“Cò” ô tô chán nghề
Anh Nguyễn Tiến Hải, 30 tuổi (huyện Diễn Châu, Nghệ An) chia sẻ, sau gần 5 năm gắn bó với công việc bán hàng ô tô, anh đã phải đối mặt với quyết định khó khăn khi từ bỏ công việc. Trước đó, anh Hải làm việc tại một cửa hàng ô tô cũ tại Hà Nội.
“Trong những năm trước, thị trường xe ô tô cũ rất sôi động, tôi có thể kiếm được khoảng 30 - 35 triệu đồng mỗi tháng. Với mức thu nhập này, tôi có thể duy trì cuộc sống ở thành phố và gửi tiền về quê cho gia đình. Nhưng từ năm 2023 đến nay, thị trường trở nên trầm lắng, thu nhập hàng tháng chỉ còn khoảng 8 - 12 triệu đồng”, anh Hải lý giải bất cập khiến anh phải ra quyết định nghỉ việc.
Sau khi rời khỏi ngành bán hàng ô tô, anh Hải đã thử sức trong một số vị trí bán hàng khác, nhưng không tìm được cơ hội phù hợp. Một số nơi không phản hồi sau khi anh nộp hồ sơ, và một số nơi khác đề xuất mức lương quá thấp, khiến anh quyết định từ bỏ ngành bán hàng hoàn toàn.
“Tôi vừa đăng ký tham gia một khóa học về gia công cơ khí, đồng thời học tiếng Nhật để chuẩn bị cho việc đi làm tại Nhật Bản, với mức lương dự kiến từ 40 - 50 triệu đồng mỗi tháng, quyết định này nhận được sự ủng hộ đồng lòng từ gia đình. Tôi cảm thấy tự tin hơn khi biết rằng ở Nhật Bản, cơ hội phát triển nghề nghiệp trong khoảng thời gian tiếp theo sẽ có nhiều thay đổi”, anh Hải chia sẻ.
Tương tự, anh Hà Anh Phong (30 tuổi, quê Hà Tĩnh), nhân viên bán hàng của một showroom ô tô cũ tại Hà Nội, cũng vừa nghỉ việc vì thu nhập... chạm đáy.
Anh Phong cho biết, tiền lương của nhân viên sale không cao mà tiền thưởng mới là nguồn thu nhập chính. Vì vậy, khi không bán được xe, tiền lương chỉ đủ ăn sáng, uống cà phê với bạn bè chứ không thể lo cho gia đình.
“Năm 2023, mỗi tháng tôi còn bán được 2 - 3 xe, thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay rất khó tìm được khách nên thu nhập chưa tới 10 triệu đồng/tháng”, anh Phong chia sẻ.
Để có tiền trang trải cuộc sống và lo cho gia đình, anh Phong cũng miệt mài tìm việc suốt thời gian qua nhưng vẫn chưa tìm được việc ưng ý. Trong thời gian chưa xin được việc, anh Phong chấp nhận làm thêm nhiều việc bán thời gian để kiếm thêm.
Theo anh Phong, không chỉ cá nhân anh mà rất nhiều đồng nghiệp cũ của anh cũng đang trong tình trạng thất nghiệp. Nếu tình hình này kéo dài, có thể sẽ còn không ít sale ô tô bỏ nghề, đặc biệt là sale ô tô cũ.
Ảnh minh họa ITN. |
Chủ showroom “đứng ngồi không yên”
Tình trạng ế khách không chỉ diễn ra ở một số hãng xe nhất định mà bao trùm lên toàn thị trường ô tô Việt Nam. Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 2/2024, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 11.633 xe, giảm 40% so với tháng 1/2024, giảm 50% so với tháng 2/2023. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại thị trường xe đã qua sử dụng, thậm chí còn giảm mạnh hơn.
Để níu chân khách hàng, hiện các hãng xe và nhà phân phối liên tục áp dụng các chương trình khuyến mãi như giảm lệ phí trước bạ, tặng tiền mặt, phụ kiện với giá trị hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, điều này cũng chưa thể khiến thị trường phục hồi ngay trở lại.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại thị trường xe đã qua sử dụng, thậm chí còn có phần “bi đát” hơn. Đặc thù của thị trường ô tô cũ là giao dịch “thuận mua vừa bán”. Các đại lý showroom ô tô cũ thường không đưa ra các chương trình ưu đãi như các đại lý phân phối xe mới mà chủ yếu kiếm lời từ hoạt động “lướt” xe.
Anh Hoàng Linh, chủ một showroom ô tô cũ tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội chia sẻ, trong thời gian qua, doanh thu của cửa hàng đã giảm xuống đáng kể, dẫn đến việc phải cho một số nhân viên nghỉ việc.
“Thực tế là tình hình kinh doanh khó khăn kéo dài, không chỉ làm giảm nhân sự mà còn buộc phải thu nhỏ showroom để có thể duy trì và chờ đợi thị trường sôi động lại”, anh Linh cho biết.
Lý giải về việc kinh doanh khó khăn, anh Linh cho rằng, tình hình kinh tế khó khăn, khách hàng chọn để dành cho các khoản chi tiêu cần thiết khác hơn là mua ô tô - phương tiện được gọi là tiêu sản.
“Ngoài ra, trong năm qua, các nhà sản xuất, phân phối ô tô đã tung ra thị trường hàng chục mẫu xe mới, trải đều ở các dòng xe phổ thông cho đến xe sang. Trước kia khi bán một chiếc xe cũ mình chỉ cần sang tên cho khách trong 2 - 3 ngày. Còn bây giờ có những xe gần 1 tháng mới xong hồ sơ. Cũng vì chưa xong hồ sơ nên khách chỉ trả một nửa tiền và nợ lại số còn lại đợi khi rút được hồ sơ thì thanh toán nốt nên rất khó khăn về vốn”, anh Linh nhìn nhận.
Không chỉ riêng anh Linh, nhiều người buôn xe ô tô cũ đánh giá, tình hình kinh doanh xe cũ vốn đã trầm lắng, nay lại càng ảm đạm hơn. Để tìm được khách hàng có nhu cầu mua xe ô tô cũ, các showroom ô tô đang đẩy mạnh bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Đồng thời, cắt giảm nhân sự và thu hẹp mặt bằng showroom để giảm bớt chi phí.
Kể từ ngày 15/8/2023, việc sang tên cho các phương tiện đã qua sử dụng trở nên phức tạp hơn. Muốn sang tên thuận lợi cho người mua, chủ cũ phải hoàn tất thủ tục thu hồi đăng ký, biển số bằng cách khai báo trên Cổng dịch vụ công, sau đó trực tiếp đi nộp đăng ký xe, biển số xe cho cơ quan đăng ký xe.
Việc cấp, thu hồi đăng ký, biển số ô tô định danh theo Thông tư 24/2023/TT-BCA là bước ngoặt trong công tác quản lý phương tiện cơ giới, thể hiện rõ nỗ lực số hóa dữ liệu của Bộ Công an. Tuy nhiên, do nhiều trường hợp xe cũ thiếu hồ sơ pháp lý nên thực tế triển khai thủ tục hành chính còn vướng mắc, bất cập, gây tốn kém thời gian, nhân lực cho cả lực lượng chức năng và bên mua, bán xe.
Với những khó khăn kể trên, một số chuyên gia nhận định, sự phục hồi của thị trường ô tô cũ sẽ có độ trễ nhất định so với thị trường chung. Theo tính toán, từ đầu năm 2024, sau khi thị trường xe sản xuất mới bật tăng trở lại sẽ kéo theo sự phục hồi của thị trường xe cũ. Đó mới là lúc các chủ showroom quyết định có trở lại thị trường hay không.