Bất động sản 'rục rịch' khởi sắc: Người môi giới trở lại với nghề

GD&TĐ - Thị trường bất động sản những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 đang từng bước phục hồi sau 3 năm rơi vào tình trạng ảm đạm.

Nghề môi giới bất động sản cho thu nhập cao khi thị trường sôi động trở lại.
Nghề môi giới bất động sản cho thu nhập cao khi thị trường sôi động trở lại.

Sự chuyển biến này được đánh giá là tín hiệu đáng mừng, đưa nhiều nhân viên môi giới quay lại với nghề.

Giai đoạn khó khăn

Năm 2018 - 2020 có thể được coi là thời kỳ sôi động của thị trường bất động sản khi nhà nhà làm môi giới, người người làm môi giới. Cũng như nhiều người, không thể cưỡng lại sức hút của nghề môi giới, anh Phan Văn Khoa (29 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) đã quyết định nghỉ việc tại một ngân hàng, đầu quân cho doanh nghiệp phân phối bất động sản lớn tại Hà Nội.

“Thời gian đầu được bạn bè giới thiệu, ngoài công việc chính, tôi đi làm thêm nghề môi giới với mục đích tăng thu nhập. Thế nhưng sau 4 tháng ‘chân ướt chân ráo’ gia nhập lĩnh vực này, tôi đã có mức thu nhập cải thiện đến nỗi chính bản thân còn ngạc nhiên. Mỗi giao dịch thành công, tôi được nhận hoa hồng cả vài chục triệu đồng. Thay vì đều đều mỗi tháng nhận lương, thưởng khoảng 20 triệu đồng thì khi đó có những tháng tôi kiếm được cả trăm triệu đồng. Nhận thấy mình có tiềm năng, vì vậy không chỉ khu vực phía Bắc, tôi còn “lấn sân” qua cả những miếng đất khu vực TPHCM, Vũng Tàu, Phan Thiết. Tôi quyết định nghỉ công việc ở ngân hàng để tập trung phát triển mảng địa ốc”, anh Phan Văn Khoa kể.

Thế nhưng, vừa chuyển nghề được vài năm thì thời vàng son của bất động sản qua đi. Từ khoảng giữa năm 2022, thị trường bất động sản rơi vào cảnh “ngủ đông”. Cả nguồn cung và cầu của thị trường đều sụt giảm nghiêm trọng khiến nhiều doanh nghiệp liên tục báo lỗ, nhiều môi giới bất động sản rơi vào tình cảnh khó khăn, túng thiếu. Công việc của anh Khoa bắt đầu khó khăn. Anh Khoa đã phải “chen chân” sang cả mảng căn hộ cho thuê. Thế nhưng, giá trị sản phẩm thấp nên số tiền hoa hồng cũng giảm. Thu nhập của anh Khoa rơi vào trạng thái bấp bênh, có những tháng chỉ vỏn vẹn 10 triệu đồng.

Vào tháng 3/2023, trong khi chờ đợi thị trường hồi phục trở lại, anh Khoa đã phải tạm ngưng công việc môi giới bất động sản để làm nhân viên kinh doanh ô tô cũ và nhận công việc kế toán tại nhà để duy trì được mức chi phí đắt đỏ ở Hà Nội.

Anh Khoa chia sẻ, nhiều đồng nghiệp của anh cũng phải bỏ nghề, tìm cách quay trở lại công việc cũ hoặc chật vật tìm kiếm một công việc mới.

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), trong năm 2023, khoảng 70% môi giới bất động sản đã nghỉ việc, bỏ nghề; hơn 90% nhân sự ngành bất động sản bị giảm thu nhập. Làn sóng cắt giảm nhân sự diễn ra trong hầu hết các doanh nghiệp liên quan đến bất động sản. Đây có thể nói là thời kỳ vô cùng khó khăn của thị trường nói chung và môi giới bất động sản nói riêng.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Tín hiệu tích cực

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, với tín hiệu tích cực trong các chính sách tín dụng, đất đai, nhà ở được áp dụng, thị trường bất động sản năm 2024 này sẽ khởi sắc.

Anh Phan Quang Thịnh (36 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) làm nghề môi giới bất động sản tại quận Hà Đông cho biết, từ cuối năm 2023 tới nay, văn phòng nơi anh làm việc đã không còn cảnh đìu hiu, thiếu việc để làm như trước.

“Giai đoạn trước đó, có khi cả ngày cũng không có cuộc điện thoại nào của khách hàng, cũng không có giao dịch nào được thực hiện. Thậm chí gọi điện mời chào nhưng cũng không nắm bắt được khách hàng tiềm năng thì hiện nay các nhân viên đã bận rộn hơn vì lượng khách hỏi thông tin ngày càng nhiều, đặc biệt thị trường mua, bán chung cư dạo gần đây đang trở nên vô cùng sôi động.

Văn phòng đã trở lại tấp nập hơn với nhiều nhân sự trước đây quay lại và nhận thêm một số người mới xin vào làm. Thị trường có dấu hiệu phục hồi, giao dịch thành công nhiều hơn đã tạo niềm tin để nhiều người quay trở lại nghề môi giới bất động sản”, anh Thịnh phấn khởi chia sẻ.

Cũng như nhiều đồng nghiệp khác, chị Đặng Thùy Linh (32 tuổi, Từ Sơn, Bắc Ninh) cũng đã có khoảng thời gian phải bỏ công việc địa ốc để tìm việc làm khác mưu sinh. Thời gian đó, chị Linh vẫn đau đáu mong mỏi được quay trở lại với nghề vì về quê làm công nhân, thu nhập chẳng đáng bao nhiêu so với thời làm môi giới bất động sản tại Hà Nội.

Nhận thấy thị trường có nhiều dấu hiệu tích cực, đầu năm 2024 chị Linh quyết định về Hà Nội, quay lại với công việc môi giới kinh doanh địa ốc để có thu nhập cao hơn. Chị Linh cho rằng, nếu không sớm nắm bắt cơ hội thì sau này sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn nữa vì khi thị trường “hot” trở lại, rất nhiều môi giới cũ cũng sẽ quay trở lại, chưa kể lực lượng lao động mới gia nhập.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận xét, thị trường bất động sản những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 từng bước phục hồi, đồng thời có sự phân hóa theo phân khúc và khu vực bởi khả năng hấp thụ khác nhau. Một trong những điểm nghẽn lớn của thị trường là chính sách tiền tệ đã dần được tháo gỡ trong năm 2023 và sẽ trở nên linh hoạt, nới lỏng hơn trong năm 2024, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận dễ dàng hơn so với trước.

“Bất động sản hồi phục chắc chắn sẽ tạo nên làn sóng nhân viên môi giới quay trở lại với nghề. Để đón đầu, hiện một số công ty bất động sản đã tiến hành ‘chiêu mộ’ quân để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới của thị trường. Động thái của môi giới nghỉ việc đang có ý định quay trở lại nghề được xem là dấu hiệu tích cực của thị trường bất động sản trong thời gian tới”, ông Đính chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ