Nghề giáo và nghiệp diễn

Nghề giáo và nghiệp diễn

(GD&TĐ) - Dù đóng phim, đóng kịch, dạy học hay dựng vở, Nghệ sĩ - NGƯT Đoàn Mạnh Dung vẫn giữ được một tình yêu với nghề. Ông vẫn vẹn nguyên “lửa” như thuở nào của người nghệ sĩ trẻ đã tình nguyện vác ba lô theo Đoàn Văn công Nam Bộ ra chiến trường khói lửa, phục vụ các chiến sĩ... 

“Ông già Nam Bộ đáng yêu”

Sống với nhiều nhân vật trên màn ảnh, nghệ sĩ - NGƯT Đoàn Mạnh Dung đã gửi trọn tình yêu nghề của mình vào từng vai diễn. Có lẽ tư duy của một đạo diễn và kinh nghiệm của một diễn viên lão thành đã giúp ông khắc họa được nhiều tính cách nhân vật, nảy ra nhiều chi tiết sống động trong cách thể hiện. Khán giả xem phim thường thấy một ông già Nam Bộ thật đẹp lão, khi thì nhập vai ông Ba bắt rắn trong phim Đất phương Nam, khi lại là cha vợ của Bác Tôn trong Tổ quốc tiếng gà trưa, hoặc ông già người Chăm yêu cách mạng trong Những đứa con thành phố, ông Nam Sơn trong Bình minh châu thổ, ông Ngừ trong Hải Nguyệt, ông Ba Trắc trong Bão U Minh, ông Năm chống Tây trong Người Bình Xuyên. Mới nhất là vai ông nội rất khó tính, nhưng tràn đầy tình yêu thương con cháu trong bộ phim truyền hình dài 52 tập Cá rô anh yêu em, được khán giả miền Tây rất yêu mến. Đoàn Mạnh Dung cho biết: “Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn cảm xúc nguyên vẹn với vai ông Ba bắt rắn đôn hậu, phong trần, nhưng chí khí khẳng khái quật cường, yêu ghét rạch ròi trong bộ phim Đất phương Nam, đây là vai diễn thú vị nhưng cực nhất với tôi từ trước tới nay. Hiện tại, nhiều khán giả gặp tôi ngoài đường vẫn gọi tôi là “ông Ba bắt rắn” đầy sự thân ái…”. Nói xong, ông cười khà khà, rung cả bộ râu bạc trắng cực kỳ... ăn ảnh. Vừa qua, trong bộ phim hài Lên đời, ông vào vai một lão nông miền Tây trúng đất giàu lên nên học làm sang… chơi patin. Để vào vai này, sáng sáng, ông mặc quần soọc, vác đôi giày ra sân Tao Đàn “lướt sóng” cùng tụi con nít, té oành oạch. Một cặp vợ chồng đi ngang, hứ: “Đồ già... mà ham!”. Ông giận tím mặt: “Nói gì dzậy?”. Bà vợ liếc xéo một cái, hổng thèm trả lời. Nhưng nhìn kỹ lại... thấy quen quen, bà liền hỏi mấy đứa nhỏ tập cùng, mới biết ông tập để đóng phim. Cả hai vợ chồng đó cùng cười và xin lỗi rối rít. 

NGƯT Đoàn Mạnh Dung
NGƯT Đoàn Mạnh Dung

Cuộc đời lận đân

Nghệ sĩ, NGƯT Đoàn Mạnh Dung có một quãng đời khá lận đận. Ông được sinh trên một toa xe lửa, trôi dọc dải đất Việt Nam hình chữ S, ga nào cũng gọi là quê. Cha ông là nhân viên xe lửa, dẫn vợ con theo, tới ga Khánh Hòa sinh một đứa thì đặt tên Khánh, tới ga Vinh sinh thêm một đứa thì đặt tên Vinh, nhưng gọi trại ra là Dung. Từ năm 1940 cho tới 1952, ông đón mười mấy mùa xuân trên chuyến tàu lang bạt kỳ hồ. Đó vừa là nhà, vừa là trường học của ông, vừa là căn cứ kháng chiến của cha tham gia chống Pháp. Năm 1953, ông mới được về Hà Nội định cư, duyên cải lương đến với ông như duyên tiền định. Ông kể: “Được về Hà Nội, tôi mê ngay những đêm hát cải lương, tối nào cũng chờ xả dàn vô coi màn chót. Hà Nội hồi ấy cải lương rộn ràng không thể tả. Bà bầu Kim Chung lập đoàn Chuông Vàng thuộc hàng “đại bang”, còn các tỉnh thì nơi nào cũng có đoàn, kéo về Hà Nội hát suốt. Tôi coi tất tần tật cả “đại bang” lẫn đoàn tỉnh lẻ, riết thuộc luôn bài ca, nét diễn. Năm 1957, tôi xin vào học ở Chuông Vàng. Đến năm 1959 mới thành lập Trường Sân khấu Việt Nam, và tôi chuyển sang trường này học chính thức. Các bậc thầy nổi tiếng của miền Nam ra tập kết đã đào tạo nên những thế hệ nghệ sĩ cải lương tài danh phía Bắc, đó là thầy Tám Danh, Ba Du, Ngọc Bạch, Chi Lăng, Thanh Hương... Cho nên, ra trường tôi và Thanh Dậu, bà xã tôi hiện nay đều trở thành đào kép chánh của đoàn Chuông Vàng…”. Năm 1969, ông về đoàn Văn Công Nam Bộ, một “đại bang” nổi tiếng của nhà nước. Ở đây, ông phải tập nói tiếng Nam. Ông cười: “Nhớ lại hồi ấy giống như học ngoại ngữ vậy. Nhưng tôi lại thích lao mình vào thử thách vì cải lương thì phải thuần phong cách Nam Bộ như thế”. Ông theo đoàn Văn Công Nam Bộ đi biểu diễn phục vụ chiến trường miền Nam, lưu diễn suốt các tỉnh phía Nam. Năm 1975, ông trở về Bắc tham gia xây dựng Nhà hát Cải lương T.Ư, học đạo diễn tại Trường Sân khấu Điện ảnh Việt Nam, sau đó lại quay vô Sài Gòn bắt đầu với cái nghiệp làm thầy tại Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP.HCM (nay là ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM) rồi gắn luôn với nghiệp đóng phim, đạo diễn. Vừa giảng dạy vừa dựng vở, tính đến nay, ông đã dựng trên 100 tác phẩm cho sân khấu và truyền hình. 

NGƯT Đoàn Mạnh Dung đang giảng dạy
NGƯT Đoàn Mạnh Dung đang giảng dạy

Thầy của những người nổi tiếng

Nghệ sĩ, NGƯT Đoàn Mạnh Dung dù rất bận rộn với những vai diễn trên sân khấu, phim ảnh nhưng gần 30 năm qua, ông vẫn gắn bó với bục giảng, với vai trò một người thầy chủ nhiệm truyền dạy kinh nghiệm diễn xuất cho các diễn viên tương lai. Nhiều lớp học trò của ông đã khẳng định được vị trí của mình và trở thành những tên tuổi quen thuộc của khán giả cả nước như : Quốc Thảo, Hữu Châu, Phước Sang, Ngọc Trinh, Quyền Linh, Minh Nhí, Trịnh Kim Chi, Mai Phương, Kiều Oanh, Bảo Châu, Tuyết Thu, Cát Phượng, Thái Hòa, Đức Thịnh, Thanh Thúy, Lê Khánh, Hòa Hiệp, Lương Thế Thành, Đại Nghĩa… Là người thầy rất mực yêu thương, tận tâm với học trò, nhưng ông cũng nổi tiếng là người rất khó tính trong giảng dạy. Nhưng chính cái “khó tính” ấy mà nhiều học trò khi thành danh không thể nào quên thầy Mạnh Dung. Nghệ sĩ Hữu Châu kể : “Tôi còn nhớ trong một tiểu phẩm thầy dựng cho chúng tôi, chỉ với một động tác nhỏ diễn ra trong vòng hai phút, nhưng thầy bắt tôi phải tìm cách biểu diễn mọi tư thế trong vòng nửa tiếng. Đám học trò chúng tôi lúc ấy thường đùa nhau rằng phương pháp dạy của thầy Dung là phương pháp “huấn nhục”, bởi vì ngày ấy thầy ‘hành’ chúng tôi rất nhiều…”. Nghệ sĩ Cát Phượng nói về người thầy kính yêu của mình: “Ngoài những lúc nghiêm khắc trên bục giảng, thầy còn là một người rất vui tính và có tấm lòng bao dung với học trò. Thầy cũng chẳng khá giả gì, thế nhưng đứa nào gặp cảnh khó khăn, thầy cũng đều giúp đỡ. Nhà thầy hồi ấy giống như ngôi nhà chung của lũ sinh viên chúng tôi. Đã có bao nhiêu thế hệ nghệ sĩ được thầy tận tâm hướng dẫn và trong đó, cũng có nhiều người thành đạt…”.

Nhìn ông say sưa truyền đạt những kinh nghiệm vũ đạo, tiếng nói sân khấu và những tình huống gặp phải trên sân khấu và phim trường cho các học trò của mình trên bục giảng, không ai còn nghĩ đến một nghệ sĩ đa tài Đoàn Mạnh Dung mà đó là hình ảnh của một nhà sư phạm tận tuỵ yêu nghề. Ông bộc bạch: “Hằng năm, có hơn 40 diễn viên trẻ tốt nghiệp ĐH Sân khấu Điện ảnh, mặc dù các em biết ra trường khó tìm được đất diễn, khó len vào các bộ phim, các vở kịch. Nhưng mỗi năm, thí sinh đăng ký dự thi vào trường ngày càng tăng, bởi vì các em hy vọng một ngày, nào đó, có cơ hội hội nhập vào thế giới của những người nghệ sĩ, để xây dựng cho đời ngày càng tốt đẹp hơn qua các tác phẩm mà mình tham gia. Vì vậy, tôi đã cùng với những người có trách nhiệm của ngôi trường này đã thực hiện nhiều chương trình sân khấu học đường để tạo đất diễn cho những tài năng trẻ”. Nói về nghề giáo của mình, ông cho biết: “Dạy học như đãi cát tìm vàng. Có em mê nghề nhưng không năng khiếu. Có em năng khiếu nhưng không chịu rèn luyện hết mình và tu dưỡng đạo đức. Tiêu chí của tôi là cân bằng giữa đức và tài. Nếu không ý thức được thiên chức nghệ sĩ cao quý thì sẽ mau thui chột tài năng. Tôi khuyên các em phải tôn trọng khán giả, kính trên nhường dưới với đồng nghiệp, rèn luyện trong ứng xử, hành vi... Những đứa tôi la mắng nhiều nhất sau này ra đời lại quay về thăm tôi nhiều nhất. Hiện nay, ngay từ năm thứ nhất, tôi đã dạy cho học viên viết tiểu phẩm để nếu ra trường, không có đoàn hát thì sẽ làm sân khấu quần chúng, cổ động. Quả thật, một số em đã về các nhà văn hóa quận, huyện, coi như không uổng công thầy trò vất vả mấy năm trời”. Và cũng chính cái nghiệp “phấn trắng” làm ông phải cân nhắc khi nhận vai đóng phim. Là gương mặt khá ăn ảnh, ông được mời liên tục nhưng phim nào làm cẩu thả hoặc sinh hoạt bê bối, bị phản ánh là ông dứt khoát rút lui, bởi “Thầy cô không làm gương thì khó dạy học trò lắm. Làm nghệ sĩ thì làm, nhưng rốt cuộc cũng không được quên mình là nhà giáo”.

Song Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ