào vứt ra là đào héo, chỉ cần ra nắng vài giờ đã rất khó phục hồi. Đào này đưa về bán các chủ vườn cũng không mua. Muốn kiếm đào đẹp phải tìm đào đang chưng trong nhà, có khi họ bận bịu chưa kịp vứt đi”, anh Lượng kinh nghiệm.
Chỉ trong 3 ngày, gia đình anh Lượng đã mua được gần 200 gốc đào. Theo anh Lượng, thì giá thu mua các cây đào cũng tùy loại to, nhỏ, đẹp xấu khác nhau. Nhưng nhìn chung, giá không đáng kể vì người bán cũng không còn nhu cầu nữa nên giá thu mua gốc đào này chỉ từ vài chục đến 100.000 đồng.
Trong đó, những gốc đào phai gần như được cho không. Đào thất thốn, hay đào thế sẽ có giá nhỉnh hơn nhưng cũng rất bèo bọt so với giá được gia chủ mua vào. Một gốc đào thế trước Tết có giá cả chục triệu đồng nhưng chỉ thu mua lại từ 100.000 – 150.000 đồng/cây. Số cây này cánh săn đào sẽ bán lại cho các nhà vườn để chăm sóc bán lại cho mùa Tết năm sau.
Nhằm dịp này, nhiều nhà vườn cũng cắt cử nhân lực để đi thu gom. Ông Nguyễn Văn Thanh, một chủ vườn đào tại TP Hà Tĩnh cho biết, trước đây, gia đình ông thường phải bỏ ra không dưới chục triệu cho việc mua đào giống. Nhưng từ khi đi gom đào thải chi phí giảm rất nhiều, thậm chí có ngày ông “săn” được gần chục gốc đào đẹp mà không mất tiền. Vì thế, mấy năm gần đây, phong trào kiếm tìm cây giống sau Tết rất đông, việc cạnh tranh diễn ra không kém việc bán đào.
Thu gom những xác đào phải lặn lội nhiều nơi nhưng đưa lại nguồn thu nhập khấm khá cho người lao động trong dịp ra Tết. Nhiều người trong nghề cho biết, nếu chăm chỉ từ nay đến hết tháng Giêng cũng được cả chục triệu đồng. “Mỗi năm chỉ khoảng vài chục ngày đi gom gốc đào. Dịp Tết năm ngoái, tôi cũng kiếm được hơn 12 triệu đồng, thu nhập cao hơn làm bất cứ công việc tay chân nào khác”, chị Nguyễn Thị Vân (44 tuổi, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên) chia sẻ.
Công phu biến “củi thành quế”
Tại thời điểm này, không khí lao động tại các làng đào Hà Tĩnh không thua kém là mấy so với thời điểm trước Tết. Các lao động thời vụ như: Xe kéo, ba gác, xe tải nhỏ và cửu vạn làm việc không ngơi tay. Những gốc đào được thu gom sẽ “quy tụ” về vườn, chuẩn bị cho công cuộc hồi sinh để phục vụ cho dịp Tết năm sau.
Theo ông Nguyễn Văn Quang, chủ vườn đào tại TP Hà Tĩnh cho biết, không phải gốc đào nào cũng có thể đem trồng lại sau Tết. Những cây nào có bộ rễ còn khỏe, ít bị ngâm nước, ngâm thuốc kích thích… thì mới có thể giữ trồng. Hoặc những gốc đào đã già cỗi, dù đẹp vẫn không còn giá trị sử dụng nên phải bỏ đi.
Để phục hồi đào “biến củi thành quế” chuẩn bị cho vụ sau cũng cần nhiều công đoạn. Cây được đưa về là phải cắt, tỉa cành ngay. Ngoài ra, số đào này thường mắc phải một số bệnh như rệp sáp và nấm trắng. Các nhà vườn phải quét vôi và bôi thuốc liền da cây cho đào để khôi phục cây. Với những cây đào mới được ghép mắt, người dân cũng phải bọc túi bóng cẩn thận để mắt đào không bị khô dẫn tới tình trạng bong mắt ghép.
Một điều quan trọng trong việc chăm sóc đào sau Tết mà các chủ vườn đào phải tuân thủ là đổ đất mới cho đào. “Những cây đào sau khi được đưa về vườn sẽ được trồng hoàn toàn bằng đất mới, chủ yếu là đất sét pha đất thịt thì cây mới có thể sinh trưởng tốt.
Ngoài ra, thường xuyên tưới nước và theo dõi cây hàng ngày, sau khi cây có dấu hiệu bắn mầm mới tiến hành ghép mắt. Việc đầu tư chăm sóc cả năm, tốn không ít chi phí nhân công, rồi còn phụ thuộc vào thời tiết mới quyết định lỗ lãi được”, ông Quang chia sẻ.
Thông thường mỗi gốc đào mới thường mất từ 3 - 5 năm mới lên cây đẹp, đưa lại nguồn thu nhập cho người trồng. Tuy nhiên, việc thu gom đào thải sau Tết giúp người làm vườn vừa tiết kiệm chi phí về kinh tế và thời gian. Chỉ sau một năm chăm sóc từ những cây củi vứt đi đã được hồi sinh thành những gốc đào có giá bạc triệu.