Nghề hướng dẫn viên du lịch 'hút' giới trẻ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Mỗi năm ngành du lịch đã tạo ra cơ hội việc làm cho hàng triệu lao động.

Anh Nguyễn Việt Hoàng trong buổi họp hướng dẫn đoàn làm thủ tục xuất cảnh.
Anh Nguyễn Việt Hoàng trong buổi họp hướng dẫn đoàn làm thủ tục xuất cảnh.

Trong đó, hướng dẫn viên du lịch là nghề đầy tiềm năng được nhiều bạn trẻ yêu thích, lựa chọn. Được đi đến nhiều vùng đất mới, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, tận hưởng nhiều cái hay cái đẹp, trả lương cao… là sức hấp dẫn của nghề.

Giữ vai trò “nòng cốt” của chuyến đi

Trong những năm gần đây, cùng với sự phục hồi ấn tượng của ngành du lịch, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch cũng ngày càng đông đảo. Theo số liệu từ Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, thị trường du lịch trong nước đã tăng thêm 1.175 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế, 3.709 hướng dẫn viên và khoảng 3.000 cơ sở lưu trú du lịch so với năm 2022.

Không thể phủ nhận, hướng dẫn viên du lịch đóng vai trò là “mắt xích” quan trọng trong ngành du lịch. Họ nắm giữ vai trò “nòng cốt”, đôi khi quyết định sự thành công hay thất bại của cả chuyến đi. Bởi lẽ, họ sẽ là người gần nhất với du khách, có nhiệm vụ giới thiệu, giải thích và hướng dẫn du khách về văn hóa, lịch sử, đồng thời hỗ trợ, giải đáp những thắc mắc của khách. Du khách có thấy thoải mái, có tiếp nhận hình ảnh tốt hoặc tìm thấy giá trị ở nơi mà họ đến hay không phụ thuộc rất nhiều vào người dẫn đoàn.

Chị Phạm Bùi Lan Anh (30 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội) thường ưu tiên chọn các chuyến du lịch theo tour cho cả gia đình. Chị Lan Anh cho rằng, gia đình hoàn toàn có thể đi tự túc, song chị vẫn lựa chọn tour du lịch bởi giá cả ưu đãi, quan trọng nhất là có hướng dẫn viên giàu kinh nghiệm đồng hành.

“Không chỉ tạo được không khí vui vẻ, kết nối mọi người trong nhóm với nhau, hướng dẫn viên còn là người có kiến thức về văn hóa, hiểu biết về địa điểm du lịch cũng như các danh lam, thắng cảnh. Những khả năng của người dẫn đoàn sẽ khiến cả nhà tôi thấy yên tâm hơn khi tới vùng đất xa lạ, bên cạnh đó còn có thể học thêm được rất nhiều kiến thức thú vị mà nếu tự đi, tự mày mò sẽ không thể biết được”, chị Lan Anh chia sẻ.

Anh Đỗ Ngọc Duy (32 tuổi, quê Quảng Bình) hào hứng kể về những trải nghiệm thú vị của mình trong suốt 8 năm làm hướng dẫn viên du lịch. Là con cả trong một gia đình nghèo, đông anh em, Duy chưa bao giờ dám nghĩ tới những chuyến du lịch dài ngày mình có điều kiện hưởng thụ, được đi đây đi đó, được ở trong những khách sạn cao cấp, các resort… Thế nhưng, nghề hướng dẫn viên du lịch với tính chất “nhất cử lưỡng tiện” đã giúp anh chạm tay vào “giấc mơ” năm ấy.

Kể về cơ duyên gắn bó với nghề, anh Duy cho biết: “Năm tôi học lớp 10, cả nhà tôi được dì từ nước ngoài về ‘tài trợ’ cho một chuyến du lịch theo tour đi Đà Lạt. Đó là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với người làm nghề hướng dẫn viên du lịch và cũng từ đó, tôi ấp ủ giấc mơ theo cái nghề “được trả tiền để đi du lịch” này”.

Sau đó, Duy đã thi đỗ và theo học tại Trường Cao đẳng Du lịch Huế, xây dựng nền tảng thực hiện ước mơ làm nghề hướng dẫn viên. Sau khi hoàn thành chương trình học, Duy được Sở VH,TT&DL tỉnh Thừa Thiên Huế cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch để chính thức hành nghề.

“Ban đầu khi mới ra trường, tôi làm hướng dẫn viên tự do, làm thuê cho các công ty khi họ có nhu cầu. Hiện nay, tôi phụ trách dẫn một số tour nội địa, quen thuộc nhất là dẫn du khách tham quan khu vực miền Tây Nam Bộ với hệ thống kênh rạch chằng chịt, chợ nổi, tìm hiểu và trải nghiệm về cuộc sống trên sông nước với những hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa sinh động trên những chiếc ghe nhỏ, thuyền trên sông...

Mỗi lần đồng hành cùng du khách tới một vùng đất mới để khám phá, tôi đều cảm thấy may mắn vì lựa chọn nghề nghiệp của mình. Tôi mong muốn đóng góp một phần nhỏ công sức để giúp ngành du lịch nước nhà ngày càng phát triển hơn”, anh Duy say sưa kể.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Thu nhập đáng mơ ước

Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, mức lương trung bình của hướng dẫn viên du lịch là 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên trên thực tế, mức lương này có thể cao hơn rất nhiều, tùy thuộc vào các yếu tố về cơ hội việc làm.

Anh Nguyễn Việt Hoàng (38 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) là một hướng dẫn viên du lịch quốc tế giàu kinh nghiệm. Mức lương cơ bản của hướng dẫn viên du lịch quốc tế trung bình khoảng 10 - 15 triệu đồng/tháng, trong khi đó hướng dẫn viên nội địa là khoảng 7 - 8 triệu đồng.

Với những hướng dẫn viên quốc tế có kinh nghiệm và trình độ cao, mức lương có thể lên đến 30 - 70 triệu đồng/tháng. Ngoài lương cơ bản, hướng dẫn viên du lịch còn có thể nhận được các khoản thu nhập khác như tiền “bo” từ khách du lịch, hoa hồng từ các đơn vị lữ hành, tiền phụ cấp ăn, ở, đi lại…

“Có những khi chăm chỉ dẫn đoàn đi các tour dài ngày ở châu Âu, Mỹ… có tháng tôi kiếm được cả trăm triệu đồng. Chính vì thu nhập cao và ổn định nên đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát, công việc gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi vẫn nhất quyết bám trụ lại, kinh doanh trực tuyến lấy ngắn nuôi dài đợi ngành du lịch phục hồi để gắn bó chứ không có ý định đổi nghề. Nghề hướng dẫn viên du lịch chính là cái cần câu cơm của cả gia đình tôi”, anh Việt Hoàng khẳng định.

Anh Việt Hoàng chia sẻ, hướng dẫn viên muốn được cấp thẻ quốc tế, cần tốt nghiệp trình độ đại học chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch trở lên. Những người học chuyên ngành khác, yêu cầu cần có thẻ hướng dẫn viên nội địa hoặc các chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ, đặc biệt cần thông thạo ít nhất một ngoại ngữ. Đối với hướng dẫn viên nội địa, cần tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch trở lên hoặc các chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ do các cơ sở có thẩm quyền cấp.

Tin tiêu điểm

Ông MacNair cắt tỉa cây cảnh tại nhà riêng ở Dubai.

Bậc thầy bonsai ở Dubai

Thế giới
GD&TĐ - Khi lần đầu mua cây cảnh vào những năm 1980, ông Robert MacNair (Scotland), không hề biết rằng nó sẽ là khởi đầu đam mê suốt đời mình.

Đừng bỏ lỡ